Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
JICA hỗ trợ Thừa Thiên Huế phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững
Tâm Đăng- Thúc Nhân - 28/05/2019 08:29
 
Văn phòng cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã đề nghị tiếp tục hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong cải thiện môi trường đô thị thông qua việc xây dựng quy trình quản lý và xử lý chất thải; đồng thời hỗ trợ dự án tăng cường năng lực phát triển du lịch phát huy các di sản văn hóa thông qua sự hợp tác với tỉnh Gifu, thành phố Koyama và đại học Gifu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa có buổi làm việc với Văn phòng cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (Văn phòng JICA tại Việt Nam) về việc JICA sẽ triển khai chương trình hỗ trợ "Phát triển đô thị di sản văn hóa Huế theo hướng xanh và bền vững" của JICA tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong những năm qua, nhiều hoạt động và dự án hỗ trợ của JICA đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng xanh và phát triển đô thị xanh tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai giai đoạn 2009 - 2016 thông qua hỗ trợ kỹ thuật về quản lý lũ lụt và tăng cường năng lực thích ứng với thiên tai tại cộng đồng; dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Thừa Thiên Huế; dự án tăng cường quản lý chất thải đô thị, giai đoạn 2014 - 2018. Đặc biệt là, dự án cải thiện môi trường nước phía Nam thành phố Huế từ nguồn vốn vay 20.883 triệu yên của Chính phủ Nhật Bản.

Ông Konaka Tetsuo (đứng), Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua
Ông Konaka Tetsuo (đứng), Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua

Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả hợp tác trong thời gian qua, tại buổi làm việc, phía JICA đã giới thiệu một số dự án hỗ trợ của JICA về tăng trưởng xanh đang thực hiện tại Việt Nam, đồng thời đề xuất với tỉnh Thừa Thiên Huế một số dự án về phát triển xanh và bền vững trong thời gian tới.

Theo đó, phía JICA đề nghị tiếp tục hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong cải thiện môi trường đô thị thông qua việc xây dựng quy trình quản lý và xử lý chất thải, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2020 đến năm 2023; dự án tăng cường năng lực phát triển du lịch phát huy các di sản văn hóa (bảo tồn di sản văn hóa và cảnh quan, quảng bá mang tính chiến lược) thông qua sự hợp tác với tỉnh Gifu, thành phố Koyama và đại học Gifu. Ngoài ra, JICA sẽ cử chuyên gia tham gia hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện dự án xây dựng xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu/thiên tai theo Kế hoạch phòng chống thiên tai của địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị JICA nghiên cứu để có thể hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực cho một số dự án của tỉnh, gồm: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; dự án xây dựng mô hình phát triển đô thị nông nghiệp; dự án giảm khí thải cải thiện sức khỏe và môi trường sống của người dân đô thị Huế thông qua phát triển giao thông xanh; giải pháp xử lý rác thải và nhựa sử dụng một lần. 

Đoàn công tác JICA nhận món quà lưu niệm từ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên huế Phan Ngọc Thọ.
Đoàn công tác JICA nhận món quà lưu niệm từ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên huế Phan Ngọc Thọ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những hoạt động và sự hỗ trợ thiết thực, đầy hiệu quả của JICA trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua. Đặc biệt là những dự án về phát triển xanh và bền vững, đây là một trong những lĩnh vực đang được tỉnh quan tâm nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường".

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, phát triển đô thị di sản, văn hóa Huế theo hướng xanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ ưu tiên chính của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như phát triển du lịch, giáo dục, y tế chuyên sâu, nông nghiệp công nghệ cao...đi cùng là các giải pháp về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của JICA, nhằm tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cũng đề nghị JICA tăng cường kết nối để có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến nghiên cứu, đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.   


Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh việc thu hồi giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương vừa tiến hành kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án cao tốc Bắc –...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư