Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kế hoạch 5 năm 2021-2025: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
Nguyễn Lê - 22/07/2021 11:28
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội dự kiến Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội sáng 22/7. (Ảnh: Quochoi.vn).

Sáng 22/7, báo cáo Quốc hội dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu tổng quát tổng quát được Chính phủ xác định là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Mục tiêu này được xác định trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%

Theo Bộ trưởng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường.

Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Trong quá trình thực hiện, quyết tâm phấn đấu đạt các mục tiêu và chỉ tiêu ở mức cao nhất, đồng thời chủ động chuẩn bị các phương án để kịp thời thích ứng với những biến động của tình hình, báo cáo đầy đủ của Chính phủ cho biết.

Về các cân đối lớn, Chính phủ xác định thúc đẩy tăng tổng tích luỹ tài sản chiếm khoảng 27% GDP và duy trì tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73% GDP.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.

Tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 16% GDP; đến năm 2025, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP để ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược, ngưỡng an toàn nợ công 55% GDP và nợ Chính phủ 45% GDP.

Phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 5 năm 2021- 2025, Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ tiếp theo được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu là Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Một số nhiệm vụ khác cũng được Bộ trưởng báo cáo Quốc hội là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu nhiệm kỳ, bứt phá, phát triển trong những năm tiếp theo. Quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công. Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN; xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo.

Chính phủ cũng xác định 5 năm tới sẽ tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, tạo nguồn lực phát triển. Đầu tư công trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung 03 đột phá chiến lược, lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao; bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu - nghèo.

Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là đẩy mạnh triển khai các dự án theo phương thức đối tác công - tư, trước hết là các dự án BOT để phát triển hạ tầng chiến lược trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, quản trị hiện đại, có khả năng lan tỏa phát triển; tăng cường liên kết giữa các vùng kinh tế, giữa khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy) ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn; hạ tầng năng lượng; hạ tầng đô thị, hạ tầng tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Phát triển hài hòa hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics; phát triển đô thị và kinh tế đô thị, Chính phủ nêu giải pháp tiếp theo.

Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách 6 tháng và kế hoạch 5 năm nói trên. 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư