Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khách Trung Quốc đến miền Trung: Ghi nhận tín hiệu mới trong dịp Tết Nguyên đán
Việt Hương - 15/01/2023 20:22
 
Nhiều hãng hàng không Việt Nam và quốc tế có kế hoạch khai thác trở lại các đường bay với Trung Quốc. Hiện các đơn vị lữ hành du lịch miền Trung đã ghi nhận tín hiệu mới về khách Trung Quốc sẽ đến trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và dự kiến tăng dần sau đó.
Du khách Trung Quốc tại Khu du lịch Vinpearl Nha Trang thời điểm trước Covid-19
Du khách Trung Quốc tại Khu du lịch Vinpearl Nha Trang thời điểm trước Covid-19

Sẵn sàng “đón đầu” du khách Trung Quốc

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đồng thời là Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho hay, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách du lịch Trung Quốc trở lại. Động thái này không chỉ diễn ra sau khi Chính phủ Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1, mà cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung đã sẵn sàng từ 2 năm nay.

Ông Dũng cho biết thêm, từ sản phẩm điểm đến, nhân lực hướng dẫn, công tác quảng bá xúc tiến, ráp nối với đối tác Trung Quốc đều được các đơn vị lữ hành sẵn sàng. Tuy nhiên, phải đặt yêu cầu phòng chống Covid-19 lên trên hết, nên còn phải chờ chủ trương của Chính phủ, của địa phương và ngành y tế có thêm hướng dẫn gì không.

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, trước đại dịch Covid-19, có gần 155 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch với mức chi tiêu 255 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới. Riêng với Việt Nam, năm 2019, ngành du lịch đã đón tới 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Khoảng 200 đơn vị lữ hành của 3 miền Bắc, Trung, Nam đã hội ngộ tại TP. Móng Cái (Quảng Ninh) để bàn giải pháp “đón đầu” lượng khách Trung Quốc, sau khi quốc gia này mở các cửa khẩu (từ ngày 8/1). Sự kiện do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, khi xác định thị trường số 1 của du lịch Việt Nam là du khách Trung Quốc.

Trong 3 năm (2020-2022), Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero-covid”, cùng với đó là đóng cửa biên giới, nên du lịch Việt Nam và thế giới đã không đón được du khách Trung Quốc. Vì vậy, sau khi Chính phủ Trung Quốc mở cửa, hầu hết các quốc gia đều đưa ra những chính sách thu hút nhanh lượng khách quan trọng này.

Về giải pháp thu hút khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, đặc biệt là nguồn khách đến từ Trung Quốc, ông Cao Trí Dũng chia sẻ, ngày 9/1, ông đã tham dự Hội nghị  “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức. Các doanh nghiệp du lịch có chung đề xuất một số giải pháp phải triển khai thực hiện, đó là cơ quan quản lý cần sớm thông báo chính sách visa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, qua đó tạo môi trường du lịch lành mạnh, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.

“Tại Đà Nẵng, những năm qua, khách Trung Quốc chiếm vị trí thứ hai sau Hàn Quốc. Vì vậy, Đà Nẵng cần xem đây là nguồn khách tiềm năng, phải đầu tư thu hút dài hạn. Ngành du lịch rất hy vọng nguồn khách này phục hồi để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Dũng nói.

 

Nhận diện thị hiếu của du khách

Với lượng khách Trung Quốc có thể chưa quá nhiều đến Việt Nam, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống hay tàu thuyền du lịch ở các tỉnh miền Trung tự tin có thể đáp ứng tốt nhu cầu của họ.

Bà Lê Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho hay, nhiều hãng hàng không Việt Nam và quốc tế sẽ khai thác trở lại các đường bay với Trung Quốc. Tại Khánh Hoà, trong dịp Tết Nguyên đán (từ 18/1 đến 26/1) sẽ có 4 chuyến bay đến và 4 chuyến bay đi giữa Việt Nam - Trung Quốc và tăng dần theo nhu cầu đi lại của hành khách, cũng như căn cứ theo tình hình dịch bệnh.

Theo bà Hồng Minh, số khách dự kiến trung bình mỗi chuyến bay từ 150 đến 180 hành khách. Trong đó, Vietjet Air sẽ là hãng đầu tiên tổ chức các chuyến bay charter Trung Quốc về Cam Ranh. Kế hoạch của hãng này là sẽ có 9 chuyến bay đưa khách giữa các thành phố Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn từ 11/1 đến 31/1.

Về phía Hiệp hội Khách sạn Khánh Hòa, ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội thông tin, hiện địa phương này đang trống hơn 1.100 cơ sở lưu trú, rơi vào thế “khủng hoảng” thừa phòng khách sạn. Nhận tín hiệu mới từ nguồn khách Trung Quốc, ông Hoàng kỳ vọng sẽ lấp đầy 50% số phòng trống trong dịp Tết Nguyên đán này.

Nói về điểm tựa cho sự phục hồi du lịch năm 2023, ông Cao Trí Dũng khẳng định, Việt Nam có vị trí thuận lợi trong đi lại cả về đường bộ và hàng không để thu hút khách Trung Quốc. Đặc biệt, khu vực miền Trung với “đặc sản” vốn có về tài nguyên du lịch tự nhiên, biển, sinh thái, văn hóa, ẩm thực… phù hợp với du khách Trung Quốc. Chính vì thế, chúng ta cần nhận diện rõ thị hiếu của nguồn du khách này.

“Chúng ta phải loại dần hình thức du lịch giá rẻ mà lâu nay người ta hay gọi là tour du lịch không đồng. Đây chỉ là một cách bán hàng từ các doanh nghiệp. Cần phải thay đổi quan điểm của khách Trung Quốc cho rằng đi du lịch giá rẻ là đi Việt Nam”, ông Dũng lưu ý.

Thị trường du lịch miền Trung đang ghi nhận tín hiệu mới từ việc du khách Trung Quốc sẽ đến. Tuy nhiên, ghi nhận từ một số chuyên gia du lịch, hiện nay du khách Trung Quốc đã đến, nhưng chưa có sự đột phá. Có thể, sau 3 tháng kể từ thời điểm này mới bắt đầu có lượng lớn du khách Trung Quốc đến Việt Nam.

Gần 500 khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thông qua nước trung gian, TP.HCM lo ngại tiềm ẩn Covid-19
Gần 500 khách Trung Quốc trên nhập cảnh ngày 3/3, không thuộc diện phải cách ly theo quy định. Tuy nhiên Sở Y tế TP.HCM e ngại nguy cơ hành khách được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư