Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025: Hướng tới quy mô GDP Việt Nam xếp hạng 31-33 thế giới
Nguyễn Lê - 06/10/2024 14:49
 
Với kế hoạch năm 2025, Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,0%, phấn đấu khoảng 7,0-7,5% trong bối cảnh, tình hình thuận lợi hơn để đến hết năm 2025 quy mô GDP Việt Nam xếp hạng 31-33 thế giới.
.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên họp thứ 38 diễn ra từ 7-14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tại báo cáo về nội dung này, Chính phủ nhận định, trong những tháng cuối năm, trường hợp FED giảm lãi suất, trong nước tỷ giá ổn định và giảm dần phù hợp với diễn biến thị trường và tăng trưởng cao hơn 7% thì đến cuối năm có thể sẽ đạt được chỉ tiêu này và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng còn lại của năm 2024, báo cáo nêu rõ, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch đề ra. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát (phấn đấu CPI cả năm tăng dưới 4,5%), giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng; bám sát diễn biến thị trường để điều hành lãi suất, tỷ giá đồng bộ, hài hòa, hợp lý. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%. Thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp.

Với kế hoạch năm 2025, Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,0%, phấn đấu khoảng 7,0-7,5% trong bối cảnh, tình hình thuận lợi hơn để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến hết năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới).

Một số chỉ tiêu khác cũng được dự kiến, như GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD.  Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,5%.

Dự toán thu NSNN khoảng 1.966,8 nghìn tỷ đồng tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024; chi NSNN dự kiến khoảng 2.527,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 408,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024, đảm bảo nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, chi tiền lương khu vực công và các chế độ, chính sách đã ban hành. Dự toán bội chi NSNN năm 2025 khoảng 471,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,8% GDP), bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép.

Bên cạnh tình hình kinh tế, xã hội, báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý), cũng nằm trong chương trình phiên họp.

Phiên họp thứ 38 còn có nhiều nội dung khác. Đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; dự án Luật Dữ liệu.

Công tác lập pháp ở phiên họp này còn có dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2024.

Tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; ,cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cũng nằm trong chương trình nghị sự. 

Kinh tế năm 2024 phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%
Sau mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của quý II và 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư