Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khi niềm tin kinh doanh luôn có bóng dáng báo chí
Khánh An - 21/06/2022 07:44
 
Khi doanh nghiệp e ngại, tâm tư, báo chí luôn sát cánh, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp. Khi doanh nghiệp thành công, báo chí là người nhân rộng điển hình tốt. Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp chưa bao giờ thiếu vắng vai trò đồng hành của báo chí.
Báo chí luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp Ảnh: Đức Thanh

1.

Cuối tuần trước, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhắn với nhóm phóng viên.

“Gửi anh chị các ý kiến góp ý của Cảng vụ TP.HCM, Cục Đường thủy nội địa với Nghị quyết của HĐND TP.HCM liên quan đến phí hạ tầng cảng biển. Kết quả sắp hiện hữu rồi! Cám ơn các anh chị đã kiên nhẫn cùng doanh nghiệp”, bà Thủy vui mừng.

“Nhờ” Covid-19, TP.HCM mới bắt đầu triển khai thu phí hạ tầng từ tháng 4/2022, nhưng Ban IV, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cả nhóm phóng viên theo dõi mảng thông tin về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh đã đeo đuổi vấn đề này suốt 2 năm qua, kể từ khi TP.HCM quyết định thu loại phí này theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Các cuộc làm việc nhiều bên được tổ chức liên tục, chủ yếu là trực tuyến do dịch bệnh; các văn bản, kiến nghị được gửi tới nhiều cơ quan, nhiều cấp để kiến nghị thay đổi mức thu, đối tượng thu do không phù hợp với nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Báo chí cũng nóng dần khi các cuộc tranh luận tưởng như không có hồi kết giữa các bên liên quan. Báo Đầu tư còn có dòng tít “Doanh nghiệp mong được đối thoại”, khi ý kiến, kiến nghị doanh nghiệp gửi đi suốt 2 năm gần như không nhận được phản hồi.

Còn nhớ, hôm Phó thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc làm việc về phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban IV, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và UBND TP.HCM, nhóm phóng viên theo dõi và nhiều doanh nghiệp không được tham dự cảm thấy hụt hẫng khi tin báo ra là “đợi Văn phòng Chính phủ ra thông báo”.

Cũng chính bởi vậy, khi Thông báo số 769/TB-VPCP ngày 8/6/2022 truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái với nhiều lưu ý TP.HCM rà soát việc thu phí hạ tầng theo kiến nghị của các bộ, ngành và doanh nghiệp, thì không chỉ doanh nghiệp, mà cả các phóng viên theo dõi đã thở phào.

Cho đến giờ, các thông tin về phí hạ tầng cảng biển vẫn tiếp tục được cập nhật, với điểm rất khác so với 2 năm trước, đó là các văn bản đề xuất phương án thay đổi từ phía chính quyền TP.HCM và sự hào hứng của doanh nghiệp trong các đề xuất, khuyến nghị chính sách.

2.

Sau 2 năm dịch bệnh bó tay, bó chân doanh nghiệp, giới đầu tư - kinh doanh đang hối hả với các kế hoạch trở lại, phục hồi và cả những kế hoạch tái cơ cấu, tìm kiếm chiến lược phát triển trong bối cảnh nhiều bất ổn, thách thức khó dự báo. Nhiều người nói, doanh nghiệp đang ở thế nhanh một ngày có thể thắng, mà chậm một giờ đã có thể bại.

Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp cảm thấy bất an trước những chậm trễ, ngần ngừ trong quyết định của các cơ quan hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước; trước cả những vấp ngã của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân.

Trong cuộc hội thảo về mua sắm công, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, có doanh nghiệp đã than phiền về sự đình trệ. “Nhiều người vẫn nói, cứ làm đúng tâm, đúng trách nhiệm, đúng đạo đức là được, nhưng không thể, vì cơ quan kiểm tra, thanh tra căn cứ vào các quy định pháp luật để xử lý. Nhưng quy định lại không phải lúc nào cũng được hiểu như nhau giữa các bên, nếu tính đúng - sai thì doanh nghiệp luôn ở thế yếu”, lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.

Khi tham gia tư vấn xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức doanh nhân, tôi đề nghị cần xác định những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể, không quá cao để doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được. Tôi kỳ vọng, báo chí sẽ đi cùng, hỗ trợ những doanh nghiệp chọn đạo đức kinh doanh, chọn làm ăn theo các chuẩn mực tốt nhất. Thay đổi cần từ những việc làm cụ thể, suy nghĩ thiết thực và được nhân rộng.

- Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI

Chính vậy mới có chuyện, suốt thời gian qua, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế chậm trễ, vì không ai dám làm, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, dẫn đến khả năng thiếu thuốc, vật tư, trong khi nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế muốn tham gia với cam kết có mức giá thấp hơn, nhưng không được. Mặc dù trong Luật Đấu thầu có một điều quy định về các hình thức đấu thầu khác, hình thức đấu thầu đặc biệt, chưa có trong quy định, nhưng không cơ quan nào dám vận dụng, vì sợ.

Đó là chưa kể khá nhiều khúc mắc trong hoạt động đấu thầu mà doanh nghiệp là bên bị thiệt hại, nhưng không dám khiếu nại, khiếu kiện.

“Các doanh nghiệp lo ngại chi phí, thủ tục tốn kém, phức tạp, nhưng sâu xa hơn, họ lo ngại những bất công có thể phải gánh sau đó, chưa tin vào cách giải quyết của chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan quản lý. Chính lúc này, chúng tôi rất cần sự tham gia của báo chí”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI thẳng thắn.

Với VCCI, các hoạt động tìm kiếm giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh chưa bao giờ thiếu vắng sự tham gia của báo chí. Nhiều khi doanh nghiệp “ngại” xuất hiện, thì báo chí trở thành đại diện, nêu ra những tâm tư khó giãi bày của doanh nghiệp tới các cơ quan có trách nhiệm.

“Nhiều lúc tôi thán phục, nhiều vấn đề của doanh nghiệp thực sự khó khăn, cứng nhắc, dễ đụng chạm tới các bộ, ngành, nhưng báo chí vẫn kiên trì theo đuổi đầy trách nhiệm, đầy nhiệt huyết, nhờ vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng được cải thiện tích cực, doanh nghiệp nhờ vậy thêm nhiều động lực”, ông Tuấn chia sẻ.

Thậm chí, trong nhiều cuộc làm việc của VCCI, ông Tuấn cho biết, báo chí là một đại diện chính thức tham gia có ý kiến, chứ không chỉ là cơ quan đưa tin, phản ánh sự việc. Ngay trong điều tra, nghiên cứu về đấu thầu mua sắm công mà VCCI thực hiện vào năm ngoái, vừa công bố tuần trước, với nhiều thực tế đầy khó khăn từ phía doanh nghiệp, để có đề xuất, khuyến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật, thúc đẩy thực thi, các cơ quan báo chí cũng là một kênh được khảo sát.

3.

Đã rất lâu, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI mới xuất hiện, nhưng vẫn ở địa hạt làm nên thương hiệu của bà, đó là môi trường kinh doanh, đạo đức doanh nhân. Bà nói, bà cảm thấy sốt ruột vì nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, nhưng mục tiêu doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn, chủ động hơn, ở các nấc thang vào các chuỗi giá trị toàn cầu vẫn rất bấp bênh.

Theo bà Lan, Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các yêu cầu, đỏi hỏi chuẩn mực cao nhất của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, khi môi trường kinh doanh toàn cầu đang thay đổi với những cơ hội rất mới dành cho sự sáng tạo, cho tính nhân văn, cho tư duy kinh doanh xanh, sạch, bền vững, thì doanh nghiệp cũng phải thay đổi, thích ứng.

“Đây là thời điểm văn hóa kinh doanh là vấn đề quan trọng. Để lan tỏa, trước hết bắt đầu từ doanh nhân, từ đạo đức của người kinh doanh. Nhưng vai trò, tiếng nói của các hiệp hội doanh nghiệp, của báo chí vô cùng quan trọng”, bà Chi Lan chia sẻ.

Lâu nay, tư duy “thể chế nào, doanh nhân đó” thường được dùng để lý giải cho xu hướng, tư duy làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đúng là, nếu thể chế minh bạch, công khai, thực thi chuẩn mực, thì người kinh doanh rất hiếm cơ hội làm sai, làm trái. Nhưng theo bà Chi Lan, dù thể chế chi phối rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, nếu thể chế không rõ ràng, thiếu minh bạch, doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ bị thua thiệt hơn, nhưng không thể mãi là lý do cho tư duy làm ăn chụp giật, cơ hội được.

“Không thể chờ đợi khi nào có một môi trường kinh doanh thực sự chuẩn mực, thì doanh nghiệp mới làm ăn chuẩn mực”, bà Chi Lan thẳng thắn khi nhắc đến danh sách những doanh nghiệp không được tham gia các gói thầu của Ngân hàng Thế giới, hay những doanh nghiệp bị đối tác từ chối đơn hàng do không tuân thủ quy định với người lao động, quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, việc nhiều doanh nghiệp không chọn chuẩn mực kinh doanh đã ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội, của thị trường dành cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Hệ quả nhãn tiền là những đánh giá, ngần ngại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư sau sai phạm của Tân Hoàng Minh, của đội ngũ lãnh đạo FLC...

Rõ ràng, thời thế đang đặt doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vào thế phải lựa chọn, nếu doanh nghiệp thực sự muốn làm ăn lớn, muốn đi xa, thì phải chọn chuẩn mực, chọn đạo đức kinh doanh, dù có thể thua thiệt, đi chậm hơn.

“Khi tham gia tư vấn xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức doanh nhân, tôi đề nghị cần xác định những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể, không quá cao để doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được. Tôi kỳ vọng, báo chí sẽ đi cùng, hỗ trợ những doanh nghiệp chọn đạo đức kinh doanh, chọn làm ăn theo các chuẩn mực tốt nhất. Thay đổi cần từ những việc làm cụ thể, suy nghĩ thiết thực và được nhân rộng”, bà Chi Lan đặt vấn đề.

Đáng nói là, khi doanh nhân chọn đạo đức kinh doanh, thì chính họ sẽ tác động trở lại với các đối tác, với cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách và cả xã hội trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống pháp luật.

Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp và niềm tin của xã hội vào giới kinh doanh đang được nhân lên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư