Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Kế toán là ngành thí điểm đầu tiên thực hiện xây dựng chuẩn chương trình đào tạo
Như Loan - 29/06/2020 11:10
 
Toạ đàm Chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình ngành kế toán đối với các trình độ của giáo dục đại học vừa diễn ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tọa đàm do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đồng tổ chức, thu hút sự tham dự đông đảo của đại diện các cơ sở đào tạo đại học ngành kế toán, các chuyên gia và nhà tuyển dụng.

Kế toán là ngành đào tạo phổ biến, có số lượng các trường đào tạo thuộc nhóm cao nhất hiện nay. Đây cũng là một ngành có nhiều thuận lợi để xây dựng chuẩn do bề dày lịch sử, tính hội nhập cao, chuẩn mực quốc tế rõ ràng và kinh nghiệm quốc tế xây dựng chuẩn phong phú. Vì vậy, ngành kế toán sẽ là ngành thí điểm đầu tiên thực hiện việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với trình độ giáo dục đại học.

Ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH phát biểu tại Tọa đàm
Ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Đặng Quang Việt cho biết: “Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định xây dựng Chương trình khung các trình độ của giáo dục đại học. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình khung cho các ngành và khối ngành đào tạo, trong đó có ngành kế toán. Từ khi Luật giáo dục đại học 2012 ra đời, đã trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo thì chương trình đào tạo sẽ do Hiệu trưởng ban hành. Như vậy, trong một hệ thống giáo dục, cùng đào tạo ngành kế toán nhưng mỗi trường sẽ cho ra các chuẩn đầu ra khác nhau, tùy thuộc vào năng lực và điều kiện của mỗi trường. Đây là một điểm yếu mà chúng ta cần khắc phục”. 

Theo đó, quan điểm, định hướng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành kế toán cần gắn với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học theo hướng: Thứ nhất, giúp các trường điều chỉnh cách xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình đào tạo theo tiếp cận phát triển, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của nghề kế toán.

Thứ hai, cần gắn kết giữa xây dựng, thực hiện chương trình với việc đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo thông qua chuẩn chương trình, tạo thuận lợi cho đánh giá chương trình và cải tiến chất lượng các chương trình ngành kế toán.

Thứ ba, thúc đẩy thực hiện tham chiếu giữa Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ của các quốc gia ASEAN, làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo kế toán cho Việt Nam có khả năng tìm việc làm trong thị trường lao động các nước ASEAN.

Tọa đàm cũng nhận được chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành kế toán của Malaysia và Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales.

Các kinh nghiệm, ý kiến đóng góp tại Tọa đàm sẽ được tiếp thu để làm cơ sở để xây dựng hệ thống các tài liệu, văn bản hướng dẫn về xây dựng chuẩn chương trình cho ngành kế toán. Từ đó triển khai áp dụng chuẩn chương trình trong xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình đào tạo ngành kế toán tại các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, là nền tảng để triển khai xây dựng chuẩn chương trình cho các ngành, nhóm ngành ở các lĩnh vực khác.

Bà Đặng Thị Mai Trang Trưởng đại diện ICAEW Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm tổ chức tại Hà Nội.
Bà Đặng Thị Mai Trang Trưởng đại diện ICAEW Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm tổ chức tại Hà Nội.

Cùng tham gia hỗ trợ và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng đại diện ICAEW Việt Nam, bà Đặng Thị Mai Trang chia sẻ: “Dù đào tạo theo hướng học thuật hay theo hướng thực hành nghề nghiệp thì mục tiêu cuối cùng của các trường đại học và các tổ chức nghề nghiệp đều nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội, của ngành kinh tế. Những sinh viên/học viên có đủ năng lực bắt đầu ngay với công việc. Với sự ra đời của các tổ chức nghề nghiệp, các chuẩn đào tạo đầu ra, yêu cầu nghề nghiệp cụ thể cũng hình thành được rõ ràng hơn”.

Năm 2019, ICAEW và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) tại London về phát triển đào tạo trong lĩnh vực tài chính - kế toán của Việt Nam, với mục đích triển khai và đẩy mạnh việc áp dụng Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời hợp tác thúc đẩy xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo đại học ngành tài chính – kế toán đáp ứng các yêu cầu của ngành nghề.

“Sau thỏa thuận MOU được ký kết, ICAEW đã triển khai rất nhiều các hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa các nội dung trong bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa hai bên, trong đó Tọa đàm chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho ngành kế toán đối với các trình độ của giáo dục đại học là một hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động tiếp theo nhằm triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trong thời gian tới”, bà Trang cho biết.

Chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015, trong suốt chặng đường 5 năm qua, ICAEW đã không ngừng nỗ lực hiện thực hóa cam kết đóng góp vào sự phát triển của ngành tài chính - kế toán trong nước, thông qua việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực cấp cao tài chính - kế toán, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp trong nước.

Tính đến nay, Chương trình chứng chỉ quốc tế về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh (CFAB) của ICAEW đang được 10 trường đại học kinh tế - tài chính hàng đầu tại Việt Nam tích hợp vào chương trình đào tạo với các cấp độ khác nhau tuỳ vào chiến lược của nhà trường, năng lực giảng viên và khả năng của sinh viên. Đây cũng là chương trình nghề chuyên nghiệp quốc tế về tài chính - kế toán được nhiều trường lựa chọn nhất tại Việt Nam.
ICAEW hỗ trợ các trường đại học Việt Nam tích hợp chứng chỉ quốc tế CFAB vào đào tạo chính quy
Vừa qua, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức hội thảo "Train the Trainers" dành cho giảng viên từ 16 trường đại học hàng đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư