Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Lãi suất tăng tác động thế nào đến các kênh đầu tư?
Vân Linh - 25/09/2022 08:37
 
Khi lãi suất tăng thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng nhà đầu tư phải cân nhắc khi bỏ tiền đầu tư vào những kênh rủi ro, điều đó làm giảm dòng tiền đầu tư.

Môi trường lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Hải – Giám đốc Đầu tư Cấp cao, Chứng khoán thu nhập cố định - Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) tại buổi Toạ đàm đầu tư “Dòng tiền” được tổ chức ngày 24/9 ở TP.HCM.

Theo ông Hải, thị trường chứng khoán phản ánh mối cung cầu trên thị trường mà cung cầu lại do nhiều yếu tố chi phối trong đó yếu tố cơ bản chỉ là một trong số các yếu tố quyết định đến cung cầu chứng khoán.

Do các thành viên tham gia thị trường rất đa dạng với nhất nhiều kỳ vọng khác nhau nên trong ngắn hạn các yếu tố tâm lý, hành vi thường chiếm ưu thế nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam khi phần đông các thành viên thị trường tham gia giao dịch ngắn hạn trên thị trường và dùng đòn bẩy tài chính lớn.

Những yếu tố này làm gia tăng mức động biến động của thị trường. Tuy nhiên, trong dài hạn khi những yếu tố hành vi, tâm lý ngắn hạn qua đi thị trường sẽ vận động theo những yếu tố cơ bản và mang lại giá trị cho những nhà đầu tư đủ kiên nhẫn.

Đáng chú ý khi lãi suất tăng lên thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng lên và các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền đầu tư vào những kênh rủi ro điều đó làm giảm dòng tiền đầu tư.

Còn về phía doanh nghiệp, lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên và làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và khiến các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Về tổng thể, môi trường lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.

Do đó, có công thức đầu tư được biết rộng rãi trong đầu tư là “thời gian đầu tư trong thị trường quan trọng hơn việc cố gắng lựa chọn thời điểm tốt nhất để tham gia thị trường”.

Cũng theo ông Hải, nếu nhìn vào sự gia tăng tài sản của các chủ doanh nghiệp chúng ta sẽ thấy, những người chủ doanh nghiệp tích lũy được tài sản lớn thường là những người ít giao dịch và chỉ tập trung vào việc phát triển kinh doanh để mang lại giá trị lâu dài.

“Tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta đều có thể rút ra được bài học cho riêng mình từ bài học thành công của lớp doanh nhân tiên phong đang tạo dựng giá trị không chỉ cho bản thân họ mà cho cả quốc gia”, ông Hải cho hay.

Kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ những sự kiện và tin tức không tốt từ đầu năm 2022 đến nay.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tuy vẫn chịu ảnh hưởng nhẹ do áp lực giá xăng tăng giai đoạn đầu năm và tình hình lạm phát từ Mỹ cũng như các quốc gia Châu Âu, tuy nhiên vẫn có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,4% với các chỉ số FDI, xuất khẩu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là lạm phát vẫn được kiểm soát tốt.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, lãi suất huy động đang tăng nhẹ (0,5-1,5 điểm %) sau khi Ngân hàng tăng lãi suất điều hành trong ngày 23/9. Lãi suất cho vay cũng chịu áp lực tăng, nhưng chỉ ở một số phân khúc, thời điểm đối với một số khách hàng tùy vào khoản vay, khách hàng, thời hạn...

Tuy nhiên, theo TS Lực, kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức khá (+7-7,5% năm 2022, 6,5-7% năm 2023); lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; Quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong 3 đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy…

Doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng khá về lợi nhuận (20-25%); giá chứng khoán ở mức hấp dẫn. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP (11/7/2022) về phát triển thị trường vốn; Chỉ thị 13/CT-CP (29/8/2022) giải phát phát triển thị trường bất động sản; Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi Nghị định 153 (2020).

Định giá chứng khoán Việt Nam đang ở vùng thấp nhất 5 năm

Thị trường chứng khoán cũng có nhiều biến động trong những tháng qua, do tác động của tin tức trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bloomberg, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm nay với mức dự báo tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu của thị trường là 19,89% trong năm 2022.

Đặc biệt, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E) đang được xem là đang ở trong vùng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, là cơ hội để đầu tư vào thị trường nhằm hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều điểm sáng và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Ông Nguyễn Đức Tuấn – Người quản lý danh mục cổ phiếu Manulife Investment cho rằng, có nhiều yếu tố sau đây sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Cụ thể, bức tranh kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều tín hiệu tích cực: kinh tế hồi phục mạnh mẽ với dự tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức trên 7% trong năm 2022. Sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Qua đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Vốn FDI giải ngân tăng trưởng ở mức 2 con số từ đầu năm 2022 đến nay. Bên cạnh việc vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo, vốn FDI cũng chuyển dịch lên phân khúc công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm với mức độ phức tạp cao hơn.

Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại lớn trong năm 2022. Đây là nguồn ngoại tệ lớn giúp Việt Nam tăng cường dự trữ ngoại tệ, từ đó ổn định giá trị đồng tiền nội tệ.

Đặc biệt, cho đến nay, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới, chỉ khoảng 3,6% tính đến giữa tháng 9/2022.

Đồng nội tệ của Việt Nam được hỗ trợ mạnh mẽ từ dự trữ ngoại tệ tích lũy trong những năm qua, dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài, thặng dư thương mại và dòng tiền kiều hối. Với việc tiền đồng giữ ổn định sẽ tác động trở lại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư FDI trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Tuấn, lạm phát của Việt Nam đang nằm trong mục tiêu kiểm soát của Chính phủ và khả năng sẽ giữ lạm phát ở mức mục tiêu 4% trong năm 2022 khi giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh giảm lần thứ 3 trong tháng 9, qua đó giảm 8% trong tháng và giảm hơn 30% so với đỉnh vào tháng 6 vừa qua...

Các ngành nghề được dự báo tăng trưởng tích cực trong giai đoạn kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới theo ông Tuấn là các ngành nghề hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như đầu tư phát triển Khu Công nghiệp, Điện – Nước, Cơ sở hạ tầng, Logistics.

Ngành bán sỉ và bán lẻ tiếp tục là chủ điểm đầu tư nhờ vào sự hồi phục sức mua mạnh mẽ từ tiêu dùng nội địa, và mùa mua sắm cao điểm cuối năm tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu...

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhận diện và phân biệt rõ ràng giữa các công ty sẽ đang trong giai đoạn sụt giảm và suy thoái với các công ty có thể mang lại hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng bền vững.

Manulife Investment tập trung vào nhóm các công ty mạnh, có thể tồn tại và tiếp tục phát triển ngay cả khi đang ở chu kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng và kéo dài.  

Bà Trần Thị Kim Cương, Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Điều hành Đầu tư Manulife Investment cho rằng, mỗi loại hình đầu tư hay mỗi kênh đầu tư có đặc điểm về tỷ suất sinh lời và rủi ro khác nhau.

Thông thường nhà đầu tư hay mong muốn kiếm kênh nào đó cho tỷ suất sinh lời cao nhất trong thời gian ngắn nhất và sau đó lại chuyển sang kênh khác để có tỷ suất sinh lời cao hơn, thật sự đó không phải là đầu tư mà là đầu cơ, đầu tư thật sự là phải cần thời gian.

Nhà đầu tư hiệu quả nhất là những người có tầm nhìn dài hạn. Nhà đầu tư dài hạn luôn là người chiến thắng. Lấy ví dụ như thị trường chứng khoán Việt Nam, nhìn ngắn hạn thì rất là biến động, lúc lên 35%, lúc xuống 20% nhưng nếu nhìn dài hạn ra, lúc bắt đầu thì VNindex là 100 điểm, sau 21 năm đang là 1.200 điểm, như vậy tăng 12 lần sau 21 năm.

Nhìn những công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường thì chúng ta cũng thấy, sự tăng trưởng vượt bậc của các công ty này trong vòng 10-15 năm qua.

Nói về phân bổ tài sản, theo bà Cương tùy theo độ tuổi, tổng tài sản tích lũy của nhà đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư mà phân bổ tài sản. Mục đích là sinh lời bền vững về dài hạn và đầu tư ntn để nhà đầu tư thư thái bình an chứ không phải tất bậc lo lắng nhảy ra nhảy vào các kênh đầu tư khác nhau.

Cũng theo Tổng giám đốc Manulife Investment, trong vòng 15-20 năm tới nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng rất tốt và các công ty trong nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

Do đó, nhà đầu tư nên đầu tư vào các công ty này thì tài sản của nhà đầu tư sẽ tăng trưởng theo và trên thị trường hiện nay có công cụ Quỹ mở giúp các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các công ty này một cách dễ dàng.

“Với một số tiền hạn chế thôi nhưng nhà đầu tư vẫn có thể đầu tư vào 1 danh mục 30-40 công ty hàng đầu và có các chuyên gia đầu tư quản lý giúp nhà đầu tư, nhà đầu tư có thời gian làm những việc mình yêu thích khác”, bà Cương cho hay.

Lãi suất tăng, thanh khoản căng, ngân hàng vẫn triển vọng lạc quan trong dài hạn
Các chuyên gia phân tích cho rằng, lợi nhuận ngân hàng tăng 31% năm nay, tăng 15% trong năm 2023 nhờ chất lượng tài sản vững chắc, thu nhập từ phí cải...
Bình luận bài viết này
  • Long 12:54 | 29-10-2022
    Cảm ơn bài viết. Rất hay.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư