Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hướng dẫn 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Khánh An - 24/11/2014 08:29
 
() Trước giờ Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), cùng với sự kỳ vọng vào các nội dung mang tính đột phá, lo ngại về rào cản thực thi đã xuất hiện. Nếu việc thực thi, trong đó có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện không được làm tốt thì sẽ ảnh hưởng tới tinh thần tiến bộ của Luật.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
“Khai sinh” xong là kinh doanh
Không nóng vội, nhưng không được trì trệ
Đừng để “nở rộ” ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Không thể cấm kinh doanh mại dâm
Ai có quyền cấm kinh doanh massage, vũ trường, karaoke?

Cho đến thời điểm này, khi chỉ vài ngày trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (dự kiến vào ngày 26/11 tới), GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) không bàn nhiều về nội dung của các điều luật nữa, bởi tinh thần tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh đã được thể hiện rõ. Điều ông quan tâm nhất, cũng là lo ngại nhất hiện giờ là câu chuyện thực thi luật.

  Hướng dẫn 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện  
  Giới đầu tư đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể việc thực hiện 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện  

“Hai dự thảo luật này so với nội dung hiện hành đã có những tiến bộ rất lớn, nhất là trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong vài ngày gần đây, báo chí các nước đã nhắc đến nhiều đến các nỗ lực cải thiện về môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là những nội dung mới trong dự thảo hai luật này, với những đánh giá cao. Tôi không muốn những chậm trễ, hay vướng mắc nào đó trong thực thi sẽ làm mất đi, hoặc ảnh hưởng đến tinh thần của hai luật này”, ông Mại thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Đây không phải là lần đầu, ông Mại cũng như nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đề cập vấn đề này.

Tuy nhiên, nhìn vào những thay đổi được đánh giá là đột phá của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có thể hiểu phần nào nỗi lo “chất lượng công chức không như mong muốn” của GS-TSKH Nguyễn Mại.

Phải nói rõ, phần lớn thay đổi này sẽ tác động trực tiếp đến tư duy và hành vi ứng xử của giới công chức, những người trực tiếp xây dựng cơ chế chính sách, thực thi các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Như quy định thực hiện bãi bỏ thủ tục thẩm tra đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 15 ngày (thay vì 45 ngày như hiện hành) sẽ khiến cả khối lượng và đòi hỏi chất lượng công việc của công chức liên quan tăng mạnh.

Hay chỉ nội những tranh luận xung quanh danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện suốt từ tháng 7/2014, sau khi có văn bản của Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có ý kiến vào danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đến giờ vẫn chưa chấm dứt, có thể thấy không dễ đưa ngay những tư tưởng mang tính đột phá vào thực hiện.

Ngay cả khi số ngành, nghề cấm kinh doanh cho đến thời điểm này là 6 (trên cơ sở rà soát 51 ngành nghề, hàng hóa cấm đầu tư kinh doanh hiện hành), số ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 272 (so với 386 ngành nghề hiện hành), Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vẫn phải có riêng một điều quy định việc sửa đổi, bổ sung danh mục này theo thủ tục rút gọn…

Nhưng điều này dường như vẫn chưa đủ để giới đầu tư, kinh doanh tin rằng sẽ không có “cửa” để các luật chuyên ngành đưa ra những ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngoài danh mục của Luật Đầu tư (sửa đổi).

Trong Hội thảo về “Tác động của Luật Đầu tư (sửa đổi) và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” diễn ra cuối tuần trước, đại diện Công ty Panasonic đề nghị đưa các điều kiện kinh doanh vào Luật, thay vì hướng dẫn tại Nghị định theo Dự thảo.

“Pananonic đang hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các điều kiện mà chúng tôi phải tuân thủ đang được quy định rải rác ở nhiều văn bản. Nhưng ngay cả khi điều kiện được quy định trong nghị định của Chính phủ rồi, nhưng các địa phương vẫn chưa thực hiện được thống nhất và rõ ràng”, vị đại diện này lý giải cho đề nghị trên. Bên cạnh đó, vị này cũng đề nghị, việc sửa đổi danh mục cần phải được lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp rộng rãi và công khai.

Tuy vậy, đề nghị này rất khó thực hiện khi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, hội nhập mạnh mẽ. Ông Lê Duy Bình, chuyên gia Công ty cổ phần Tư vấn quản lý kinh tế Economica Việt Nam, người đã có rà soát độc lập về thực trạng giấy phép kinh doanh vừa qua cho rằng, cơ chế thực hiện tốt nhất vào giai đoạn này là các điều kiện kinh doanh được quy định rõ ràng, minh bạch tại nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và sẽ không có văn bản nào được làm khác với nội dung này.

“Không chỉ liên quan đến nội dung này, các vấn đề cần Chính phủ hướng dẫn cần được thực hiện rõ tại các nghị định, không cần thêm thông tư hướng dẫn”, ông Bình nói.

Đây là cũng quan điểm của GS-TSKH Nguyễn Mại. Ông đề nghị, nếu các văn bản luật được Quốc hội thông qua, toàn bộ dự thảo nghị định hướng dẫn phải có trước tháng 5/2015 để kịp chuẩn bị cho việc thực thi hai luật này vào ngày 1/7/2015.

Đặc biệt, một lần nữa mô hình tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, từng được thành lập vào năm 2000 và năm 2005 để đảm bảo các nội dung đổi mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư những năm trước đi vào cuộc sống, được nhắc lại. Khi đó, cơ chế hoạt động của tổ này là các vướng mắc trong thực thi được tập hợp và trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết ngay.

“Có thể không phải là một tổ công tác, nhưng cần phải có cơ chế để người xây dựng pháp luật, hướng dẫn thực thi và các nhà quản lý, công chức và nhất là những người đứng đầu các cơ quan thực hiện cùng chung cách hiểu các quy định của luật. Có như vậy mới kiểm soát được các quy định “lách luật”, thậm chí là “lách nghị định” trong các văn bản hướng dẫn dưới luật”, ông Mại nói và đặc biệt nhấn mạnh thực tế một số công chức nhà nước không tuân thủ đúng quy định đã phá hỏng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Quốc hội, Chính phủ…

Phải nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong buổi thảo luận về hai dự thảo luật này vào ngày 10/11 rằng, ông kỳ vọng vào nhân tố con người trong thực thi luật pháp. “Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng. Nếu con người thực thi luật pháp đúng, tốt thì mới đảm bảo tính minh bạch”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư