Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khi tổ chức tội phạm Trương Mỹ Lan “tung hoành” - Bài 4: Chạy dòng tiền khống, mở khóa cho tiền thật “vượt biên”
Ngô Nguyên - 17/06/2024 08:37
 
Những thủ đoạn phù phép tinh vi biến tiền ảo thành tiền thật của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dưới sự điều hành của nhạc trưởng Trương Mỹ Lan.
Thao túng SCB, chi phối công ty chứng khoán, bắt tay công ty kiểm toán, lập 1.470 công ty trong và ngoài nước với hơn 1.800 cá nhân đứng tên để “phân vai”, Trương Mỹ Lan đã hình thành một “dây chuyền” lừa đảo trái phiếu khép kín. Sau chiếm đoạt tiền, tổ chức tội phạm này còn dùng nhiều độc chiêu rửa tiền với con số khủng khiếp lên tới hơn 445.000 tỷ đồng, vận chuyển hơn 106.000 tỷ đồng qua biên giới.

Bài 4: Chạy dòng tiền khống, mở khóa cho tiền thật “vượt biên”

Khi có giao dịch khống, nhân viên SCB sẽ nhận được mật lệnh “trực chứng từ”, thực hiện giao dịch cho “bà trùm” sau giờ hành chính. Người được thuê tới ký không phải nộp hay rút tiền mặt. SCB biến tiền ảo thành thật bằng cách hạch toán trên hệ thống để đảm bảo tổng giá trị nộp tiền bằng tổng giá trị rút tiền trong ngày để cân đối sổ quỹ cuối ngày.

SCB có thể ngăn chặn…

Để làm rõ hành vi của SCB, cần làm rõ quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 4 công ty chưa phải là công ty đại chúng, gồm An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra.

Pháp luật quy định, loại hình trái phiếu này phải bán sơ cấp cho dưới 100 nhà đầu tư. Đích đến bắt buộc của dòng tiền sơ cấp này là mục đích của việc phát hành trái phiếu (đầu tư dự án, tăng vốn… của công ty phát hành).

Sau đó, trái chủ sơ cấp sẽ bán lẻ cho nhà đầu tư thứ cấp để “ăn” chênh lệch. Tức là, dòng tiền của trái chủ thứ cấp sẽ trở về với trái chủ sơ cấp.

Tuy nhiên, 4 công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) đều không có nhu cầu vốn để phát hành trái phiếu, mà chỉ làm theo lệnh của Trương Mỹ Lan. Hàng loạt công ty thuộc nhóm trái chủ sơ cấp cũng không có nhu cầu, mà chỉ mua/bán giả để hợp thức hóa điều kiện về bán sơ cấp, rồi chuyển cho TVSI và SCB bán, thu tiền thật từ trái chủ thứ cấp.

Dòng tiền mua - bán trái phiếu sơ cấp, thứ cấp của “băng nhóm” trên đều thông qua tài khoản tại SCB. Vì vậy, nếu cá nhân hay đại diện công ty tới ký khống, không nộp/rút tiền thật, thì với nghiệp vụ và luật chuyên ngành, ngân hàng hoàn toàn có thể ngăn chặn.

Hàng loạt bị cáo đã bị truy tố, xét xử ở giai đoạn I của “đại án” Vạn Thịnh Phát tiếp tục bị đề nghị truy tố thêm tội ở giai đoạn II. Trong ảnh: Một phiên xét xử sơ thẩm “đại án” Vạn Thịnh Phát
Hàng loạt bị cáo đã bị truy tố, xét xử ở giai đoạn I của “đại án” Vạn Thịnh Phát tiếp tục bị đề nghị truy tố thêm tội ở giai đoạn II. Trong ảnh: Một phiên xét xử sơ thẩm “đại án” Vạn Thịnh Phát.

Nhưng lại “phù phép” tiền ảo thành thật

Tuy không giữ “ghế” tại SCB, nhưng “bà trùm” Trương Mỹ Lan lại có quyền lực khuynh đảo ngân hàng này. “Tay chân” thân cận của Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc SCB nhiều thời kỳ đã lệnh cho nhân viên bất chấp tất cả để biến tiền ảo thành… thật.

Quy trình là, sau khi 4 công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) hoàn tất hồ sơ phát hành trái phiếu và cùng nhóm trái chủ sơ cấp “ảo”, nhóm đối tác giả ký khống hợp đồng mua/bán trái phiếu, hợp tác đầu tư... để hợp thức hóa mục đích phát hành, “tay chân” của bà Trương Mỹ Lan tại Vạn Thịnh Phát cũng chuẩn bị xong các công ty, cá nhân rút/nộp tiền khống và cung cấp cho SCB. 

Cùng lúc, lãnh đạo SCB (như Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng...), tùy từng trái phiếu, sẽ lập các nhóm (group) để trao đổi trên Telegram cho 3 chi nhánh của SCB (Chi nhánh Sài Gòn, Chi nhánh Cống Quỳnh, Chi nhánh Bến Thành).

Theo C03, có 45 cá nhân là nhân viên, giao dịch viên, kiểm soát viên tại SCB Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Bến Thành hạch toán, ký các chứng từ đi lệnh dòng tiền khống. Tuy nhiên, C03 cho rằng, họ không được biết chủ trương phát hành trái phiếu và mục đích của các chứng từ khống, chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo, bị lệ thuộc và không được hưởng lợi, lại thành khẩn khai báo, nên không cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự, mà kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và hành chính.

Tương tự, có 180 cá nhân đứng tên giám đốc các công ty và 115 cá nhân được thuê ký khống chứng từ nộp/rút tiền, đều là người được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê, trả tiền, không biết và không có mối quan hệ gì về kinh tế với các công ty nhận tiền/chuyển tiền. Những cá nhân trên là người làm công, bị lệ thuộc, nên C03 cho rằng, không cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự, mà kiến nghị xử lý hành chính.

Trong các nhóm đều có người của Vạn Thịnh Phát, công ty liên quan được bà Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ cùng đại diện lãnh đạo SCB tại 3 chi nhánh. Trong ngày cần chạy dòng tiền, Nguyễn Phương Anh thông báo trên nhóm và lãnh đạo SCB phản hồi để lãnh đạo các chi nhánh chỉ đạo nhân viên tiến hành.

Thực hiện việc hợp thức hóa trái chủ sơ cấp, dòng tiền vào - ra, Nguyễn Phương Hồng đã cho lập sẵn các bảng excel thể hiện thông tin các giao dịch nộp/rút/chuyển tiền giữa các cá nhân, doanh nghiệp trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, rồi chuyển cho nhân viên SCB thực hiện các giao dịch.

Bộ chứng từ nộp/rút tiền mặt được soạn sẵn với đầy đủ chữ ký của khách hàng, kiểm soát viên, người lập phiếu, nhưng không điền số tiền, mà để bộ phận ngân quỹ của SCB tự điền thông tin về mệnh giá tiền và số lượng để đủ với tổng số tiền nộp/rút theo chứng từ.

Tại ngày có phát sinh giao dịch khống, nhân viên SCB nhận được mật lệnh “trực chứng từ”, tức là phải thực hiện các giao dịch cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sau giờ hành chính (từ sau 18 giờ đến 22 giờ). Theo đó, bộ phận “đi lệnh” của SCB thực hiện lệnh giao dịch tiền trên hệ thống, tiếp theo sẽ có bộ phận khác đối chiếu tồn quỹ cuối ngày để đảm bảo việc cân đối sổ quỹ cuối ngày.

Khi đi giao dịch khống, người của Vạn Thịnh Phát mang các chứng từ tương ứng đến và cũng gọi các cá nhân được thuê tới các chi nhánh SCB để ký.

Nói là ký nộp/rút tiền, nhưng người được thuê chỉ cần ký, không cần đem tiền tới hoặc đem về, cũng không cần xuất trình giấy tờ tùy thân… Nếu ai không đến kịp vào ngày giao dịch, thì lãnh đạo SCB sẽ cho hạch toán trên hệ thống giao dịch ngân hàng và để người đó ký hoàn thiện chứng từ vào hôm sau.

Thậm chí, với các lần hạch toán trên hệ thống cho các khách hàng Wholesale, thì đại diện pháp luật công ty trong “băng nhóm” hầu như không phải đến chi nhánh của SCB để xuất trình giấy tờ, ký chứng từ, cũng không cần có tiền mặt thực tế để nộp/rút, nhưng các giao dịch nộp, rút, chuyển tiền vẫn được hoàn thiện trên hệ thống, chỉ cần đảm bảo tổng giá trị nộp tiền bằng tổng giá trị rút tiền trong ngày để cân đối sổ quỹ tiền mặt tại chi nhánh.

Bản chất của việc SCB thực hiện các giao dịch khống như vậy là nhằm tạo lập dòng tiền cho các công ty mua trái phiếu sơ cấp, vốn không có đủ khả năng thanh toán mua/bán trái phiếu ảo, hợp pháp hóa tư cách trái chủ sơ cấp, sau đó thông qua TVSI, SCB để bán, thu “tiền tươi, thóc thật” từ các nhà đầu tư thứ cấp, tức các trái chủ đang khốn đốn hiện nay.

Khi tiền thật đã về SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo một số chi nhánh của SCB thực hiện dưới 2 hình thức: rút tiền mặt trực tiếp tại SCB, hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty “ma”, các cá nhân được chỉ định. Cuối cùng, tiền vòng trở về “bà trùm”.

Giai đoạn từ năm 2018 đến cuối năm 2019, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng, các giao dịch nộp/rút tiền mặt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dao động khoảng 100 - 300 tỷ đồng/ngày, nhiều khoản giao dịch có chứng từ được hoàn thiện sau, chậm 5 - 7 ngày. Nguyễn Phương Hồng giải thích với nhân viên rằng, việc làm này là để xử lý nguồn nội bộ cho “sếp lớn”, tức Trương Mỹ Lan.

Giúp tiền thật “vượt biên”

Như đã nêu ở bài trước, “băng nhóm” Trương Mỹ Lan còn chuyển tiền trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD.

Để làm được điều này, “bà trùm” giao Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Acumen, được giao theo dõi, quản lý việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về của 7 công ty) phối hợp với Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư được Trương Mỹ Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) và lãnh đạo SCB (Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Bùi Anh Dũng, Cheng Yi Chung...) lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn; vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.

Việc chuyển tiền, nhận tiền đều phải thực hiện tại 3 chi nhánh của SCB là Sài Gòn, Cống Quỳnh và Bến Thành.

Đáng nói, các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài thiếu hàng loạt hồ sơ quan trọng như văn bản xác nhận của công ty tại Việt Nam về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chứng nhận hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần giữa công ty tại Việt Nam và công ty nước ngoài.

Theo luật chuyên ngành, nếu thiếu các chứng từ trên, thì không đủ điều kiện cho phép chuyển tiền, nhưng lãnh đạo SCB vẫn phê duyệt “ngoại lệ” cho thực hiện.

Thậm chí, hồ sơ chuyển tiền về nước còn thiếu cả thông tin mục đích chuyển, bị hệ thống của SCB tự động khóa, nhưng Trương Khánh Hoàng, Tổng giám đốc SCB vẫn duyệt giao dịch và mở khóa cho tiền “chảy” vào.       

(Còn tiếp)

Khi tổ chức tội phạm Trương Mỹ Lan “tung hoành” - Bài 2: Bữa cơm trưa “định mệnh” đưa 35.000 trái chủ vào thảm cảnh
Thảm cảnh của hơn 35.000 trái chủ 25 gói trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát hôm nay bắt đầu từ bữa cơm trưa hồi tháng 8/2018. “Bà trùm” cùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư