Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Intel mua lại Altera: “Canh bạc” trị giá 16,7 tỷ USD
Giang Lang (DNSG) - 04/06/2015 08:46
 
Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Intel hôm 1/6 tuyên bố đồng ý mua lại Altera, một thương hiệu sản xuất chip lập trình với giá 16,7 tỷ USD.

Intel chấp nhận trả tiền mặt với mức 54 USD/cổ phiếu, cao hơn 10,5% so với giá cổ phiếu niêm yết của Altera sau phiên giao dịch thứ Sáu (29/5).

Vụ đầu tư tranh cãi

Đây là số tiền đầu tư cao nhất trong lịch sử của Intel và cao thứ ba trong các vụ thâu tóm của ngành công nghiệp sản xuất chip. Thương vụ lớn nhất là trường hợp Avago Technologies mua Broadcom với giá 37 tỷ USD.

Theo tính toán, thỏa thuận này cho thấy Altera đã bán thành công ở mức giá cao gấp 9 lần lợi nhuận bình quân của họ, một con số khiến nhiều người kinh ngạc. Báo The Wall Street Journal cho biết các chuyên gia phân tích đã đặt dấu hỏi liệu mức giá 16,7 tỷ USD có quá cao, và phải chăng Intel đã bị “hớ” trong vụ này.

Nhà phân tích Kevin Cassidy nói với Reuters: “Theo tôi thì giá này rất cao. Lần cuối cùng tôi nhớ trường hợp tương tự là vụ Broadcom mua NetLogic với giá cao 8 lần lợi nhuận của NetLogic, và điều này không mang lại nhiều kết quả tốt cho Broadcom”.

Giám đốc điều hành (CEO) Brian Krzanich của Intel cũng thừa nhận “con số này quá lớn”. Tuy nhiên, ông Krzanich cho rằng đây là bước đi cần thiết để mở rộng khả năng đáp ứng thị trường của Intel.

Altera có trụ sở tại San Jose, là một chuyên gia ở lĩnh vực chip lập trình theo công nghệ FPGA (field-programmable gate array), sự lựa chọn để tăng tốc độ kết nối máy chủ và thực hiện những lệnh chuyên biệt.

Phục vụ hướng đi mới

Mặc dù số tiền bỏ ra khá cao, nhưng Intel tin tưởng rằng họ đã có một vụ đầu tư không tồi khi đặt niềm tin vào Altera.

Thời gian qua, Intel đã nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất chip cho máy tính cá nhân. Vốn là thế mạnh của hãng kể từ những năm 1980, doanh thu từ chip máy tính đã giảm 8%, theo thông báo của Intel hồi tháng Tư năm nay.

Việc vấp phải sự cạnh tranh và thị trường bão hòa, CEO Krzanich được giao nhiệm vụ giúp Intel mở rộng thị trường sang các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng... Mặc dù vậy, đây vẫn không là hướng đi đúng đắn về hiệu quả kinh doanh. Điện thoại thông minh “không phải là một trong những lĩnh vực mang lại sự phát triển của công ty”, The Wall Street Journal dẫn lời ông Krzanich.

Theo các nhà phân tích, ông Krzanich là người rất chú trọng phát triển chip xử lý phục vụ tiện ích của người dùng. Ông cũng tiết lộ kế hoạch kết hợp chip xử lý Atom của Intel với công nghệ FPGA của Altera cho các ứng dụng mới. Nhóm ứng dụng này sẽ phục vụ hướng đi của Intel trong quá trình xâm nhập thị trường mới mẻ Internet of Things (IoT).

IoT là cách gọi cho một xu hướng đã có từ lâu nhưng bùng nổ trong vài năm trở lại đây. IoT hướng tới việc cung cấp giải pháp điều khiển mọi thứ thông qua một kết nối internet duy nhất.

Như vậy, nếu tập trung vào IoT, Intel sẽ bứt khỏi những chiếc máy tính cá nhân để gia nhập thị trường ứng dụng trên hàng tỷ thiết bị, như thiết bị di động, bóng đèn thông minh, chốt cửa, điều khiển phát nhạc trên xe, xe hơi tự hành...

Hiện tại trong lĩnh vực FPGA, Altera là nhà sản xuất sáng giá bậc nhất bên cạnh những Xilinx, Microsemi... Việc “thâu tóm” Altera với giá cao vào lúc này là một canh bạc, nhưng là phi vụ hợp lý xét trên lý thuyết của Intel.

Lenovo hoàn tất thương vụ thâu tóm Motorola
 Theo trang tin công nghệ GSM Arena, thương vụ Lenovo thâu tóm Motorola đã hoàn tất những bước cuối cùng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư