
-
Chi trả tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho người thừa kế của trái chủ đã chết
-
Lừa hàng ngàn nhà đầu tư góp hơn 409 tỷ đồng, trả lãi 50 - 70%/năm
-
Mức “ăn chia” của liên danh Thuận An tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2
-
Bộ Công an cảnh báo lừa đảo giả mạo công ty du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng
-
Tập đoàn Thuận An dễ dàng thâu tóm 2 gói thầu hơn 577 tỷ đồng tại Tuyên Quang -
Triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia tại Tam Giác Vàng
Bài 1: Tiếng “ting ting” và những giọt nước mắt
Khi chứng kiến 6 tấn tài liệu đại án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, đến tôi cũng không tin cơ quan chức năng có thể chi trả hơn 7.000 tỷ đồng cho hơn 40.000 trái chủ nhanh đến thế, lại trong bối cảnh bộn bề cuộc “sắp xếp lại giang sơn”. Nhưng tiếng “ting ting” đã báo tiền vào tài khoản những khổ chủ.
Mới một phần tiền, đã òa niềm vui
Ngày 23/6/2025, nhận thông tin Thi hành án dân sự TP.HCM (trước kia là Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, mới đổi tên gọi là Thi hành án dân sự TP.HCM trực thuộc Cục Quản lý thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp) thông báo dự kiến “sẽ chi trả tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn trước ngày 15/7/2025”, trái chủ H.T.Hoa (TP.HCM) cũng không tin sẽ đúng hạn đó, chứ chưa nói sớm hơn tới… bất ngờ.
“Tôi nhớ như in, sáng hôm đó, mới ngày 25/6, dù chưa đến ngày nhận lương, tài khoản tôi bỗng ‘ting ting’. Thấy lạ quá, mở vội ra xem thì thấy khoản tiền cùng dòng chữ ‘chi tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn…’. Thực sự, dù chỉ mới nhận lại đợt đầu là 24,8%, nhưng vui ‘rần rần’ cả mấy ngày luôn!”, trái chủ H.T.Hoa phấn khích nói với chúng tôi, bên ly cà phê đắng.
![]() |
Gần 3 năm trước, hàng trăm trái chủ Vạn Thịnh Phát đã tới Văn phòng Báo Đầu tư tại TP.HCM (nay là Báo Tài chính - Đầu tư) kêu cứu, giờ đã nhận lại được tiền |
Cách đây gần 3 năm, khi kêu cứu tới báo chí, bà Hoa từng uất nghẹn kể rằng, cả chục năm làm lụng, tiết kiệm được 200 triệu đồng, ra Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gửi thì bị dụ mua trái phiếu An Đông (Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Ngày 25/6/2025, Thi hành án dân sự TP.HCM đã thực hiện việc thanh toán tiền theo tỷ lệ 24,81% cho mỗi người được nhận trên số tiền được thi hành án theo các phụ lục của bản án. Tổng số tiền chi trả đợt 1 là 7.464.002.089.287 đồng, trong đó đã chi trả cho những người đã cung cấp đầy đủ thông tin: 7.022.051.153.569 đồng/40.271 người. Chưa chi trả số tiền 441.950.935.718 đồng/2.837 người do đã gửi thông tin nhưng sai số tài khoản ngân hàng, người được thi hành án chết hoặc chưa cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản về Thi hành án dân sự TP.HCM.
Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ thực hiện gửi tiết kiệm theo quy định, đồng thời có thông báo cho người được thi hành án và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục chi trả cho người được thi hành án và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Kể từ ngày 8/7/2025, hơn 43.000 đương sự trong vụ án Trương Mỹ Lan nhận thông báo về thi hành án thông qua VNeID.
Chỉ 1 ngày sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt (ngày 8/10/2022), bà liên tục yêu cầu nhân viên SCB hủy hợp đồng. Nhưng nhân viên SCB hồi đáp “sàn bị sập lỗi từ ngày 7/10/2022”, rồi sau đó đóng băng.
Gần 3 năm trời khắc khoải, bà đã vô vọng với suy nghĩ, sẽ mất trắng đồng tiền tích cóp sau cả chục năm trời làm lụng, chứ không nghĩ tài khoản lại… “ting ting”.
Không kìm nén niềm vui, ngay sáng 25/6, bà Hoa vội nhắn tin hỏi bạn bè, người thân cũng cảnh khốn đốn như mình. Tíu tít sau đó là những tin nhắn ập tới, đều không nén nổi vui sướng. Người cháu thì nhắn: “Trời ơi, sao dì hay vậy. Dì vừa hỏi cái, tài khoản ‘ting ting’, tiền vô liền”. Còn em gái phấn khích: “Sáng giờ thấy mọi người nhận được tiền mà em chưa thấy, vừa hồi hộp, vừa lo mình kê khai sai gì đó. Giờ vừa nhận được rồi, vui lắm chị ạ. Mong mọi người cũng nhận được như mình”.
Gần 3 năm, 2 giọt nước mắt trái ngược
Không chỉ người thân, bạn bè bà Hoa vui sướng “chát chít” cả nửa ngày, hàng loạt trái chủ từng kêu cứu tới phóng viên từ gần 3 năm trước cũng tíu tít gọi điện, nhắn tin đầy vui sướng.
“Nhớ mấy năm trước, chúng tôi kéo đi khắp nơi kêu cứu mà cảm thấy vô vọng, khó tin sẽ nhận lại được tiền. Nhớ cảnh chúng tôi kéo nhau tới gặp nhà báo giữa trời mưa, khóc tới uất nghẹn khi trình bày. Giờ, sau gần 1.000 ngày chờ tới vô vọng, lại nhận được tiền. Nhận lần 1, thì chắc chắn sẽ còn lần 2, lần 3. Cảm ơn tất cả đã củng cố niềm tin cho chúng tôi, để có ngày hôm nay”, trái chủ T.T.Nhàn nghẹn ngào nói.
Bà Nhàn có 36 năm làm trong ngành giáo dục, cũng có chút hiểu biết nhưng vì quá tin tưởng nhân viên SCB tư vấn nên mới bị dẫn dắt dính hơn 1 tỷ đồng trái phiếu.
Còn trái chủ N.T.P.Uyên thì chụp luôn màn hình điện thoại hình ảnh tài khoản của mình thể hiện đã nhận được tiền với dòng chữ “không thể vui hơn”: chi tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn...
“Em vừa nhận được tiền, 24,8%, mừng quá! Phần còn lại không biết khi nào được chi trả, nhưng mà đã tin tưởng rồi”, bà Uyên phấn khởi.
Gần 3 năm trước, sau khi cơ quan công an khởi tố bắt Trương Mỹ Lan, hàng trăm trái chủ đã “ùn ùn” kéo tới Văn phòng Báo Đầu tư tại TP.HCM kêu cứu, đông tới mức Công an TP.HCM phải chỉ đạo công an địa phương cử người tới để phòng ngừa các tình huống ảnh hưởng an ninh trật tự như đã xảy ra trước đó ở nhiều nơi.
Ngày hôm ấy, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu giọt nước mắt tức tưởi, thậm chí những bi kịch gia đình.
Như trái chủ N.T.B dù đã 56 tuổi vẫn òa khóc tức tưởi: “Giờ không có tiền, con bị nợ nần không thể trả. Bản thân tôi cũng bị bướu trong người, cần tiền chữa bệnh. Đau lắm, tối ngủ không được”.
Chi trả tiền cho các Bị hại vụ án Trịnh Văn Quyết
Theo ông Phạm Văn Dũng, Trưởng Thi hành án dân sự TP. Hà Nội, cơ quan này tiến hành hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư là bị hại của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bắt đầu từ ngày 15/7/2025.
Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, ông Quyết được giảm án từ 21 năm tù (án tổng hợp) xuống còn 7 năm tù và phạt tiền 4 tỷ đồng về tội thao túng thị trường chứng khoán. Ông Quyết và em gái còn phải liên đới bồi thường hơn 1.700 tỷ đồng cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS và truy nộp hơn 680 tỷ đồng từ hành vi thao túng chứng khoán. Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và gia đình đã khắc phục khoản tiền này.
Còn trái chủ V.T.Hà (53 tuổi, bị dụ mua 900 triệu đồng trái phiếu) uất nghẹn: “Không còn tiền mà đi sinh thiết theo yêu cầu bác sỹ, do hạch nổi đầy mặt, một bên mắt không nhìn rõ. Ăn còn không có tiền, thì làm sao có tiền mà chữa bệnh”.
Có người cựu chiến binh đã xơ xác mái đầu bạc, mất sạch tiền dưỡng già của cả hai vợ chồng vào trái phiếu, tới mức không còn tiền tiêu mà không dám nói với con.
Có trái chủ tên là M.Lương, người Việt gốc Hoa, tóc đã bạc trắng, khi nghe tin tôi tiếp các trái chủ, vội chạy tới, nhưng đã trễ. Không rành tiếng Việt, không biết mặt mũi và số điện thoại của tôi, ông bèn ngồi chờ 3 ngày liên tiếp dưới gốc cây trước cửa cơ quan tại TP.HCM, nhìn xem ai có dáng… nhà báo (đeo máy ảnh, mặc áo nhiều túi…) để mong manh hy vọng. Người đàn ông đó, nghe lời nhân viên SCB dụ, đã chuyển sạch gần 9 tỷ đồng tiền tích lũy của cả gia đình sang mua trái phiếu.
Hàng loạt trái chủ khác cũng vậy, từ bà giáo làng tới công chức, viên chức về hưu, mất sạch những đồng tiền tích cóp từ cả đời làm lụng vì bị dụ chuyển sang mua trái phiếu… khống.
Gần 3 năm trước, hầu hết họ dù đi kêu cứu khắp nơi, dù “cạn nước mắt, mòn gót chân”, nhưng đều mong manh hy vọng nhận lại tiền.
Còn giờ này, sau gần 1.000 ngày, tất cả những người khốn khổ từng khóc đó, đã bật khóc lần nữa với tôi, nhưng là giọt nước mắt vui sướng, tin tưởng “có lần 1 thì chắc chắn còn nhận tiếp lần 2, lần 3”.
Và cả nước mắt ân hận
Nhiều ngày sau khi cơ quan chức năng chi trả tiền Trương Mỹ Lan bồi hoàn đợt 1 cho hơn 40.000 khổ chủ, tôi cũng nhận được cả trăm cuộc gọi từ các trái chủ mà cách đây gần 3 năm từng đến kêu cứu.
Trong điện thoại, khổ chủ P.T.Hương cũng òa khóc, nhưng là hối hận: “Nhà báo ơi, tôi nghe lời khuyên trên mạng của người ta, không đi nộp hồ sơ như hướng dẫn, không nhận được tiền, giờ phải làm sao”?
Khổ chủ L.T.Hà thì sau khi căm phẫn kể từng nick trên group Facebook khuyên bà không đi nộp hồ sơ vì sẽ dính bẫy cơ quan chức năng, rồi ầng ậc nước mắt: “Giờ phải làm sao, cách làm hồ sơ thế nào, liệu gửi thì cơ quan thi hành án còn nhận không? Làm sao tôi lấy lại tiền, nhà báo ơi giúp tôi với”.
Không chỉ hai trái chủ trên, theo Thi hành án dân sự TP.HCM, lẽ ra ở lần chi trả đợt 1 ngày 25/6, 43.108 người trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm - giai đoạn II sẽ nhận được tiền bồi hoàn.
Tuy nhiên, chỉ có 40.271 người đã cung cấp đầy đủ thông tin nên được chi trả tổng cộng hơn 7.022 tỷ đồng (tỷ lệ 24,81% cho mỗi người được nhận trên số tiền được thi hành án theo các phụ lục của bản án). Còn tới 2.837 người chưa được chi trả do nhiều nguyên nhân như đã gửi thông tin, nhưng sai số tài khoản ngân hàng, hoặc người được thi hành án chết.
Trong số đó, có tới 2.573 người được thi hành án lại chưa cung cấp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản, nên Thi hành án dân sự TP.HCM không thể tiến hành chi trả, mà buộc phải gửi tiền vào ngân hàng.
Ngẫm lại cũng có phần bức xúc thay cho các cơ quan công an, tòa án, thi hành án đã “cật lực, còng lưng” đòi lại quyền lợi cho dân suốt nhiều năm qua. Nhưng cái gì cũng có căn nguyên của nó.

-
Khi công lý được thực thi, niềm tin… vỡ òa - Bài 1: Tiếng “ting ting” và những giọt nước mắt -
Tập đoàn Thuận An dễ dàng thâu tóm 2 gói thầu hơn 577 tỷ đồng tại Tuyên Quang -
Triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia tại Tam Giác Vàng -
TP.HCM chấn chỉnh công tác quản lý, vận hành, phòng cháy chữa cháy chung cư -
Sau cựu Cục trưởng, nhiều cán bộ Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế bị khởi tố -
Truy tố cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà -
Phát hiện hơn 13 tấn chân gà ngâm hóa chất tại Thanh Hóa
-
Tập đoàn TH tiếp tục thực thi ESG: Bền vững là con đường, không phải đích đến
-
“Độc lạ” cách bán hàng tại khu đô thị phía Tây TP.HCM: Khuyến khích khách mua ở thực
-
Shinec - Diệu Thái ký kết hợp tác chiến lược 500 triệu USD: Định hình hành lang kinh tế xuyên biên giới Việt - Trung
-
AstraZeneca Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại lễ trao giải Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2025
-
SeABank được hai tổ chức quốc tế vinh danh, khẳng định hiệu quả quản trị, kinh doanh và đổi mới công nghệ
-
IPC E&C - Tiên phong phát triển năng lượng tái tạo hướng tới mục tiêu Net Zero 2050