Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo
Quỳnh Nga - 18/11/2023 15:10
 
Sáng nay (18/11), tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp, TP. Hải Phòng, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”.

Tới dự Hội nghị có đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương; cùng đại diện hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021 - 2025; thảo luận các giải pháp về chính sách, hỗ trợ sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quỳnh Nga.

Tiếp nối cho giai đoạn 2015 - 2020, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, triển khai Quyết định 1162/QĐ-TTg Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” hôm nay là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương triển khai Chương trình năm 2023 với mục tiêu kết nối, hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo.

Đây sẽ là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng phát biểu. Ảnh: Quỳnh Nga.

Theo đánh giá tại Hội nghị, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 triển khai 15 đề án, nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu.

Từ đó, đã bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo được ký kết giữa các đơn vị. 

“Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” ngày hôm nay rất thiết thực, bên cạnh song hành là  tuần lễ Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2023, có trên 200 doanh nghiệp, trên 220 gian hàng tham gia, là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, ... tìm hiểu, trao đổi, nắm bắt thông tin nhu cầu, thị hiếu, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường đặc biệt là thị trường vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng chia sẻ tại Hội nghị.

Hướng tới mục tiêu tổng thể của Chương trình trong cả giai đoạn 2021-2025 là đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mà Bộ đã ban hành trong thời gian qua.

Trong khuôn khổ Chương trình, Hội nghị tập trung thảo luận về “Giải pháp gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, với các diễn giả đại diện cho diện doanh nghiệp phân phối; đại diện kênh bán hàng thương mại điện tử các sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo.

Hội nghị kết thúc, với sự chứng kiến của đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương, Thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được ký kết giữa các đơn vị.

Thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo được ký kết giữa các đơn vị.

Trước đó, vào tối ngày 17/11, cũng tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Tiệp đã tổ chức Hội chợ công thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2023. Hội chợ có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, cùng sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Nam Định, Bắc Giang, Phú Thọ, Hậu Giang, Kon Tum…

Với quy mô hơn 220 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp gồm: sản phẩm đặc trưng vùng, miền, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP; hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề; các sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh, vật liệu xây dựng; lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng nông, lâm, thủy, hải sản chế biến, thời trang may mặc, điểm giới thiệu các dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông, logistics, tài chính ngân hàng

Hội chợ công thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2023 có sự tham gia của 11 tỉnh, thành phố. Ảnh: Quỳnh Nga.

Hội chợ là một trong các chương trình xúc tiến thương mại lớn của Hải Phòng, triển khai lồng ghép với Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023-Vietnam Grand Sale 2023; Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday 2023; “Tháng khuyến mại Hải Phòng-Tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế số”. Hội chợ diễn ra đến hết ngày 22/11.

Các gian hàng của 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng với sản phẩm OCOP tiêu biểu được trưng bày tại hội chợ. Ảnh: Quỳnh Nga
Các gian hàng thu hút đông đảo người dân quan tâm. Ảnh: Quỳnh Nga.

Hải Phòng thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ
Đoàn công tác của lãnh đạo thành phố Hải Phòng đang có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 14/11 đến ngày 21/11.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư