Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Hướng mới cho quy hoạch Bắc Vân Phong; bơm vốn cho cao tốc Bến Lức – Long Thành
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 18/07/2020 08:41
 
Xã hội hóa quy hoạch KKT Bắc Vân Phong, rót vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành, tìm giải pháp cho dự án BOT hầm Đèo Cả... là những tin tức đầu tư đáng chú ý tuần qua.

Dự án trọng điểm quốc gia cũng chậm được giải ngân

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong tình trạng giải ngân chậm.

Liên quan đến các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia mà Việt Nam đang thực hiện, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về cơ bản, tiến độ thực hiện một số dự án cơ bản ứng theo đúng kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, cũng có dự án tiến độ còn đang rất chậm, ảnh hưởng tới tình hình giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước.

Cụ thể, với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.

Trong đó, 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) đã giải ngân được 1.014 tỷ đồng/3.400 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 29,82%.

Trong khi đó, 5 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP (QL45 - Nghi Sơn,  Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã giải ngân được 1.338 tỷ đồng/3.016 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 44,36%.

Còn 3 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) hiện mới chỉ giải phóng mặt bằng, do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.

Tuy nhiên, giải ngân phần giải phóng mặt bằng cũng đã đạt 1.085 tỷ đồng/2.554 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 42,48%.

Thông tin cho biết, hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc chuyển hình thức đầu tư 3 dự án nói trên.

Ngoài dự án này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đang nỗ lực được triển khai. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm.

Dự án này được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng, lũy kế vốn bố trí từ kế hoạch năm 2018 đến năm 2020 là 18.195,035 tỷ đồng. 

Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án này phải được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 689,923 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 1.827,391 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch được giao.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất khu vực ưu tiên 1.810 ha trong năm 2020; tiếp tục kiểm đếm, lập phương án bối thường khu vực còn lại trong năm 2020, bàn giao mặt bằng trong quý II năm 2021.

“Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã giao của Dự án đạt mức rất thấp, khó có khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và giải ngân hết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao như đã như cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai và theo Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Trong khi đó, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được Bộ Giao thông - Vận tải giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 là 932 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến ngày 20/8/2020 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.

Đề xuất 2 giải pháp đảm bảo tính khả thi Dự án BOT hầm Đèo Cả

Nhà nước góp đủ 5.048 tỷ đồng và cho thu phí tuyến La Sơn – Túy Loan là những điều kiện để Dự án BOT hầm Đèo Cả trị giá 21.621 tỷ đồng không bị vỡ phương án tài chính.

So với các Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, phần hỗ trợ Nhà nước tại Dự án hầm đường bộ Đèo Cả là rất khiêm tốn, khiến nhà đầu tư chật vật trong việc hoàn vốn đầu tư công trình.
So với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, phần hỗ trợ Nhà nước tại Dự án hầm đường bộ Đèo Cả là rất khiêm tốn, khiến nhà đầu tư chật vật trong việc hoàn vốn đầu tư công trình.

Đây là 2 kiến nghị quan trọng liên quan đến Dự án BOT đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tại công văn số 6341/BGTVT – ĐTCT, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Dự án, trước mắt, bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung và nguồn dự phòng 10%. Phần vốn còn lại, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 – 2025.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, khoản tiền này không nằm ngoài phần vốn mà Nhà nước cam kết bố trí cho Dự án và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và ký hợp đồng với nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, theo hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân; có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng (tương đương 23,53%). Dự án được Thủ tướng cho phép sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, gồm An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn – Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân. Hiện nay, các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Riêng Dự án thành phần mở rộng hầm Hải Vân 2 đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành ngay trong quý IV/2020.

Đối với phần vốn Nhà nước, sau khi thanh toán chi phí GPMB, tái định cư và thanh toán kinh phí đầu tư hầm Cổ Mã và đường dẫn, còn lại 1.180 tỷ đồng. Vào tháng 1/2017, Thủ tướng đã đồng ý sử dụng phần kinh phí còn lại này để tiếp tục hỗ trợ cho Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, gồm hỗ trợ xây dựng hầm Đèo Cả 954 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí GPMB, tái định cư hạng mục hầm Cù Mông và Hải Vân khoảng 226 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 439/NQ – UBTVQH ngày 30/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng, khiến phần vốn Nhà nước tham gia chỉ còn 3.868 tỷ đồng, tương đương với khoảng 17,89% tổng mức đầu tư toàn Dự án. Đây là khoản tham gia hỗ trợ của Nhà nước rất thấp so với các dự án BOT có quy mô tương tự, được triển khai cùng thời điểm và chỉ bằng 1/3 cho với 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam đang triển khai.

Để đảm bảo tính khả thi của Dự án, Bộ GTVT đã liên tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục bố trí 1.180 tỷ đồng đã cam kết trong hợp đồng BOT. Vào tháng 1/2020, tại Thông báo số 02/TB – VPCP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát lại hợp đồng Dự án, Nghị quyết số 84/2019/QH14, trên cơ sở đó, chủ trì phối hợp với các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội để xuất phương án xử lý tổng thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và hài hòa lợi ích, trách nhiệm của Nhà nước và nhà đầu tư.

Sau khi rà soát, cập nhật tổng vốn đầu tư  theo giá trị quyết toán, giá trị kiểm toán; cập nhật doanh thu thu phí thực tế, Bộ GTVT đã xây dựng 2 kịch bản xử lý phần vốn góp của Nhà nước trị giá 1.180 tỷ đồng.

Theo đó, trường hợp bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước để bảo đảm mức tham gia của Nhà nước 5.068 tỷ đồng theo hợp đồng đã ký, thời gian hoàn vốn Dự án từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên 30 năm 3 tháng do doanh thu thu phí thực tế giảm và việc bổ sung phần vốn Nhà nước chậm so với dự kiến (trước đây tạm xác định là sẽ bổ sung trong năm 2019). Trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước, thời gian hoàn vốn Dự án sẽ tăng từ 27 năm 5 tháng lên 32 năm 2 tháng.

“Trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước, có thể ảnh hưởng đến phương án trả nợ theo quy định hợp đồng tín dụng đã ký, nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của Nhà nước cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút vốn đầu tư tư nhân”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Ngoài phần vốn góp của nhà nước bị thu hồi, theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả còn đang phải đối diện với một nút thắt lớn cũng liên quan bài toán tài chính Dự án khi đến thời điểm này trạm thu phí La Sơn - Túy Loan vẫn đang bị “treo” do vướng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Trong khi đó, tuyến La Sơn - Túy Loan đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả và đã được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Trên cơ sở pháp lý nói trên, nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng tín dụng với Vietinbank để giải ngân vốn đầu tư dự án.

Theo Bộ GTVT, trường hợp không thu phí trạm La Sơn - Túy Loan, lưu lượng trên QL1 sẽ phân lưu sang tuyến La Sơn - Túy Loan (theo tính toán sơ bộ của tư vấn sẽ phân lưu khoảng 51%), gây sụt giảm doanh thu tại trạm Bắc Hải Vân trên QL1. Nếu không bổ sung hỗ trợ nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước), thời gian hoàn vốn của dự án hầm Đèo Cả tăng đến khoảng 41 năm, phá vỡ phương án tài chính cũng như hợp đồng tín dụng đã ký kết,…

Liên quan đến phương án thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản 7087 ngày 9/8/2019 giao Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phương án phù hợp. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ: KH&ĐT, Bộ GTVT, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đã có Văn bản 14633 ngày 3/12/2019 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng phương án cân đối vốn góp của nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp trình cấp thẩm quyền xem xét phương án bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT (giai đoạn năm 2020 và 2020-2025) phù hợp với tiến độ của dự án và quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước,…

Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu bổ sung phương án tăng mức phí, kéo dài thời gian thu phí của dự án. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, các trạm Đèo Cả, Bắc Hải Vân, Cù Mông đặt trên đường dẫn vào hầm, các phương tiện có thể lựa chọn đi theo đường QL1(cũ) qua đèo để không mất phí. Do vậy, việc tăng mức thu phí tại các trạm này sẽ dẫn đến tỷ lệ phân lưu tăng lên, các phương tiện sẽ lựa chọn đi theo đường QL1 qua đèo để không mất phí, doanh thu thu phí để hoàn vốn cho dự án sẽ ngày càng giảm.

Theo Bộ GTVT, với thời gian hoàn vốn hiện nay đã gần 30 năm, Dự án gần như không còn đường lùi, nếu tiếp tục kéo dài sẽ phá vỡ phương án tài chính ngay cả khi đã được cấp đủ 5.048 tỷ đồng.

Với những lý do nói trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hai phương án. Với phương án thứ nhất, Bộ GTVT muốn Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng dự án đã ký kết.

Thứ hai, trường hợp cần thay đổi cơ chế thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét triển khai theo kiến nghị của Bộ Tài chính: Giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng phương án cân đối vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đồng thời, giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp trình cấp thẩm quyền xem xét phương án bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT (năm 2020 và giai đoạn 2021-2025) phù hợp với tiến độ của dự án và quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước. Đồng thời, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi vốn Nhà nước đối với tuyến La Sơn – Túy Loan, nhằm giảm ảnh hưởng đến việc phân chia lưu lượng giao thông với tuyến Quốc lộ 1.

“Mặc dù hợp đồng đã ký kết, hạng mục cuối cùng của dự án cũng sắp được hoàn thành, nhưng đến nay, Nhà nước vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng khi còn thiếu 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước chưa được giải ngân. Đặc biệt, dự án không thực hiện thu phí tại trạm Bắc Hải Vân, cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa được thống nhất và giá sử dụng dịch vụ không theo cam kết trong hợp đồng dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư khoảng 650 tỷ đồng”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư Dự án bức xúc.

Hải Dương: Thu hồi 4 dự án FDI, tổng vốn gần 40 triệu USD

Hải Dương chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy phép 4 dự án FDI với quy mô vốn 37,9 triệu USD. Tuy vậy, vốn tăng thêm tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh thu hút 234,6 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 55,6% so với cùng kỳ năm trước. Cấp mới 16 dự án với tổng vốn đăng ký 58,9 triệu USD (11 dự án ngoài KCN, với số vốn 21,9 triệu USD, 05 dự án trong KCN với số vốn 37 triệu USD). Điều chỉnh tăng vốn 175,7 triệu USD cho 13 dự án (09 dự án ngoài KCN 32,3 triệu USD; 19 dự án trong KCN với vốn tăng thêm 143,4 triệu USD). Các dự án phần lớn có nguồn vốn từ Hàn Quốc và Trung Quốc, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, gia công tấm module pin năng lượng mặt trời, bảng mạch điện tử...

KCN Đại An thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư và tăng vốn mở rộng sản xuất
KCN Đại An thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư và tăng vốn mở rộng sản xuất

Măc dù vậy, tỉnh Hải Dương cũng vẫn quyết định chấm dứt 04 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 37,9 triệu USD do các nhà đầu tư đã không tiếp tục triển khai và tự đề xuất chấm dứt dự án với tỉnh. Đó là dự án Kho lưu trữ, kiểm tra lắp ráp các loại linh kiện điện thoại di động bằng cao su, silicone của Công ty TNHH KTC Electronics Việt Nam (195.000 USD) được cấp phép đầu tư từ tháng 3/2017; Dự án Kho lưu trữ, kiểm tra sản phẩm linh kiện điện tử (Bàn phím cho điện thoại di động) của Công ty TNHH Daeil Tech Việt Nam đầu tư 300.000 USD từ tháng 3/2017; Nhà máy sản xuất linh kiện và phụ kiện điện thoại của Công ty TNHH Ilshin Vina đầu tư 36,15 triệu USD từ tháng 11/2016 và Dự án sản xuất nguyên liệu nhựa và các sản phẩm từ nhựa của Công ty TNHH Ripe Lawn Việt Nam đầu tư 1,265 triệu USD từ tháng 1/2013.

Nếu trước kia, khi nhà đầu tư đã vào, nếu chậm, hay có vấn đề gì thì vẫn được nhân nhượng, châm trước. “Nhưng có thể thấy, hiện tại, Hải Dương đã nhìn nhận khác trước: không thu hút FDI bằng mọi giá. Với các dự án được cấp phép mà không chịu triển khai, động thái của tỉnh Hải Dương thời gian gần đây đã cho thấy thái độ ứng xử mới, kiên quyết hơn với các nhà đầu tư FDI”, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc sở Kế hoạch đầu tư Hải Dương khẳng định.

Theo đánh giá của sở Kế hoạch đầu tư tỉnh, thì trong quý II/2020 tình hình thu hút đầu tư giảm rõ rệt cả về số lượng cũng như vốn đầu tư, chỉ bằng 55,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các dự án đầu tư mở rộng tại tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng. Phần vốn tăng thêm tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Một số dự án tăng vốn khá như: Dự án may Tinh Lợi 2, vốn tăng thêm 16,5 triệu USD, Công ty sản phẩm giấy Leo, tăng thêm 20 triệu USD; Công ty TNHH kỹ thuật Changhong, tăng thêm 19,5 triệu USD; Dự án sản xuất nhôm định hình của LMS, tăng thêm 20 triệu USD.

“Những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, để chiếm lợi thế đón dòng vốn FDI mới, sự chủ động và sẵn sàng về hạ tầng công nghiệp là những yếu tố để các nhà đầu tư đã có dự án ở Hải Dương yên tâm hoạt động. Và bên cạnh đó, chính là sự tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều nhà đầu tư tại địa phương”, ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương chia sẻ.

Tuy vậy, nhìn chung, tỉnh hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Các doanh nghiệp vẫn phải giảm công suất, cắt giảm công nhân, giãn giờ, giãn ca hoặc giảm số ngày làm trong tuần để kéo dài thời gian duy trì hoạt động sản xuất nhất có thể, ổn định tâm lý cho công nhân, người lao động do đơn hàng giảm và không có đơn hàng mới.

Để chuẩn bị cho việc tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong 2 quý còn lại năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược. Trong đó, chú trọng đến các ngành, dự án có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và có tính lan tỏa cao để tạo sức hút cho các nhà đầu tư, đối tác liên quan khác.

Để phù hợp với tình hình hậu dịch bệnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, lấy đây làm hạt nhân; hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc những nhà đầu tư đã được giao hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Nghiên cứu quy hoạch thêm một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới tại những vị trí thuận lợi mới về giao thông. Tìm kiếm nhà đầu tư cơ sở hạ tầng có năng lực để triển khai đồng bộ quy hoạch hạ tầng công nghiệp.

Phú Yên: Xin ý kiến Thủ tướng xây dựng hồ chứa nước Mỹ Lâm rộng 179 ha

Đây là số diện tích thuộc đất rừng dự án mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xin ý kiến Thủ tướng cho chuyển đổi để triển khai dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Yên về kết quả thực hiện hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm, huyện Tây Hòa.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tây Hòa, địa phương được giao hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng của dự án, đến ngày 10/7/2020, đã thu hồi bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đạt gần 343 ha, đạt tỷ lệ 71,8%; giải ngân được 40% vốn dành cho hạng mục bồi thường tái định cư.

Nguyên nhân của việc giải ngân nguồn vốn chậm là do trong quá trình thực hiện dự án đã phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, hiện có 176,19 ha đất rừng thuộc dự án đang chờ Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho chuyển mục đích sử dụng. Một số diện tích đất còn có sự chồng lấn trong quản lý giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa với Ủy ban nhân dân xã Hòa Thịnh.

Ngoài ra, do huyện chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi thu hồi đất có 41 hộ dân đã ngăn cản không cho đơn vị thi công công trình đập đất chặn dòng, khiến công trình phải tạm dừng thi công từ ngày 15/6 đến nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm đã triển khai được một thời gian dài, người dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công công trình tuy nhiên đến nay các hộ dân vẫn chưa nhận được đền bù đây là lỗi của các cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đối với 176,19 ha đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Với những vướng mắc liên quan đến dự án này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp giao Ban Quản lý dự án thủy lợi 5 và các nhà thầu tạm ứng 3 tỷ đồng tạm ứng chi trả tiền đền bù cho 41 hộ đã bàn giao đất cho dự án. Đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên lựa chọn phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng có lợi nhất cho dân trên cơ sở hiện trạng đất đai và lịch sử sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy lợi 5 phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến dự án, chậm nhất đến ngày 18/7 tới đơn vị thi công được công trình đập đất chặn dòng, để hoàn thành đúng tiến độ dự án đề ra.

Dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm có dung tích 34,8 triệu m3, được xây dựng trên diện tích trên 477 ha tại hai xã Hòa Thịnh và Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Thủy lợi 5. Dự án được thi công từ tháng 1/2019, dự kiến hoàn thành tháng 6/2021. Công trình hoàn thành sẽ đảm bảo tưới nước cho 2.500 ha đất canh tác; đồng thời, giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho 38.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài

Báo cáo của Oxford Economics kỳ vọng kinh tế của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ có sự phục hồi, do đó tăng trưởng cả năm có thể đạt 2,3%, thấp hơn so với mức 7,02% của năm 2019.

Trong báo cáo công bố hôm qua (14/7), bà Sian Fenner, chuyên gia của Oxford Economics nhận định việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 sẽ giúp Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn phần lớn các nền kinh tế trong khu vực và có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020.

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng
Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng

Báo cáo của Oxford Economics kỳ vọng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ có sự phục hồi, do đó tăng trưởng cả năm có thể đạt 2,3%, thấp hơn so với mức 7,02% của năm 2019. Bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%.

Tuy nhiên, sự phục hồi cũng sẽ dễ bị tác động bởi các diễn tiến của tình hình bên ngoài, đặc biệt là những yếu tố tác động tới thương mại, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Dù khá triển vọng, nhưng chúng tôi vẫn cẩn trọng về triển vọng của các động lực tăng trưởng. Thực tế, một phần của sự hồi phục trong lĩnh vực bán lẻ gần đây phản ánh sự nới lỏng của nhu cầu bị dồn nén”, bà Sian Fenner nhận định.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến sẽ tăng trở lại nhờ tiềm năng về nguồn lao động và gần gũi về địa lý với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất.

Tuy nhiên, những hạn chế về đi lại quốc tế hiện nay sẽ tiếp tục kiềm chế ngành du lịch tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa, nhưng cũng khó có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm từ du lịch quốc tế, Oxford Economics đánh giá trong báo cáo.

Ngoài ra, do xuất khẩu đóng góp tới 80% GDP của Việt Nam nên tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng còn phụ thuộc vào sự phục hồi của thương mại toàn cầu.

Theo báo cáo của Oxford Economics, một rủi ro lớn đối với Việt Nam là làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và nguy cơ toàn cầu lại một lần nữa phong toả. Trong kịch bản này, tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 có thể chỉ đạt 1,5% và năm 2021 sẽ ở mức 7,8%.

Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 1.200 MW chuẩn bị chạy thử

Việc đóng điện thành công đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa giai đoạn 1, sân phân phối 500 kV và máy biến áp chính đóng vai trò quan trọng trong chạy thử Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Công nhân lắp đặt tổ máy trong Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu
Công nhân lắp đặt tổ máy trong Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu

Ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng Ban Ban Quản lý dự án Sông Hậu 1 cho biết, việc đóng điện thành công dự án Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa giai đoạn 1, Sân phân phối 500kV và máy biến áp chính của Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch thử nghiệm, chạy thử Nhà máy, kịp thời thay thế cho nguồn điện 22 kV của lưới điện địa phương vốn đang bị quá tải và giới hạn về công suất đã làm gián đoạn công tác chạy thử trong thời gian qua.

Một khi nguồn điện 500 kV được cung cấp sẽ đáp ứng nhu cầu thử nghiệm, chạy thử cho các phụ tải công suất lớn của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đang trong giai đoạn nước rút.

Hoàn thành mốc nhận điện ngược với việc đóng điện thành công sân phân phối và các máy biến áp chính, máy biến áp tự dùng của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ là điều kiện tiên quyết để triển khai công tác chạy thử các hạng mục và thiết bị quan trọng (quạt gió lò, hê thống bơm nước làm mát…) ; đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để hướng đến hoàn thành mốc đốt lửa tổ máy 1 vào cuối tháng 7/2020 và đưa các tổ máy đi vào vận hành trong năm 2021 theo đúng tiến độ của Thủ tướng Chính phủ giao.

Với công suất 1.200 MW khi đi vào vận hành, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ cung cấp lượng công suất đáng kể cho hệ thống điện, góp phần giải quyết vần đề ổn định hệ thống và an ninh năng lượng quốc gia trong những năm tới.

Về tiến độ tổng thể của Dự án, ông Hồ Xuân Hiền cho biết, Dự án đang được Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án phối hợp với tổng thầu LILAMA quyết liệt triển khai, tập trung các nguồn lực để thực hiện, phấn đấu đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 vào quý II/2021 và tổ máy số 2 vào quý III/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/09/2019. Đến nay, tổng khối lượng công việc và tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 84,52%. Trong đó, công tác thiết kế đạt 99,75%; lựa chọn thầu phụ, mua sắm, chế tạo thiết bị đạt 99,78%; thi công xây dựng đạt khoảng 88,94%; chạy thử 17,9%.

Nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm 2020 tại dự án này là đốt lửa lần đầu bằng dầu DO tổ máy 1 vào tháng 7/2020; đốt lửa lần đầu bằng than vào tháng 10/2020.

Thế kẹt của Dự án Cảng hàng không Điện Biên

Việc nâng cấp sân bay Điện Biên lên quy mô 2 triệu lượt hành khách/năm, đón được tàu bay A320/321 có nguy cơ rơi vào thế bế tắc. Lý do là đơn vị được lựa chọn đầu tư không nhận được sự đồng thuận của cổ đông chi phối.

Sân bay Điện Biên hiện chỉ khai thác được các máy bay cỡ nhỏ với chặng bay ngắn. Ảnh: A.M
Sân bay Điện Biên hiện chỉ khai thác được các máy bay cỡ nhỏ với chặng bay ngắn. Ảnh: A.M

Quan điểm khá cứng rắn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) liên quan đến tính khả thi của Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (Dự án) thực sự là một “gáo nước lạnh” dội vào hy vọng khởi công công trình ngay trong năm nay của cả Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (ACV), UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Giao thông - Vận tải.

Trong Công văn số 1121/UBQLV-CNHT gửi người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV - đơn vị được chọn là nhà đầu tư Dự án, CMSC đề nghị ACV tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải quan điểm của Ủy ban đối với Dự án. Cụ thể, ACV phải đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải làm rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay của Cảng hàng không Điện Biên; đối với phần đầu tư nhà ga theo quy mô mới phải nêu rõ theo tính toán hiện nay sẽ không sử dụng hết công suất; đặc biệt, việc đầu tư Dự án không hiệu quả về tài chính.

“Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giao ACV đầu tư Cảng hàng không Điện Biên, Bộ Giao thông - Vận tải cần làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý đối với việc giao ACV thực hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ đầu tư khu bay, trong đó nêu rõ việc đầu tư Dự án không hiệu quả về tài chính của doanh nghiệp; không phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về việc đầu tư bảo toàn vốn và phát triển nguồn vốn”, công văn do bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch CMSC ký nêu rõ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo CMSC đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, xem xét phương án báo cáo cấp có thẩm quyền sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư khu bay trước. Sau đó, trên cơ sở thực tế khai thác mới xem xét, đánh giá và đề xuất thời điểm phù hợp để cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhà ga theo quy hoạch như đã áp dụng mô hình tại Cảng hàng không Cát Bi, Cảng hàng không Cam Ranh.

Theo quan điểm của CMSC, đến thời điểm hiện tại, các khu bay của 21 cảng hàng không đang giao ACV quản lý (trong đó có Cảng hàng không Điện Biên) chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển thành tài sản của ACV. Việc đầu tư các hạng mục khu bay thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải. Vì vậy, CMSC cho rằng, việc ACV đề nghị sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp để đầu tư khu bay tại Cảng hàng không Điện Biên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan quy mô đầu tư Nhà ga Cảng hàng không Điện Biên, CMSC cho biết, công suất nhà ga hiện hữu là 300.000 lượt khách/năm, trong khi số lượng khách hàng năm cao nhất là 81.804 lượt vào năm 2014 và đang có xu hướng giảm dần, trong đó, năm 2019 chỉ còn 57.339 lượt hành khách (tương đương 20% công suất).

Vì vậy, CMSC đánh giá, việc ACV đề xuất công suất nhà ga 2 triệu lượt hành khách/năm, gấp 7 lần công suất hiện tại và gấp 35 lần sản lượng khai thác thực tế của năm 2019 là chưa thực sự phù hợp, đặc biệt chưa rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay thuộc tài sản công do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý, chưa đảm bảo việc đầu tư đồng bộ.

Điều đáng quan ngại nhất, theo CMSC, là công trình không hiệu quả về tài chính. Cụ thể, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đối với các hạng mục do ACV đầu tư chỉ đạt đạt 6%; giá trị hiện tại ròng (NPV) chỉ đạt 321 triệu đồng cho dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn hơn 50 năm.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, CMSC đưa ra những nhận xét rất trực diện liên quan đến tính khả thi của Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, đặc biệt là quy mô đầu tư công trình.

Cần phải nói thêm, với việc đang nắm 94,5% vốn điều lệ, CMSC có tiếng nói quyết định đến các dự án đầu tư lớn của ACV, trong đó có Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Trước đó, trong Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc triển khai một số dự án quan trọng, cấp bách ngành giao thông - vận tải, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, đối với Dự án sân bay Điện Biên, Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, CMSC có văn bản trình Thủ tướng xem xét, quyết định giao ACV triển khai đầu tư, trong đó làm rõ thuận lợi, khó khăn và phương án triển khai thực hiện.

Trong văn bản giải trình CMSC vào cuối tháng 4/2020, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV cho biết, việc Cảng hàng không Điện Biên chỉ khai thác được các tàu bay nhỏ như ATR72 với các chặng bay ngắn, không mở được các đường bay thẳng trực tiếp đến các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, kết nối quốc tế là nguyên nhân dẫn đến lưu lượng hành khách qua cảng hàng không này liên tục sụt giảm.

“Nếu mở rộng khu bay đón được tàu bay A320/A321, thì lượng hành khách qua sân bay Điện Biên có thể đạt 650.000 lượt khách/năm ngay trong năm 2025, nên việc đầu tư nâng công suất nhà ga lên 2 triệu lượt hành khách/năm là cần thiết”, ông Thanh cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV khẳng định, mặc dù Dự án không hiệu quả tài chính, nhưng với tư cách là đơn vị đang khai thác 22 sân bay trên khắp cả nước, trong trường hợp thực hiện đầu tư sân bay Điện Biên, ACV vẫn có thể cân đối trên toàn mạng lưới cảng hàng không, đảm bảo hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Theo đề xuất sơ bộ của ACV gửi tới các cơ quan chức năng vào cuối năm 2019, sân bay Điện Biên sẽ được xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400 mm x 45 m, 2 đường lăn kết nối, có khả năng đón được máy bay A320/A321 hoặc tương đương; một nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng 2 triệu lượt hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ với 6 vị trí đỗ tàu bay A320/A321 hoặc tương đương; đài kiểm soát không lưu kết hợp với trung tâm điều hành chỉ huy bay; đài dẫn đường VOR/DME.

Khái toán tổng mức đầu tư Dự án sân bay Điện Biên là 4.787 tỷ đồng, trong đó, các hạng mục khu bay là 1.400 tỷ đồng; các hạng mục hàng không dân dụng 1.700 tỷ đồng; các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến là 155 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 1.532 tỷ đồng do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện.

ACV đề xuất sẽ dùng vốn doanh nghiệp để đầu tư các công trình khu hàng không dân dụng và công trình khu bay; các công trình đảm bảo điều hành bay sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư bằng vốn doanh nghiệp nhà nước; kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ do UBND tỉnh Điện Biên đảm nhận bằng vốn ngân sách địa phương. Tính tổng cộng phần vốn mà ACV tham gia trực tiếp vào Dự án này khoảng 3.091 tỷ đồng.

Được biết, ACV chính là hy vọng lớn nhất của cả UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Giao thông - Vận tải tại dự án này. Trước đó, Vietjet cũng từng đề xuất tham gia Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Tuy nhiên, theo xác nhận của một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, ngoài một bản đề xuất tóm tắt, Vietjet không tiến thêm một bước nào để cụ thể hóa đề xuất triển khai dự án khó khăn này.

Theo ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai Dự án, địa phương này sẽ huy động đủ hơn 1.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, chậm nhất là đầu năm 2021.

“Đây là khoản đầu tư rất lớn đối với tỉnh nghèo, có nguồn thu thấp như Điện Biên. Song với mong muốn đầu tư giao thông trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa - xã hội, thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến Điện Biên, phục vụ du khách quốc tế, nhân dân cả nước tới thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ…, cấp ủy, chính quyền, nhân dân Điện Biên đã đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, dành ưu tiên cao nhất để thực hiện Dự án”, ông Sơn khẳng định.

Khánh Hòa: Đồng ý xã hội hóa lập quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý đề án kêu gọi xã hội hóa để lập quy hoạch KKT Vân Phong.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo số 319, đồng ý để các nhà đầu tư tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500) thuộc KKT Vân Phong.

Ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn đề xuất bỏ kinh phí ra thuê Tập đoàn KPMG Hàn Quốc quy hoạch Khu kinh tế Bắc Vân Phong với những Dự án phức hợp: casino, sân gold, khu phi thuế quan, logistic, quần thể du lịch, trong đó có cảng du lịch để các tàu lớn nhất trên thế giới có thể ghé thăm
Ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn đề xuất bỏ kinh phí ra thuê Tập đoàn KPMG Hàn Quốc quy hoạch Khu Kinh tế Bắc Vân Phong với những dự án phức hợp: Casino, sân gold, khu phi thuế quan, logistic, quần thể du lịch, trong đó có cảng du lịch để các tàu lớn nhất trên thế giới có thể ghé thăm

UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban QL KKT Vân Phong khẩn trương thực hiện trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt “Đồ án” điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Theo chia sẻ của ông Phi, tỉnh Khánh Hòa thống nhất việc xã hội hóa công tác lập quy hoạch xây dựng thuộc KKT Vân Phong trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp.

Ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn đề xuất bỏ kinh phí ra thuê Tập đoàn KPMG Hàn Quốc quy hoạch Khu Kinh tế Bắc Vân Phong với những dự án phức hợp: Casino, sân gold, khu phi thuế quan, logistic, quần thể du lịch, trong đó có cảng du lịch để các tàu lớn nhất trên thế giới có thể ghé thăm

Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể của pháp luật về việc tiếp nhận kinh phí tài trợ của các nhà đầu tư cho công tác lập quy hoạch nên UBND tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu nội dung này.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao Ban QL KKT Vân Phong tổng hợp nội dung theo đề xuất của nhà đầu tư, phối hợp và thống nhất với Sở Xây dựng để cùng tham mưu hình thức tài trợ kinh phí lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong báo cáo tham mưu UBND tỉnh.

Trước đó, đầu tháng 6/2020 tại cuộc làm việc giữa tỉnh Khánh Hòa với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) về vấn đề đầu tư vào khu vực Vân Phong.

Cuộc “gặp gỡ” này, Tập đoàn IPP kiến nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho phép được tự bỏ khoảng 68 tỷ đồng để thuê Tập đoàn KPMG (Hàn Quốc) thiết kế quy hoạch cho bắc Vân Phong.

“Bước vào tuổi xế chiều, tôi mong muốn được đóng góp cái gì đó cho quê hương. Chúng tôi chỉ xin tỉnh ký biên bản ghi nhớ để tập đoàn được nghiên cứu, lập quy hoạch, còn sau này đơn vị nào thực hiện thì đề nghị tỉnh cho đấu thầu rộng rãi. Nếu IPP đủ điều kiện thì thực hiện, còn không thì vui vẻ để lại cho đơn vị khác. Sau khi lập xong quy hoạch, Tập đoàn sẽ tặng quy hoạch lại cho tỉnh”, Chủ tịch IPP chia sẻ.

Theo đó,  Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn IPP, IPP mong muốn đầu tư xây dựng khu vực bắc Vân Phong thành một khu kinh tế hiện đại, khác biệt. “Bằng tiềm năng liên danh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, IPP cam kết sẽ thu hút 40 tỷ USD đầu tư vào bắc Vân Phong. Bằng việc sẽ kêu gọi các tỷ phú thế giới cùng đầu tư vào theo từng thế mạnh của họ”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Khẩn trương bơm vốn cho cao tốc Bến Lức – Long Thành

Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến vốn đầu tư cho Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Việc thi công các gói thầu xây lắp thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã ngưng trệ do thiếu vốn từ 2 năm nay.
Việc thi công các gói thầu xây lắp thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã ngưng trệ do thiếu vốn từ 2 năm nay.

Việc thi công các gói thầu xây lắp thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã ngưng trệ do thiếu vốn từ 2 năm nay.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 234/TB – VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC làm chủ đầu tư được tổ chức hôm 8/7.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính ký thư gửi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước ngày 10/7/2020 đề nghị ADB gia hạn Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Trong đó, thể hiện mong muốn của Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng khoản vay ADB để hoàn thành Dự án.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC và các cơ quan liên quan sớm báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho Dự án theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, đề xuất ngay nguồn vốn phù hợp để chi trả khoản tiền chậm thanh toán cho nhà thầu đang thi công (khoảng 15 triệu USD), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15/7/2020.

Vào ngày 5/6, Bộ GTVT đã công văn số 5455/BGTVT – KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với 3 nội dung quan trọng.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 31/12/2023 và cho phép gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE, Hiệp định khung MFF đến ngày 31/12/2023. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng xin Thủ tướng được sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn hiệp định, với giá trị dự kiến khoảng 1.584,42 tỷ đồng (tương đương 67,4 triệu USD). Đồng thời điều chỉnh, phân bổ lại cơ cấu giá trị của Hiệp định vay 3391-VIE cho phù hợp với nhu cầu thực tế để tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án.

Để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đề xuất người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý trong nước để hoàn tất các thủ tục gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE, Hiệp định khung MFF chính thức gửi ADB đề xuất gia hạn trước ngày 10/7/2020 như Bộ GTVT đã báo cáo tại văn bản số 5128/BGTVT-KHĐT ngày 28/5/2020.

Cách đây đúng 1 năm, cũng với lý do do không kịp điều chỉnh Dự án, VEC đã đánh mất quyền giải ngân phần còn lại Hiệp định vay vốn lần thứ nhất của ADB trị giá 350 triệu USD. Nếu mất cả 2 hiệp định vay vốn nói trên, tổn thất với Dự án là rất lớn do các gói thầu xây lắp sử dụng vốn vay ADB  mới chỉ giải ngân chưa đầy 60% khối lượng và chủ đầu tư hiện chưa tìm ra bất cứ nguồn nào để bù đắp. Không có vốn bổ sung đồng nghĩa với việc hơn 15.000 tỷ đồng đã được đưa vào Dự án kể từ năm 2014 đến nay sẽ mãi là những khối lượng dở dang, không có công năng sử dụng mà lẽ ra trong khi lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm nay như mục tiêu được đề ra ban đầu.

Bên cạnh đó, Dự án có thể tiếp tục triển khai ngay, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về vốn đối ứng, vốn nước ngoài và làm các thủ tục giao vốn cho Dự án để thực hiện ngay.

Được biết, cùng với việc sớm hoàn thành các thủ tục gia hạn hiệp định vay ADB; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Dự án, việc khơi thông nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để có thể hoàn thành dứt điểm Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Từ tháng 1/2019 đến nay, các dự án của VEC chưa được giao vốn đầu tư công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai đầu tư. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc và kiến nghị biện pháp xử lý về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, việc giao vốn đầu tư công (vốn nước ngoài, vốn đối ứng) cho các dự án của VEC vẫn chưa được khơi thông.

Với nút thắt này, năm 2019 và 2020, Dự án Bến Lức – Long Thành không được bố trí vốn đối ứng (tổng cộng 191 tỷ đồng) và vốn nước ngoài (khoảng 1.600 tỷ đồng). Trên thực tế, cùng với các gói thầu xây lắp thuộc phân đoạn ADB, tại đoạn vay vốn JICA dài 10,71 km gồm 3 gói thầu J1 (cầu dây văng Bình Khánh), J3 (cầu dây văng Phước Khánh) và J2 (đoạn nối 2 cầu dây văng) hiện tượng “giáp hạt” vốn đã kéo dài 2,5 năm nay. Hiện hai gói thầu quan trọng nhất tại phân đoạn này là J1 (hoàn thành vào tháng 3/2020), J3 (hoàn thành vào tháng 7/2019) đã dừng thi công và cũng chỉ mới đạt lần lượt 76% và 80% giá trị hợp đồng.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 9/2019, Bộ GTVT cho biết việc thiếu vốn giải ngân đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án, các nhà thầu đều yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thanh toán khối lượng đã thực hiện và làm rõ kế hoạch nguồn vốn để xây dựng kế hoạch tiếp theo.

“Nếu không quyết liệt giải quyết nhanh các tồn tại để thúc đẩy tiến độ dự án thì nguy cơ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế/tài chính do bồi thường dừng thi công, chậm hoàn thành đưa công trình vào khai thác hoàn vốn, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ các khoản vay và gây dư luận xã hội không tốt đối với dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất 10.990 tỷ đồng và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành 1,5 tỷ USD
Gấp rút điều chỉnh Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành trị giá 1,5 tỷ USD; Sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng FDI...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư