Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế để phát triển đất nước
Khánh An - 03/09/2019 19:01
 
Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” chính thức nhận các ý kiến, đề xuất từ ngày 3/9/2019.
.
Doanh nghiệp, doanh nhân có thể tham gia góp ý từ ngày 3/9/3019 đến ngày 31/12/2019

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động cho biết, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành 3 nghị quyết liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết 11-NQ/TW); Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết 12-NQ/TW); Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết 10-NQ/TW) đã xác định những vấn đề then chốt, mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Đây cũng là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

“Cuộc vận động nhằm khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tại của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế”, ông Bình nói.

Theo Ban tổ chức, các ý kiến, kiến nghị sẽ được tổng hợp, chuyển tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

“Chúng ta không chỉ cần có sự quyết tâm, đồng tâm, đồng lòng, mà còn cần phải có tư duy mới, suy nghĩ và tầm nhìn lớn, hành động để đổi mới sáng tạo”, ông Bình nói.

Trong thể lệ Cuộc vận động, Ban tổ chức Cuộc vận động Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đang kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ sơ hữu và các doanh nhân Việt kiều, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tham gia hiến kế.

Cơ chế tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng thể chế chính sách không phải là công việc mới. Trong 30 năm đổi mới, nhiều kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp đã được tiếp thu, nghiên cứu, thể chế hóa, đảm bảo tính thực tiễn của nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế.

Có thể nhắc đến những khuyến nghị, đề xuất trong chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân, trong gỡ bỏ rào cản, bãi bỏ điều kiện kinh doanh... tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn.

Nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước.

“Cuộc vận động này diễn ra khi các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII được xây dựng, nên cộng đồng doanh nghiệp coi đây như một “Hội nghị Diên hồng”. Tôi tin là mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp đều thấy trách nhiệm của mình trong đó”, ông Lộc nói.

Cuộc vận động do Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc vận động. Đồng chỉ đạo và chủ trì thực hiện còn có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hôi, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: 3/9/2019-31/12/2019
Thời gian xét chọn góp ý, đề xuất: tháng 1-3/2020
Lễ tôn vinh và trao giải: Dự kiến tháng 4/2020.
Địa chỉ nhận đề xuất: [email protected]
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà 4, đương Nguyễn Cảnh Chân, phường Quánh Thánh, quân Ba Đình, TP.Hà Nội.

Tiêu chí xét giải:
Tính đổi mới sáng tạo: tối đa 15 điểm
Tính hiệu quả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh: tối đa 50 điểm;
Tính khả thi: Tối đa 20 điểm
Phạm vi ảnh hưởng: Tối đa 10 điểm
Tư duy nhận thức vấn đề: Tối đa 5 điểm.

Giải thưởng:
1 giải đặc biệt: 300 triệu đồng
3 giải nhất: 100 triệu đồng/giải
5 giải nhì: 50 triệu đồng/giải
10 giải 3: 20 triệu đồng/giải
20 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải

Ban tổ chức có quyền sử dụng các ý kiến, đề xuất đạt giải để phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam và các mục đích hợp pháp khác.
Muốn trỗi dậy, kinh tế Việt Nam cần một hệ điều hành mới
Cỗ máy kinh tế Việt Nam không chỉ cần định hướng đúng, mà còn cần một “hệ điều hành mới”, cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, để có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư