Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Khắc phục “điểm nghẽn” visa để du lịch bứt phá
Hồng Hạnh - 04/04/2022 15:29
 
So với các nước trong khu vực, chính sách thị thực của Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn du khách, thậm chí thua xa đối thủ hàng đầu là Thái Lan.
Ảnh minh họa
Chính sách cấp thị thực đã làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN

Thời gian ngắn hơn, phí cao hơn

Đó là những đánh giá thẳng thắng được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chia sẻ tại Diễn đàn Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới, diễn ra cuối tuần qua.

Theo ông Tuấn, nếu như đa phần các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống, thì Việt Nam vẫn yêu cầu thị thực đối với hầu hết khách du lịch. Đáng nói hơn, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia…

Cũng theo vị chuyên gia này, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước như Campuchia, Lào hay Indonesia.

Việc khôi phục nhanh ngành du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân, hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước liên quan đến ngành du lịch

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

“Thậm chí, quy định về thời hạn tạm trú với khách du lịch quốc tế cũng chưa hợp lý. Hiện tại, thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh với thị thực có ký hiệu DL (du lịch) là tối đa 30 ngày. Như vậy, cho dù khách du lịch có xin được thị thực thời hạn 3 tháng, thì họ cũng chỉ được tạm trú liên tục tại Việt Nam 30 ngày. Chính sách cấp thị thực như vậy đã làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN”, ông Tuấn phân tích.

Khát vọng biến Việt Nam thành trung tâm hàng không và du lịch đường dài

Từ lâu, “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam đã xác định Thái Lan là đối thủ trực tiếp trong khu vực, nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thừa nhận, các chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đang bị chậm hơn so với nước bạn cũng như các thị trường trong khu vực.

Ông Khánh dẫn chứng, Thái Lan luôn có những chính sách nhanh chóng, quyết liệt và rất kịp thời. Từ ngày 1/7/2021, Thái Lan đã khởi động lại du lịch bằng việc mở cửa Phuket. Trong khi đó, đến tận tháng 11/2021, Việt Nam mới triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế, tức là chậm hơn nước bạn 4 tháng.

“Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cho rằng, ngành du lịch Việt Nam mở cửa còn rụt rè, nhưng thực tế, du lịch đã rất quyết liệt và cố gắng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vì thế, để tạo được sự bứt phá, cần sự vào cuộc, chung tay của các bên liên quan", ông Khánh thẳng thắn thừa nhận, đồng thời cho biết, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đề xuất miễn thị thực với thời gian lưu trú tới 30 ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, việc miễn thị thực 30 ngày sẽ làm tăng cơ hội hút khách đến Việt Nam. Nhiều du khách từ các quốc gia châu Âu, với đặc tính du lịch xa, nếu thời gian miễn thị thực ngắn sẽ gây khó cho du khách, làm giảm sức hút của du lịch Việt Nam so với các thị trường lân cận.

Do đó, TS. Lương Hoài Nam đã nhiều lần đề xuất tăng thời hạn lưu trú cho du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam lên 30-45 ngày, đồng thời cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch. Ông Nam cho rằng, với thời hạn 15 ngày hiện nay, du khách ra khỏi Việt Nam sang các nước lân cận là không quay lại Việt Nam được nữa. Quy định này vô hiệu hóa khả năng biến Việt Nam thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài.

Và để hiện thực hoá khát vọng biến Việt Nam thành trung tâm hàng không và du lịch đường dài, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, TAB đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan gia hạn gấp thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Anh, Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha. Đồng thời, cho phép công dân của 5 quốc gia Tây Âu nói trên kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Bên cạnh đó, cần mở rộng danh sách miễn thị thực cho công dân các quốc gia như Australia, New Zealand, Canada, Thụy Sỹ. Gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương từ ngày 1/1/2023 cho công dân các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Bổ sung danh sách các nước/vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử như Đài Loan, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan và tất cả các quốc gia châu Âu chưa được miễn thị thực nhập cảnh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá quốc tế về quyết định mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng như các “điểm nhấn chính sách” để thu hút du khách, bao gồm các chính sách về miễn thị thực, thị thực điện tử.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng phục vụ du khách, song vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển thị trường quốc tế, trong đó có “điểm nghẽn” visa. Ông hy vọng Chính phủ, các bộ, ban, ngành sẽ có những chính sách quyết liệt, hỗ trợ du lịch rút ngắn giai đoạn phục hồi, bước vào giai đoạn phát triển, bứt phá.

Đến Tuyên Quang trải nghiệm du lịch trọn vẹn
Tối 1/4, tại huyện Lâm Bình, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2022 với chủ đề: “Du lịch Tuyên Quang – An toàn, hấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư