Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hút khách theo cách Techcombank
Hải Đăng - 01/10/2017 14:25
 
Ba năm gần đây, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) có sự dịch chuyển rõ nét: tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các hoạt động của Ngân hàng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ xoay quanh trọng tâm này.

“Tăng cường đầu tư, tạo ra nhiều lợi ích hơn nữa trước hết không phải nhằm giải quyết lợi ích, nhu cầu cho Ngân hàng, mà để đáp ứng nhu cầu và lợi ích của khách hàng”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank nói về quan điểm xuyên suốt chiến lược phát triển 5 năm 2016 - 2020.

Sẵn sàng đầu tư “khủng” cho công nghệ

Từ 16 năm trước, Techcombank đã từng tạo hiện tượng lớn trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Năm 2001, lần đầu tiên một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân “dám” chi một khoản tương đương 20% vốn điều lệ đầu tư cho nền tảng công nghệ.

.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank

Đó là hệ thống ngân hàng lõi Core Banking của Temenos (Thụy Sĩ), mà đến cả chục năm sau nhiều thành viên khác mới áp dụng được. Với tầm nhìn và đi trước, Techcombank sớm tạo lợi thế nền tảng công nghệ để nhanh chóng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích và hiện đại, từ khách hàng doanh nghiệp lớn, đa quốc gia đến khách hàng cá nhân.

Chiến lược đi trước đón đầu, tạo lợi thế đó của Techcombank từng được một lãnh đạo ngân hàng khác thừa nhận: “Khi nhiều ngân hàng khác bắt đầu trồng cây thì Techcombank đã hái quả”.

Tầm nhìn xa trông rộng đó một lần nữa được Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của Ngân hàng. Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, giai đoạn phát triển này của Techcombank đề cao chiến lược “lấy khách hàng làm trọng tâm”. Theo đó, ngân hàng đã và đang triển khai những chuyển đổi toàn diện về tư duy phục vụ khách hàng, phát triển dịch vụ, sản phẩm, cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng…

Từ vài năm trở lại đây, Techcombank là một trong số ít ngân hàng Việt Nam bỏ ra khoản đầu tư lớn để thu hút những chuyên gia hàng đầu, những cán bộ có kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế, triển khai những chương trình đào tạo mới nhất, phát triển đội ngũ nhân sự tài năng. Quy trình quản trị của Ngân hàng thay đổi toàn diện theo hướng quốc tế hóa. 

.
.

Về công nghệ, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết,  Ngân hàng đã trù tính dành tới trên 200 triệu USD đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, quy mô lớn hơn gấp đôi lợi nhuận trước thuế của Techcombank nhiều năm trước đó.

“Techcombank sẵn sàng đầu tư nguyên một năm lợi nhuận vào xây dựng nền tảng hệ thống cho 5 năm tới, để đảm bảo trong 10 năm sau đó mình không bị lỗi thời. HĐQT và Ban điều hành tập trung đầu tư vào công nghệ, trước tiên là để giải quyết vận hành - vận hành tốt hơn nhằm mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Và phần nữa là phải đảm bảo hệ thống của mình vững chắc, an toàn”, ông Quốc Anh nói.

Cũng theo Tổng giám đốc Techcombank, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính của khách hàng ngày càng ca và mở rộng. Bản thân các ngân hàng thương mại đang và sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với nhiều đầu mối cung cấp dịch vụ bên ngoài hệ thống. Theo đó, một yêu cầu đặt ra đối với Ngân hàng là làm sao để tất cả các nhu cầu tài chính của khách hàng đều được đáp ứng và giải quyết tốt.

Suốt thời gian 1 năm vừa qua, Techcombank sẵn sàng “hy sinh” lợi nhuận với chương trình “Zero Fee”, miễn phí toàn bộ giao dịch ngân hàng điện tử cho khách hàng, ngay cả những giao dịch ngoại mạng. Bên cạnh nguồn phí trực tiếp, ông Nguyễn Lê Quốc Anh giải thích rằng, chính sách miễn phí đó sẽ thúc đẩy khách hàng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng điện tử, thay vì mất nhiều thời gian và công sức hơn ở kênh giao dịch truyền thống tại quầy - thời gian và công sức đó cũng là một dạng chi phí và lợi ích.

Bệ phóng vững chắc 

Trong giai đoạn sau năm 2011, tình hình hoạt động của toàn hệ thống các ngân hàng Việt Nam bộc lộ nhiều khó khăn. Chiến lược nhìn xa trông rộng đã giúp Techcombank tạo được nền tảng vững chắc để vượt khó, rồi nhanh chóng bứt phá.

Techcombank sẵn sàng đầu tư nguyên một năm lợi nhuận vào xây dựng nền tảng hệ thống cho 5 năm tới, để đảm bảo trong 10 năm sau đó mình không bị lỗi thời.

Khối lượng khách hàng đã gia tăng nhanh chóng. Đến cuối năm 2016, Techcombank đã có khoảng 1,4 triệu khách hàng cá nhân có giao dịch tại ngân hàng so với con số 1 triệu cuối năm 2013. Tương tự, lượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gia tăng mạnh, từ hơn 12.000 lên hơn 36.000 khách hàng có giao dịch.

Hướng gia tăng trên phản ánh chiến lược dịch chuyển của Techcombank những năm gần đây: tập trung cho phân khúc khách hàng cá nhân và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng đồng thời cũng đạt được hiệu quả kinh doanh rất ấn tượng.

Như ở tín dụng, tăng trưởng số dư cho vay khách hàng cá nhân giai đoạn 2013-2016 đã tăng trưởng bình quân tới 39,21%, vượt trội so với mặt bằng chung; cho vay bán lẻ trở thành trọng tâm khi tỷ trọng chiếm tới 43% tổng dư nợ. Sự dịch chuyển này góp phần quan trọng trong chuyển biến lợi nhuận của Techcombank.

Ở chiều huy động, năng lực thu hút khách hàng của Techcombank thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng tiền gửi ở mức cao so với mặt bằng chung toàn ngành, như mức 21,94% trong năm 2016. Đáng chú ý là, lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng tới 34,29%, chiếm tỷ trọng hơn 23% tổng tiền gửi cuối năm 2016.

Lượng tiền gửi không kỳ hạn gia tăng là kết tụ của chính sách thu hút khách hàng, có giá trị lớn trong cân đối chi phí huy động, cũng như góp phần trở lại tạo điều kiện để Techcombank chia sẻ và cạnh tranh ở lãi suất cho vay ưu đãi hơn so với nhiều ngân hàng thương mại khác…

Trong 2 năm trở lại đây, ở Techcombank bắt đầu thể hiện sự bứt phá về kết quả kinh doanh.

Năm 2016, với tốc độ tăng trưởng tới hơn 90%, Techcombank đã trở lại quy mô 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, cùng tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở nhóm thấp nhất trong hệ thống. Năm 2017, ngân hàng này tiếp tục tạo dấu ấn khi mua lại toàn bộ nợ xấu từng bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cùng sự kiện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor’s (S&P) quyết định nâng hạng triển vọng tín nhiệm.

Với đà bứt phá đó, cùng với chiến lược chuyển đổi đang tập trung thúc đẩy, giai đoạn 2016-2020 đang chứng kiến sự khẳng định của Techcombank ở vị thế dẫn đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.

Techcombank giới thiệu giải pháp tài chính cho các nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh
Với chiến lược “Lấy khách hàng làm trọng tâm”, ngày 18/08, tại Hội thảo “Giới thiệu giải pháp tài chính đặc biệt dành cho nhà phân phối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư