Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Kênh đầu tư cuối năm: “Ngồi im” là thượng sách?
Hà Tâm - 02/11/2022 08:43
 
USD mạnh chưa từng thấy, cổ phiếu rất rẻ, bất động sản cũng bắt đầu giảm giá…, song nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư “ngồi im” mang tiền gửi ngân hàng, chớ nên vội vã “bắt đáy” các kênh đầu tư rủi ro.
Nhà đầu tư chớ nên vội vã “bắt đáy” các kênh đầu tư rủi ro.

Dòng tiền nghi ngờ, các kênh đầu tư đều ế ẩm

Quyết định tăng lãi suất sẽ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào sáng mai (giờ Việt Nam) sau phiên họp chính sách ngày 1-2/11/2022. Theo dự báo của giới chuyên gia, lần này, Fed sẽ tiếp tục thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nữa.

Ngay trước thềm Fed tăng lãi suất, ngày 25/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng thêm 1% với một loạt lãi suất điều hành và là lần tăng lãi suất thứ hai liên tiếp trong 2 tháng gần đây. Với các động thái mạnh tay của NHNN, giới chuyên gia kỳ vọng, tỷ giá sẽ không tăng mạnh thêm nữa từ nay đến cuối năm.

Tuy vậy, ngay cả khi tỷ giá tăng, theo các chuyên gia, NHNN vẫn có biện pháp để bảo vệ giá trị tiền đồng (điển hình là NHNN tăng lãi suất điều hành liên tiếp 2 lần trong 2 tháng gần đây). Nói cách khác, dù USD trên thế giới đang tăng rất mạnh, song nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi trong bối cảnh hiện nay. Hiện lãi suất tiến kiệm trên thị trường đã lên tới 11%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh khiến dòng tiền nhàn rỗi quay trở ngân hàng, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán, bất động sản giảm mạnh. Giá đất nền nhiều khu vực đã giảm 10-20% vẫn không có người mua, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán chỉ bằng 1/5 giai đoạn đỉnh điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, với nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, “ngồi im là thượng sách”. Nói cách khác, ôm tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hiện nay là kênh đầu tư tốt nhất.

Theo ông Khánh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng còn “bất động” từ nay đến cuối năm. Thị trường chứng khoán hiện khá hấp dẫn, song vẫn còn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư ít am hiểu về thị trường tài chính không nên vội vã bắt đáy, mà nên để tỷ trọng tiền mặt lớn trong danh mục của mình. Sai lầm của nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư chứng khoán, bất động sản là không định vị được mình đang ở đâu, cứ lao theo đội lái, trong khi không có kiến thức, bị cuốn theo lòng tham và sự sợ hãi, nên thiệt hại nặng nề.

Cơ hội vẫn rất lớn với nhà đầu tư trung, dài hạn

Với nhà đầu tư cầm tiền mặt, lựa chọn trong thời điểm này khá dễ dàng. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư “kẹp” chứng khoán, bất động sản, lựa chọn là khá khó khăn.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, giai đoạn vừa qua, tâm lý nhà đầu tư chịu nhiều bất ổn do các tin tức bắt bớ. Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tăng mạnh tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, làn sóng bán tháo lần này chủ yếu là ở nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường, nhóm nhà đầu tư kỳ cựu vẫn đang nắm giữ cổ phiếu chờ tín hiệu hồi phục. 

Nhà đầu tư trước khi tham gia thị trường, ngoài nâng cao kiến thức về lý thuyết, cần phải có sự thực chiến. Đầu tiên, nhà đầu tư nên tham gia thực chiến ở các kênh đầu tư an toàn. Sau một thời gian đã nhận diện được các rủi ro của việc đầu tư, thì có thể tham gia các kênh đầu tư rủi ro với khẩu vị tăng dần. Tất nhiên, sự lựa chọn kênh đầu tư an toàn và rủi ro có thể thay đổi tùy từng thời điểm thích hợp với chuyển động của nền kinh tế.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank

Ông Ngọc khuyến cáo, nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu trong vùng này, mà nên bình tĩnh (trừ cổ phiếu xấu thì có thể cân nhắc cơ cấu danh mục). Với nhà đầu tư đang cầm tiền muốn giải ngân, dù vùng giá hiện tại của thị trường rất hấp dẫn, song chỉ phù hợp với nhà đầu tư mua tích lũy trung, dài hạn, không phù hợp với nhà đầu tư muốn bắt đáy lướt sóng ngắn hạn.

Với bất động sản, theo các chuyên gia, thanh khoản thị trường thời gian tới vẫn sẽ thấp do doanh nghiệp bất động sản khát vốn, nhà đầu tư thận trọng. Thị trường bất động sản cũng có sự phân hóa rõ nét: phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực (nhất là căn hộ) vẫn tăng giá do khan hiếm nguồn cung, trong khi bất động sản đầu cơ đang giảm giá khá mạnh. Nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng đã phải giảm giá cắt lỗ bất động sản, bởi không chịu nổi gánh nặng lãi vay.

TS. Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính bất động sản Dat Xanh Services cho biết, phân khúc bất động sản đầu cơ đã có dấu hiệu giảm giá. Tuy vậy, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, giá bất động sản vẫn tăng đều đặn, nhất là các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thật. Vì vậy, đầu tư bất động sản giai đoạn này, nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào phân khúc có nhu cầu thật tại những khu vực có hạ tầng đầy đủ, dân số đông, tránh đầu tư dàn trải. 

Một kênh đầu tư khác được đông đảo nhà đầu tư cá nhân lựa chọn trong 3 năm gần đây là trái phiếu doanh nghiệp. Sau sự cố Tân Hoàng Minh, VKC Holdings, An Đông…, một số nhà đầu tư lo lắng kéo nhau đi đáo hạn trái phiếu trước hạn, gây ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp phát hành và cả công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, việc rút tiền hàng loạt gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư và gây áp lực lớn cho thị trường. Do đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh đánh giá kỹ loại trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ. 

Được biết, một số doanh nghiệp phát hành đã không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn, mà đề nghị nhà đầu tư giãn, hoãn nợ theo nhiều hình thức: trả chậm cộng lãi suất phạt, hàng đổi hàng (với bất động sản)… Theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư nên chấp nhận ngồi lại với doanh nghiệp để giãn, hoãn nợ, hạn chế tối đa hình sự hóa để tránh thiệt hại cho cả hai bên.

Kênh đầu tư nào sẽ dẫn dắt thị trường cuối năm?
Thị trường đầu tư biến động khiến nhu cầu “xuống tiền” thời điểm cuối năm có sự phân hoá. Dòng tiền luân chuyển vào các lĩnh vực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư