Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Du lịch Việt Nam cần làm gì sau khi mở cửa?
Hoàng Oanh - 02/04/2022 13:20
 
Câu chuyện visa, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, quảng bá và xúc tiến… là những vấn đề ngành du lịch cần giải quyết ngay trước khi tính đến bài toán đón khách quốc tế sau khi mở cửa.

Tại diễn đàn du lịch Việt Nam 2022 chủ đề Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng  mới, hành động mới diễn ra vào sáng 1/4, vấn đề thu hút các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham gia thảo luận sôi nổi nhất không phải là câu chuyện về chính sách, cơ chế ưu đãi… mà là những rảo cản khiến cho việc đón khách quốc tế có thể không đạt được kì vọng như mong muốn và giải pháp để xóa bỏ tình trạng phục hồi chậm chạp như hiện nay.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn.

Đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop On Hop Off Vietnam, doanh nghiệp sở hữu sản phẩm xe bus city tour 2 tầng đang hút khách đã chia sẻ những băn khoăn xung quanh lựa chọn hướng đi nào để mở cửa thị trường du lịch quốc tế hiệu quả. Luân hoài nghi ngành du lịch đang chọn cách đi ngược, bởi những vấn đề về sản phẩm, nhân lực đáp ứng quá trình phục hồi đang được nói đến quá nhiều, trong khi điều kiện quan trọng đầu tiên để đón được khách lại chính là vấn đề visa.

“Việt Nam mới miễn visa cho du khách đến từ 13 quốc gia, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan đã miễn visa cho du khách 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số này ở Indonesia là 70, Philippines đã đạt tới gần 160 nước”, Luân nói. Ông cho biết thêm “vấn đề đầu tiên đáng lẽ nên mang ra bàn luận phải là gia tăng số lượng quốc gia được miễn visa khi tới Việt Nam, sau đó tìm cách để xúc tiến tới các thị trường tiềm năng, trên cơ sở đó mới tính toán được số lượng khách và lượng nhân sự cần phải có”.

Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn kể từ khi công bố mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch vào 2 tuần trước. 

 Thách thức ở đây đến từ sự cạnh tranh quyết liệt khi rất nhiều quốc gia trên thế giới và cả các “đối thủ” trong khu vực cũng đã bắt đầu thông báo mở cửa đón khách trở lại. Nhiều điểm đến trong số đó không chỉ tiên phong về thời gian, mà còn liên tục đưa ra những chính sách nhanh chóng và kịp thời update, chẳng hạn như Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan đang xem xét nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh, trong đó có việc bỏ xét nghiệm PCR đối khách quốc tế từ 1/5, thay bằng xét nghiệm nhanh do nhân viên y tế thực hiện sau khi nhập cảnh.

Từ ngày 1/4, du khách tới Singapore cũng không cần sử dụng khẩu trang khi tham gia các hoạt động ngoài trời, quốc đảo Sư tử cũng không hạn chế số lượng khách nhâp cảnh hàng ngày, du khách không cần làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART), không bị giám sát sau khi đến  nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tinh trong vòng 2 ngày trước khi đến. 

Với những quy định mới dễ dàng hơn, Singapore và Thái Lan đã trở thành những quốc gia có cơ chế thông thoáng nhất cho du khách, thậm chí các điều kiện của 2 nước này hiện còn đơn giản và hâp dẫn hơn so với chính sách mới mà Việt Nam vừa đưa ra khoảng 2 tuần trước đó.

Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang sở hữu những lợi thế lớn, theo như cách nói của Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh thì “Chúng ta xuất phát điểm chậm hơn, nhưng lại có lợi thế của người đi sau”.

“Thái Lan đã có dấu hiệu của sự bão hòa bởi lượng khách tăng trưởng chậm, trong khi những quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Việt Nam, lại nổi lên là điểm đến mới với những sản phẩm du lịch càng ngày càng hấp dẫn và liên tục được vinh danh trong top điểm đến mới do các bảng xếp hạng du lịch uy tín thế giới bình chọn”, Khánh nói.

Tuy nhiên, dù là thách thức hay cơ hội thì du lịch Việt Nam cũng đang bước vào sự cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia, bởi đại dịch đã đưa ngành du lịch toàn thế giới về lại điểm xuất phát. 

“Những quốc gia nào có sự chuẩn bị tốt thì sẽ tiến nhanh”, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2022 tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung cả quý I năm nay, khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 165,2%. Điều này cũng kéo theo sự gia tăng 1,2% doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I, doanh thu du lịch lữ hành quý I cũng tăng 1,9% so với cùng kỳ 2021 nhờ chính sách mở cửa.

Sự phục hồi trở lại của thị trường du khách quốc tế cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết, như tuyển dụng và đào tạo lại nguồn nhân lực, chuẩn bị cho sản phẩm mới, hoạt động quảng bá và xúc tiến điểm đến hay cải thiện chất lượng dịch vụ… 

Đại điện nhiều doanh nghiệp phục vụ khách inboud cho biết, họ đang loay hoay với hàng trăm hạng mục công việc cần phải giải quyết, trong khi các nguồn lực đang có còn rất hạn chế và không thể duy trì các quan điểm về thị trường, sản phẩm như trước đây. 

“Thị trường khách quốc tế đóng băng quá lâu, trong khi nhu cầu của du khách sau đại dịch đã thay đổi. Mối quan tâm đầu tiên của doanh nghiệp bây giờ là làm thế nào để sẵn sàng để cung cấp sản phẩm cho du khách?”, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Hanoitourist nói.

5 tỉnh miền Trung bắt tay kích cầu du lịch
5 điểm đến miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng vừa công bố các sự kiện văn hóa - du lịch và sản phẩm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư