Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Hướng đến chiến lược “Việt Nam điện tử”
Hữu Tuấn - 21/06/2013 07:18
 
Tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông 2013 (Vietnam ICT Summit), ngài Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về chiến lược phát triển công nghệ thông tin tại Nhật Bản và cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Thưa ngài, vì sao Nhật Bản lại coi chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT) như một sự dẫn dắt cho việc phát triển kinh tế?

Ngài Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản,
Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á

Nhật Bản không giống đất nước các bạn là một đất nước giàu có tài nguyên, chúng tôi là nước nghèo sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nên tài nguyên quan trọng nhất của chúng tôi là con người.

Sau chiến tranh lạnh, chính công nghệ chuyên sâu đã là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, nhanh chóng biến đất nước chúng tôi thành một trong những nước dẫn đầu công nghệ thế giới.

Chiến lược CNTT của Chính phủ đã làm thay đổi đất nước Nhật Bản như thế nào, thưa ngài?

Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT mà không phát triển phần mềm trên đó, thì cũng không mang lại hạnh phúc cho người dân. Năm 2006, khi các mục tiêu chiến lược e-Japan hoàn thành, chúng tôi đề xuất chiến lược u-Japan nhằm chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sang tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Các chính sách này đã tạo ra giá trị mới ở Nhật Bản, tạo ra một xã hội kết nối mạng, để công dân có thể truy nhập mọi nơi, mọi lúc và thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ bằng CNTT.

Việt Nam cần phải làm gì để học hỏi kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, thưa ngài?

Tôi rất ngạc nhiên với tốc độ phát triển trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam đang trải nghiệm tăng trưởng kinh tế cao, nên đồng thời tiến vào cái mà chúng tôi tạm gọi là chiến lược “Việt Nam điện tử” hướng đến một hạ tầng sẵn sàng, hướng đến xây dựng một xã hội mạng phổ cập, phổ quát.

Tôi cũng đã trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và được biết, Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm. Các bạn phải xác định các vấn đề hiện tại cũng như các vấn đề trong tương lai gần ở nhiều lĩnh vực như phong cách sống, y tế, phúc lợi, giao thông, hậu cần, kinh tế, công nghiệp… Sau đó mới có thể thực hiện đánh giá xem, liệu sử dụng CNTT có ích thế nào trong việc giải quyết các vấn đề đó.

Ngài có khuyến nghị gì với Việt Nam đối với sự hợp tác trong lĩnh vực CNTT?

Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược. Để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình, một số nước chỉ tập trung bán sản phẩm của họ ở thị trường nước ngoài, nhưng là đối tác chiến lược, Nhật Bản cần tạo ra mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với Việt Nam. Tuyên bố chung Nhật - Việt hai năm trước kêu gọi hỗ trợ, phát triển nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, sao cho trong tương lai gần, người dân Việt Nam có thể hiện thực hóa, bằng chính sức mình, một xã hội phổ cập.

Tôi muốn khuyến nghị, Việt Nam xem xét hệ thống trường trung học nghề Nhật Bản. Tại Nhật Bản hiện có 57 trường trung học nghề do trung ương quản lý và khi tốt nghiệp, tỷ lệ học viên có việc làm là 100%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư