Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khẩn trương hoàn thiện thể chế, bảo đảm nguồn lực phát triển văn hóa
Nguyễn Lê - 31/03/2023 16:10
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộ làm việc - (Ảnh: Doãn Tấn). 

Theo Chủ tịch Quốc hội, xác định để phát triển văn hoá thì phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực, nhưng xét đến cùng, để có nguồn lực thì cũng phải từ thể chế.

Sáng 31/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL thường xuyên rà soát, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm cả những nhiệm vụ lập pháp mới có thể phát sinh.

“Tại Hội thảo Văn hoá năm 2022, chúng ta đã thống nhất đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện ngay nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Chúng ta xác định để phát triển văn hoá thì phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực, nhưng xét đến cùng, để có nguồn lực thì cũng phải từ thể chế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục khẩn trương nghiên cứu, rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành để đánh giá, đề xuất hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực văn hóa.

Trong đó, theo Chủ tịch Quốc hội cần phân chia thành 5 nhóm. Nhóm một là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hoặc thay thế các luật hiện hành có vướng mắc, khó khăn do đã được ban hành lâu, không còn phù hợp với tình hình thực tế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển hiện nay như Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hoá, Luật Báo chí...

Nhóm hai là, nghiên cứu, đề xuất ban hành một số luật mới, trong đó có những luật mà trước đây dự kiến ban hành pháp lệnh nhưng qua rà soát vừa qua cho thấy liên quan đến quyền, lợi ích của công dân nên phải được điều chỉnh bằng luật, như: luật về nghệ thuật biểu diễn, nếu tích cực trình sớm được trong nhiệm kỳ Khoá XV thì Quốc hội sẵn sàng bổ sung chương trình. Hay pháp luật về hoạt động văn học - lĩnh vực duy nhất thuộc phụ trách của Bộ chưa có pháp luật điều chỉnh, trước mắt nên nghiên cứu ban hành nghị định.

Nhóm ba là các vấn đề chưa được thể chế hóa, nhất là các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu, căn cứ lý luận, thực tiễn và đề xuất ban hành các luật, quy định chuyên ngành như: luật về mỹ thuật; luật về nhiếp ảnh; luật về trài trợ, hiến tặng, luật về tự do sáng tạo trong khoa học và văn hóa, văn học, nghệ thuật; luật về bản quyền tác giả, tách nội dung từ Luật Sở hữu trí tuệ... Bộ VHTTDL cần chủ động rà soát, tập trung đánh giá để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp; các đề tài nghiên cứu khoa học của bộ cũng cần tập trung ngay vào những lĩnh vực này để bảo đảm tính thiết thực.

Nhóm thứ tư là tiếp tục rà soát các nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực VHTTDL. Với những nội dung liên quan đến quyền công dân mà chưa có luật thì có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để ban hành các nghị định “không đầu” theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.

Nhóm thứ năm là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành VHTTDL, nhất là các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, khuyến khích sáng tạo... để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa.

“Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân, đối tượng thụ hưởng của VHTTDL chính là người dân. Do đó, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách này, có những chính sách có thể thực hiện thí điểm, sau đó tổng kết, đánh giá hiệu quả để phổ quát hoá thành chính sách chung”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề visa, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nếu chưa sửa đổi được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay trong Kỳ họp tới có thể đề xuất Quốc hội đưa vào nghị quyết để tháo gỡ, từ đó kích cầu du lịch.

“Các đồng chí cần chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cấp bách, đặc thù cần có cơ chế, giải pháp riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai các chương trình, dự án thành phần về văn hoá thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.

Đồng thời cần nỗ lực cao nhất để trình ban hành được Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá như đề xuất tại Hội thảo Văn hoá 2022. “Nếu trình được trong năm nay thì Quốc hội rất hoan nghênh, nếu chậm nhất thì cũng phải trong năm 2024. Ủy ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL nghiên cứu cụ thể hoá 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ ra tại Hội thảo Văn hoá năm 2022, xác định rõ Trung ương làm gì, địa phương làm gì để tập trung đầu tư ra tấm, ra món cho hiệu quả. Cơ quan của Quốc hội phát huy tinh thần làm việc từ sớm, từ xa, vào cuộc ngay từ đầu với Bộ không chờ đến khi trình”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trọng tâm trước mắt là trong năm nay sẽ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá để tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển văn hoá; đồng thời tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực phụ trách theo đúng tinh thần của Đảng ta xác định thể chế là khâu đột phá.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đó là cách nói giản dị, luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các Hội nghị Văn hóa toàn quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư