Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Huyện Ba Vì, Hà Nội nỗ lực “chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP
Hạnh Phúc - 15/08/2023 11:27
 
Dựa trên những tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Ba Vì đã và đang nỗ lực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ để “chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP.
Huyện Ba Vì đã phát triển được 138 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. (Ảnh: Dũng Minh)

Huyện Ba Vì đã phát triển được 138 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, song Ba Vì lại được thiên nhiên ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, với điều kiện khí hậu và nguồn nước trong lành, không bị ô nhiễm bởi công nghiệp. Đây là những điều kiện quan trọng để phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, hệ sinh thái thực vật ở vùng đất này được đánh giá là phong phú, đa dạng với hàng trăm loài cây dược liệu quý thuận lợi để phát triển nghề làm thuốc nam, trồng chè và cây rong riềng….

Từ những lợi thế trên, những năm qua, huyện Ba Vì đã không ngừng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt đã xây dựng được thương hiệu OCOP địa phương, tạo niềm tin đối với khách hàng Thủ đô và cả nước. Đồng thời, huyện cũng tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn theo hướng khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển thành sản phẩm hàng hóa, gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.

Sản xuất các sản phẩm từ sữa, tại Công ty cổ phần Sữa Ba Vì.

Huyện Ba Vì hiện có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, 108 Hợp tác xã tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. 

Đến nay, huyện Ba Vì đã phát triển được 138 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP nổi bật là sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, rau, khoai lang, miến dong, thịt giò đà điểu… với 38 chủ thể; trong đó có 18 chủ thể là hợp tác xã, 12 chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 8 chủ thể là hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. 

Ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì cho biết, Công ty đang sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm khác nhau, thuộc 8 dòng sản phẩm chính bao gồm: Sữa tươi Bò - Dê Ba Vì thanh trùng; Sữa tươi Ba Vì tiệt trùng; Sữa chua ăn dạng vỉ nhiều hương vị; Sữa chua ăn bò - dê dạng cốc; Sữa chua nếp cẩm dạng cốc; Sữa chua uống đóng chai nhiều hương vị; Caramen và Bánh sữa các loại. Các sản phẩm của Công ty được sản xuất và quản lý đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất. Toàn bộ hệ thống vận hành được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2005. 

Công ty cổ phần Sữa Ba Vì có 11 sản phẩm được UBND TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, tiêu thụ khắp cả nước, nhất là tại các điểm du lịch. Hiện nay, Công ty cổ phần Sữa Ba Vì đang hỗ trợ thu mua sữa cho 200 hộ dân, giúp nông dân nuôi bò sữa có thu nhập ổn định.

Huyện Ba Vì sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở sản xuất giao lưu, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao gắn với Chương trình NTM nâng cao.

Chú trọng phát triển sản phẩm, hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

Để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện Ba Vì đã phát triển 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Gần đây nhất, sáng 12/8, tại xã Thụy An, Hội Nông dân huyện Ba Vì, TP. Hà Nội phối hợp với HTX Gà đồi Ba Vì tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và phân phối sản phẩm nông sản, OCOP huyện Ba Vì. 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Văn Trường cho biết, trước điểm bán hàng và giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tại xã Thuỵ An, Hội Nông dân huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị khai trương 2 điểm tại Bưu điện huyện và thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh. 

“Các gian hàng đi vào hoạt động, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo vệ uy tín, giá trị nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa với qui mô lớn, theo chuỗi giá trị, xây dựng nông nghiệp huyện theo hướng xanh, bền vững”, ông Trường cho hay.

Trước đó, huyện Ba Vì và Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan khai trương 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khác tại gồm: Gian hàng tại cửa hàng hộ bà Bùi Thu Hà, thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh; Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xác nông nghiệp tổng hợp chăn nuôi và thương mại Khánh Phát, tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm thương mại Lực Tiến Plaza, xã Chu Minh; Nhà hàng Vườn ẩm thực Xứ Đoài, xã Tản Lĩnh; 

Bà Nguyễn Thị Thiết, HTX nông nghiệp Yên Bài, thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp chăn nuôi và thương mại Khánh Phát cho biết, các sản phẩm chè sạch của HTX được sản xuất theo quy trình hữu cơ và VietGAP, đã được thành phố đánh giá, công nhận OCOP 3 sao từ năm 2020. Tuy nhiên, sản phẩm chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Do đó, việc đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu là một trong những giải pháp giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất với mức giá hợp lý nhất.

Để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Tuy có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, nhưng huyện Ba Vì vẫn gặp không ít khó khăn khi xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm. Đơn cử như, phần lớn sản phẩm do các doanh nghiệp và chủ thể làm tự phát, lúng túng trong định hướng phát triển và bảo vệ thương hiệu. 

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm còn thô sơ, mẫu mã bao bì đóng gói, tem nhãn chưa chuyên nghiệp, dẫn đến việc liên kết chuỗi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp, chăn nuôi và thương mại Khánh Phương (đơn vị quản lý, điều hành điểm bán sản phẩm OCOP Khánh Phát) mong muốn trong thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội và UBND huyện Ba Vì hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ.

Để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng phát triển sản phẩm, hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, thiết kế tem nhãn mác, hướng dẫn cách thức ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại…

Huyện Ba Vì cũng sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện được tham gia giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn, các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao gắn với Chương trình NTM nâng cao.

Để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, huyện Ba Vì đề nghị các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình; tăng cường mở các lớp tập huấn về xác định, phát triển các sản phẩm OCOP. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư