
-
Vietbank DigiBiz - Giải bài toán số hóa tài chính cho doanh nghiệp: Nền tảng dễ dùng, triển khai nhanh
-
Phát hành trái phiếu tháng 6/2025 cao kỷ lục, ngân hàng chiếm 80% lượng phát hành
-
Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhiệt, nhiều ngân hàng bán ra 26.370 VND/USD
-
ABBANK tạm dừng giao dịch điện tử với doanh nghiệp chưa định danh sinh trắc học -
Tín dụng đang tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng và dịch vụ
Tín dụng đang tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng và dịch vụ
Tín dụng toàn nền kinh tế tăng mạnh, tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng và dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
![]() |
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà |
Tham dự cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, một phóng viên dẫn số liệu thống kê của ngân hàng Nhà nước Việt Nam rằng, tính đến cuối tháng 5/2025, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 6,52%, với dư nợ tăng kỷ lục hơn 1 triệu tỷ đồng, lên trên 16,6 triệu tỷ đồng.
Từ số liệu đó, phóng viên đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết dòng vốn tín dụng này tập trung vào những lĩnh vực nào và tỷ trọng ra sao?
Giải đáp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng.
Về mặt lãi suất, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy tín dụng. Các ngân hàng thương mại cũng tích cực giữ ổn định lãi suất huy động, giúp giảm chi phí vốn và hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới hiện ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế. Tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ năm 2024, tín dụng tăng 18,87%, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 đến nay.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với nhu cầu nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp. Một số ngành chính gồm: nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; xây dựng chiếm 7,53% (bao gồm các Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được Chính phủ ưu tiên). Các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn khoảng 23,74%.
Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn chiếm 23,16%; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất cao, lần lượt 15,69% và 17,59%, gần gấp đôi tốc độ chung.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như tín dụng lĩnh vực lâm thủy sản tăng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng được triển khai tích cực.
Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, cho vay người trẻ dưới 35 tuổi thuê hoặc mua nhà ở xã hội, và chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng số cũng được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.
Đó là kết quả tín dụng 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Cân bằng bài toán tỷ giá và lãi suất
Để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng tiết kiệm chi phí, song cũng cần cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.
![]() |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 19/6, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế mở và nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát thực tiễn, sử dụng công cụ phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và giữ vững thị trường tiền tệ - ngoại hối.
Theo giới phân tích tài chính, động thái phát hành tín phiếu trở lại gần đây của Ngân hàng Nhà nước là một trong những biện pháp điều hành linh hoạt nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, góp phần ổn định thị trường ngoại hối trong ngắn hạn. Việc phát hành tín phiếu không chỉ giúp hút tiền tạm thời khỏi thị trường, mà còn phát đi tín hiệu về sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trước biến động vĩ mô.
Việc mở lại kênh phát hành tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh tỷ giá VND/USD ở mức cao. Cụ thể, trong phiên 24/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết lên mức 25.058 VND/USD - là mức cao nhất kể từ năm 2016. Đến ngày 25/6 và sang ngày 26/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm còn 25.053 VND/USD.
Để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng tiết kiệm chi phí. PGS-TS. Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Song về dài hạn, lãi suất sẽ theo cung - cầu vốn của thị trường.
Theo PGS-TS. Sơn, cần cân bằng bài toán lãi suất và tỷ giá, nhất là khi lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại. Dù chỉ số đánh giá sức khỏe USD hiện duy trì dưới ngưỡng 100 điểm, song áp lực tỷ giá trong nửa cuối năm vẫn là vấn đề được thị trường quan tâm. Chỉ số USD-Index đã giảm hơn 10% so với đầu năm, chỉ còn 97,5 điểm tính đến ngày 26/6, trong khi tỷ giá USD/VND đã tăng 2,7%.
Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Công ty chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho hay, lạm phát, tỷ giá tăng gây khó khăn cho việc duy trì môi trường lãi suất thấp. Tỷ giá hiện chịu nhiều sức ép khi giá USD trong nước tăng, bất chấp USD Index giảm hơn 10% từ đầu năm đến nay. Áp lực tỷ giá chủ yếu đến từ nhu cầu USD tăng mạnh mang tính mùa vụ cuối năm (thường rơi vào quý III và IV hàng năm).
Trước thời điểm các chính sách thuế quan mới dự kiến có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự gia tăng đột biến. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 14%, trong khi nhập khẩu tăng tới 17%, khiến cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu. Diễn biến này dẫn đến nhu cầu tích trữ USD tăng vọt từ phía doanh nghiệp, góp phần lý giải việc tỷ giá trong nước diễn biến ngược chiều thế giới.
Thêm vào đó, Mỹ đã tham chiến ở Iran làm dấy lên nhiều lo ngại về xung đột Israel - Iran đẩy giá dầu tăng mạnh, khiến lạm phát leo thang. Chỉ số CPI trong 5 tháng đầu năm vẫn được kiểm soát ở mức thấp chủ yếu nhờ giá dầu giảm. Vì thế, nếu tỷ giá và lạm phát tăng mạnh, sẽ gây khó khăn cho việc duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, môi trường lãi suất thấp như hiện nay.
Giới phân tích cho rằng, với áp lực tỷ giá nếu Fed không tăng lãi suất, Việt Nam cũng gặp khó khăn trong nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất điều hành sẽ được nhà điều hành ngân hàng giữ mức 4% hiện nay.
UOB dự báo, VND sẽ tiếp tục dao động ở vùng giá yếu trong biên độ giao dịch với USD đến hết quý III/2025. Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, VND có thể bắt đầu lấy lại đà phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á khi bất ổn thương mại dần lắng dịu. Tỷ giá VND/USD sẽ ở mức 26.300 VND/USD trong quý III/2025, 26.100 VND/USD trong quý IV/2025, 25.900 VND/USD trong quý I/2026 và 25.700 VND/USD trong quý II/2026.
Ưu đãi lãi suất cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà xã hội
Loạt mức lãi suất ưu đãi sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/7 đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội và người mua nhà, chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng chung cư cũ.
Theo văn bản do ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố, NHNN thông báo mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội cho giai đoạn từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2025 và lãi suất cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
![]() |
Cụ thể, lãi suất cho vay thấp hơn 2%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank trong 5 năm đầu vay vốn (kể từ ngày giải ngân đầu tiên). Trong đó, lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2025 là 5,9%/năm. Trong 10 năm vay vốn tiếp theo, lãi suất cho vay thấp hơn 1%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của 4 ngân hàng trên.
Cùng đó, NHNN cũng công bố lãi suất cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay đối với khách hàng đầu tư Dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cho giai đoạn từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2025 tiếp tục giảm 0,2%/năm so với lần công bố trước. Lãi suất cho vay đối với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án là 5,9%/năm. Lãi suất cho vay đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án là 6,4%/năm.
Kể từ khi chương trình được triển khai, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần. Tại kỳ đầu tiên, mức lãi cho vay mua nhà và chủ đầu tư dự lần lượt 8,2% và 8,7%. Áp dụng tháng 4/2023, gói tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân theo Nghị quyết 33/NQ-CP ban đầu có quy mô 120.000 tỷ đồng. Đến nay, với 9 ngân hàng thương mại tham gia gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, HDBank, VPBank, Techcombank, TPBank và MB, chương trình nâng tổng hạn mức 145.000 tỷ đồng.
Kỳ thông báo tháng 7/2025 này là lần đầu tiên công bố lãi suất cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội. Đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN và các ngân hàng thương mại nghiên cứu có gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người không quá 35 tuổi.
Vào tháng 6/2025, NHNN đã có công văn số 4290/NHNN-TD triển khai đến 9 ngân hàng để triển khai chương trình cho người trẻ dưới 35 tuổi vay để mua nhà ở xã hội. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2025, định kỳ 6 tháng, NHNN sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.
Nhu cầu “trú ẩn” giảm, giá vàng chịu áp lực lớn
Tâm lý ưa rủi ro của nhà đầu tư được củng cố sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại, tín hiệu kinh tế tích cực cùng với triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tạo áp lực lớn lên giá vàng.
Trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 6, giá vàng trên thị trường thế giới tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi USD suy yếu (chỉ số Dollar Index giảm 0,23%, xuống 97,74).
Trước đó, ngày 28/6, giá vàng giảm gần 2%, chạm mức 3.272 USD/ounce, giảm hơn 50 USD so với mức mở cửa phiên. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 trên sàn Comex giảm 1,9%, đóng cửa ở mức 3.285 USD/ounce. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5/2025. Sự sụt giảm này trái ngược với xu hướng tăng mạnh trong khoảng thời gian trước, khi giá vàng từng đạt đỉnh lịch sử 3.500,05 USD/ounce vào tháng 4/2025, nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường đã thay đổi nhanh chóng sau các diễn biến tích cực gần đây, đặc biệt là thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đạt được vào ngày 27/6, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Việc giảm nhu cầu trú ẩn an toàn, kết hợp với tâm lý ưa rủi ro sau thỏa thuận Mỹ - Trung, sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá vàng trong vài tuần tới.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp cận nguồn cung đất hiếm và nam châm từ Trung Quốc, góp phần làm dịu căng thẳng thương mại và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán như S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 1,2% và 1,5% trong phiên 27/6. Điều này khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản rủi ro cao hơn như cổ phiếu, làm giảm nhu cầu đối với vàng - một tài sản trú ẩn an toàn truyền thống.
Đến nay, thị trường vàng tiếp tục chịu áp lực khi tâm lý ưa rủi ro được củng cố bởi các tín hiệu kinh tế tích cực và triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed. Giá vàng tăng nhẹ lên 3.274 USD/ounce vào cuối phiên ngày 30/6. Tuy nhiên, The Economic Times ghi nhận, vàng vẫn ở mức thấp nhất trong một tháng, do nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế Mỹ, bao gồm báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) và Chỉ số Niềm tin tiêu dùng.
Khối lượng giao dịch vàng kỳ hạn trên sàn Comex giảm thêm 5% vào ngày 30/6 so với tuần trước, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư. Trong khi đó, dòng vốn chảy ra khỏi quỹ ETF vàng SPDR Gold Shares tăng nhẹ, với mức rút ròng 0,4% trong tuần kết thúc ngày 30/6.
Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giá vàng dài hạn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua thêm 2 tấn vàng trong tháng 5/2025, nâng tổng dự trữ lên 2.297 tấn - mức cao kỷ lục. Động thái này phản ánh chiến lược giảm phụ thuộc vào USD của Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, các quỹ ETF vàng toàn cầu ghi nhận dòng vốn chậm lại. SPDR Gold Shares chỉ tăng nhẹ 0,3% lượng nắm giữ trong tuần qua. Vàng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu vật chất ổn định từ Ấn Độ và Trung Quốc. Doanh số bán lẻ vàng tại Ấn Độ tăng 3% trong tuần qua do giá điều chỉnh giảm. Các nhà phân tích từ EBC Financial Group dự báo, nếu PMI của Mỹ cho thấy tăng trưởng chậm lại, vàng có thể phục hồi về mức 3.300 USD/ounce. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Theo Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5, lạm phát lõi tăng 0,2% so với tháng trước, cao hơn dự báo (0,1%). Mức lạm phát hàng năm đạt 2,7%, củng cố khả năng Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức 4,25 - 4,5% trong thời gian tới, thay vì cắt giảm vào tháng 9/2025 như kỳ vọng trước đó.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 27/6, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell nhấn mạnh, Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục theo dõi lạm phát chặt chẽ. Lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, gây áp lực giảm giá mạnh. Tuy nhiên, Reuters ghi nhận, các nhà giao dịch đặt cược rằng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong năm 2025, có thể bắt đầu từ tháng 9, điều này có thể hỗ trợ giá vàng, nếu được xác nhận.
Vàng đã phá vỡ đường trung bình động 50 ngày (EMA 50) ở mức 3.359 USD/ounce, xác nhận xu hướng giảm ngắn hạn. Các mức hỗ trợ quan trọng hiện tại là 3.250 USD/ounce và 3.200 USD/ounce, trong khi kháng cự nằm ở 3.340 USD/ounce và 3.400 USD/ounce. Chuyên gia James Hyerczyk từ FX Empire nhận định, nếu vàng xuyên thủng ngưỡng 3.250 USD/ounce, áp lực bán có thể gia tăng, đẩy giá về mức 3.200 USD/ounce. Ngược lại, nếu giá vượt 3.340 USD/ounce, lực mua kỹ thuật có thể giúp vàng phục hồi về vùng 3.400 USD/ounce.
Về vấn đề liên quan đến yếu tố địa chính trị, lệnh ngừng bắn mong manh giữa Israel và Iran đạt được ngày 24/6 đã làm dịu bớt căng thẳng ở Trung Đông, giảm nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn như vàng và USD. Dù tình hình vẫn chưa ổn định hoàn toàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng về một giải pháp ngoại giao lâu dài với Iran, làm giảm nguy cơ leo thang xung đột. Tuy nhiên, các nhà phân tích từ Bloomberg cảnh báo, bất kỳ sự leo thang bất ngờ nào, như Iran đóng cửa eo biển Hormuz, có thể đẩy giá vàng và dầu tăng vọt trở lại.
Các nhà phân tích đưa ra quan điểm trái chiều về triển vọng giá vàng. Theo Kitco News, chuyên gia Jim Rickards dự báo, vàng có thể đạt 3.400 USD/ounce vào cuối tháng 7/2025 nếu các yếu tố địa chính trị quay trở lại hỗ trợ, như bất ổn ở Trung Đông hoặc suy yếu kinh tế Mỹ. Song, UBS Global Wealth Management cảnh báo, nếu Fed tiếp tục duy trì lãi suất cao do lạm phát dai dẳng, giá vàng có thể giảm về mức 3.200 USD/ounce trong ngắn hạn.
Bà Soni Kumari từ ANZ cho rằng, việc giảm nhu cầu trú ẩn an toàn, kết hợp với tâm lý ưa rủi ro sau thỏa thuận Mỹ - Trung, sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá vàng trong vài tuần tới. Tuy nhiên, vàng vẫn được hỗ trợ dài hạn bởi nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và rủi ro kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi các yếu tố địa chính trị có thể tái kích hoạt bất kỳ lúc nào.
Không có chuyện ngân hàng tùy tiện siết nợ
Nhiều ngân hàng đã bắt tay xây dựng quy trình nội bộ để tăng tốc xử lý nợ xấu ngay sau khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 15/10/2025) và Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Theo các chuyên gia, sẽ không có chuyện ngân hàng được tùy tiện siết nợ.
![]() |
Tuần qua, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, các ngân hàng “mong ngóng từng ngày” đợi Luật được thông qua và đang khẩn trương xây dựng quy trình nội bộ về trình tự, thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo, cũng như lên danh mục những khoản nợ ưu tiên xử lý.
Trước đó, một số ý kiến lo ngại, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng sẽ khiến các nhà băng đẩy mạnh “siết nợ”, xâm phạm quyền lợi của người đi vay. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, bảo vệ bên vay không có nghĩa là làm mất quyền lợi của bên cho vay. Luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo là tất yếu để khơi thông nguồn vốn.
TS. Lực cho rằng, nếu tài sản gắn với nợ xấu đóng băng, nợ xấu không thể xử lý, thì dòng vốn sẽ bị ách tắc. Khi đó, không chỉ an toàn của hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng, mà nền kinh tế cũng không thể phát triển bền vững.
Dù quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng đã được luật hóa, song các chuyên gia cho rằng, sẽ khó có chuyện ngân hàng siết nợ, thu giữ tài sản đảm bảo vô tội vạ. Để đảm bảo thủ tục thu giữ tài sản được thực hiện một cách chặt chẽ, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định: “Tài sản bảo đảm được thu giữ phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ”.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao...) để nghiên cứu ban hành điều kiện tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà tổ chức tín dụng được quyền thu giữ.
Luật cũng quy định, các tổ chức tín dụng khi xử lý nợ phải thực hiện thủ tục công khai thông tin, phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ về trình tự, thủ tục thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm. Các tổ chức tín dụng khi thu giữ tài sản đảm bảo không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Với quy định chặt chẽ như trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, quyền lợi giữa chủ nợ và con nợ sẽ được bảo đảm. “Dù quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã được luật hóa, không có nghĩa là ngân hàng muốn thu giữ tài sản đảm bảo lúc nào cũng được. Ngân hàng phải hành xử rất chuyên nghiệp, có quy trình nội bộ minh bạch và phải được kiểm soát chặt chẽ để không lạm dụng quyền thu giữ tài sản đảm bảo”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Hiện nay, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã vượt 1 triệu tỷ đồng - tương đương khoảng 10% GDP. Lượng lớn vốn nằm “chết” trong nền kinh tế đang khiến chi phí vốn của các ngân hàng trở nên đắt đỏ hơn, cản trở mục tiêu giảm lãi suất, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Với việc luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo, khối nợ triệu tỷ đồng này sẽ được xử lý nhanh hơn trong thời gian tới.
Về phía các ngân hàng thương mại, dù tỏ ra rất vui mừng khi quyền thu giữ tài sản được luật hóa, song cũng cho biết, sẽ rất thận trọng khi thực hiện giải pháp này. Bà Nguyễn Thu Lan, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank khẳng định, việc thu hồi nợ xấu sẽ được Ngân hàng thực hiện chặt chẽ, thận trọng, vì chỉ một sai sót cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ngân hàng trước hết sẽ dùng mọi biện pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ đúng hạn, thu giữ tài sản đảm bảo là biện pháp sau cùng.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng BIDV khẳng định, Ngân hàng không coi quyền thu giữ tài sản đảm bảo là “cây gậy thần”, chỉ xem đây là liệu pháp tâm lý, là công cụ pháp lý tránh khách hàng bội tín, giúp khách hàng có ý thức trả nợ hơn. Không có chuyện tổ chức tín dụng lạm dụng quy định này, vì Luật đã quy định rất chặt chẽ.
“Mỗi tổ chức tín dụng đều phải có những quy định nội bộ để hướng dẫn rất chặt chẽ, công khai, minh bạch; thỏa thuận trong các điều khoản của hợp đồng phải thỏa mãn tất cả các điều kiện này thì tổ chức tín dụng mới có thể kích hoạt quyền thu giữ tài sản đảm bảo, không thể có chuyện lạm quyền”, bà Phương khẳng định.
Theo các chuyên gia, quyền thu giữ tài sản đảm bảo được luật hóa là công cụ xử lý nợ quan trọng bậc nhất của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, tác động lớn nhất mà Luật mang lại là hiệu ứng tâm lý của người vay. Khi người vay biết dù có cố tình không bàn giao tài sản, ngân hàng vẫn có thể tiến hành thu giữ theo luật, thì ý thức trả nợ sẽ cao hơn.
Dự báo, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) khi đi vào cuộc sống sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu của tất cả ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng bán lẻ sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Lý do là các ngân hàng bán lẻ phải xử lý rất nhiều món nợ nhỏ, chi phí xử lý tài sản đảm bảo rất lớn. Vì vậy, việc luật hóa tài sản đảm bảo sẽ giúp các ngân hàng này tiết kiệm được thời gian và chi phí xử lý nợ xấu.
Theo S&I Ratings, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao như VIB (79%), ACB (64%), BID (48%), VPB (45%)… sẽ là những ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Luật có hiệu lực.
Phát hành trái phiếu tháng 6/2025 cao kỷ lục, ngân hàng chiếm 80% lượng phát hành
Tháng 6/2025 chứng kiến quy mô phát hành trái phiếu hàng tháng cao nhất kể từ năm 2022, đạt 94.000 tỷ đồng (tăng 36% so với tháng trước), với hơn 80% từ các đợt phát hành từ các ngân hàng.
Theo dữ liệu của Vis Rating, tất cả lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong tháng 6 đều là phát hành riêng lẻ, trong đó 80% do các ngân hàng thương mại phát hành. Tính tới cuối tháng 6/2025, tổng lượng trái phiếu đang lưu hành đạt 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước.
![]() |
Đến cuối tháng 6/2025, các ngân hàng tư nhân lớn (ACB, MBBank, Techcombank) đã hoàn thành khoảng 50% kế hoạch trái phiếu của năm 2025.
Trong khi đó, theo cập nhật của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, tính từ đầu năm tới ngày công bố thông tin 4/7/2025, giá trị phát hành trái phiếu phát hành khoảng 257.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng trái phiếu ngân hàng phát hành là hơn 187.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 73% và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin của VIS Rating cho biết, tháng 6/2025, có 4 trái phiếu vỡ nợ lần đầu, bao gồm 2 trái phiếu vỡ nợ lần đầu khi thanh toán coupon và 2 trái phiếu vỡ nợ khi thanh toán gốc.
“Chúng tôi đánh giá rằng 22 trong số 35 trái phiếu đáo hạn vào tháng 7 năm 2025 có hồ sơ tín dụng yếu. Trong số này, 8 trái phiếu đã vỡ nợ”.
Điểm tích cực là tỷ lệ thu hồi chung toàn thị trường trái phiếu đã tăng đáng kể 2,3% lên 34,1% so với tháng trước. Trước đó, cuối tháng 6/2025, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh toán tổng cộng hơn 7.000 tỷ đồng (tương đương 24,81% mệnh giá) cho các chủ trái phiếu của 25 mã trái phiếu do bốn công ty liên kết với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành.
Vis Rating cho rằng, đây là một diễn biến tích cực cho các chủ trái phiếu. Việc tòa án pháp lý thực thi quyền của chủ trái phiếu tạo tiền lệ để củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Trong 12 tháng tới, chúng tôi ước tính rằng khoảng 222.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Trong số đó, 44% được phát hành bởi các tổ chức phát hành có hồ sơ tín dụng yếu hoặc dưới mức và 92 trái phiếu có giá trị khoảng 50.000 tỷ đồng liên quan đến trái phiếu được gia hạn ngày đáo hạn theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong giai đoạn 2023 - 2025, chủ yếu là để khắc phục thách thức về thanh khoản và tránh vỡ nợ”, chuyên gia phân tích Vis Rating nhận định.
Siết tỷ lệ đòn bẩy khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Giảm nguy cơ vỡ nợ, tăng động lực cơ cấu vốn
Việc siết tỷ lệ đòn bẩy của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ ngày 1/7/2025 vừa là chốt chặn quan trọng bảo vệ nhà đầu tư, vừa là động lực để doanh nghiệp tái cơ cấu tài chính.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2025, công ty không đại chúng khi phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tổng nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2024, có 13 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trên thị trường (không tính các ngân hàng thương mại) có dư nợ vay trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên 5 lần vốn chủ sở hữu. Do đó, quy định trên không ảnh hưởng đến quá nhiều doanh nghiệp và toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Giới chuyên gia cũng đánh giá cao quy định trên. Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, quy định mới chỉ tác động ngắn hạn đối với nhóm doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào vốn vay, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, việc siết tỷ lệ đòn bẩy sẽ rất tích cực tới thị trường, cũng như hoạt động cơ cấu vốn của doanh nghiệp.
“Lâu nay, các doanh nghiệp bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính cao, thời gian hoàn vốn dài và phụ thuộc lớn vào kênh trái phiếu riêng lẻ. Với quy định mới, các doanh nghiệp sẽ phải cấu trúc lại chiến lược huy động vốn theo hướng bền vững hơn”, ông Huy nhận định.
Theo các chuyên gia phân tích, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không còn dễ dãi như trước, doanh nghiệp buộc phải tìm nhiều con đường khác để huy động vốn như phát hành trái phiếu ra công chúng, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), bán vốn, vay vốn ngân hàng... Tất cả các kênh huy động vốn này đều đòi hỏi doanh nghiệp phải củng cố sức mạnh tài chính, hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, việc siết quy định về đòn bẩy khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty chưa đại chúng nhằm hạn chế rủi ro thanh toán trái phiếu, nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, công khai, minh bạch, bền vững. Quy định mới không gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, mà vẫn đảm bảo quyền và lợi ích cho các nhà đầu tư.
Siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp chưa đại chúng là giải pháp giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ, là “chốt chặn” bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, từ đó tăng niềm tin với thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, quy định công ty không đại chúng khi phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tổng nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao kỷ luật tài chính, có thêm động lực cơ cấu lại cấu trúc vốn của mình. “Việc bị siết tỷ lệ đòn bẩy tài chính sẽ khiến doanh nghiệp phải củng cố năng lực tài chính, cơ cấu lại tài sản, tối ưu dòng tiền và minh bạch hoạt động”, ông Huy khẳng định.
Đánh giá cao quy định trên, song các chuyên gia cho rằng, quy định siết tỷ lệ đòn bẩy không phải là “cây đũa thần” để bảo vệ nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc - Chuyên gia Phân tích Cao cấp VIS Rating, quy định về siết tỷ lệ đòn bẩy tài chính không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, tỷ lệ đòn bẩy cao không phải là nguyên nhân trọng yếu dẫn tới chậm trả nợ trái phiếu.
Dữ liệu của VIS Rating cho thấy, nguyên nhân khiến 182 doanh nghiệp chậm trả trái phiếu hiện nay không phải do đòn bẩy cao, mà chủ yếu do dòng tiền yếu và quản lý thanh khoản yếu kém. Vì vậy, dù tỷ lệ đòn bẩy là một trong những rủi ro cần tính tới, song nhà đầu tư nên xem xét nhiều yếu tố khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là yếu tố khả năng tạo dòng tiền.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, quy định trên sẽ giúp thị trường trái phiếu lành mạnh, bền vững hơn, song để thị trường khởi sắc trở lại, cần có nhiều giải pháp đồng bộ khác như thúc đẩy thị trường xếp hạng tín nhiệm, nâng cao vai trò của các đơn vị kiểm toán, tổ chức tư vấn phát hành và ngân hàng giám sát dòng tiền, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng song song với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu… Ngoài ra, cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đơn vị trung gian phải trưởng thành thì thị trường trái phiếu mới phát triển lành mạnh, bền vững.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ sửa đổi 4 nghị định liên quan đến phát hành trái phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán (bổ sung các quy định xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), xếp hạng tín nhiệm.
Phác thảo bức tranh lợi nhuận ngân hàng
Chưa nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II/2025, song lợi nhuận quý này cũng như cả năm được dự báo khả quan khi tín dụng tăng và nợ xấu được xử lý, dự phòng giảm.
Ngân hàng Big4 đầu tiên đã hé lộ kết quả kinh doanh, với tín dụng tăng 10% trong nửa đầu năm. Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Tổng giám đốc VietinBank tiết lộ, dư nợ tín dụng của Ngân hàng ước tăng 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động ước tăng hơn 9% và lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ.
Mặc dù không công bố chi tiết con số lợi nhuận nửa đầu năm 2025, nhưng ông Trung cho hay, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024, chỉ tiêu này của VietinBank đạt 28.826 tỷ đồng.
Công ty cổ phần chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, năm 2025, tín dụng tăng mạnh nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản, tín dụng nhóm khách hàng cá nhân. Sacombank và HDBank là hai ngân hàng dự kiến có mức tăng trưởng cao nhất trong danh sách mà VCBS công bố, với mức tăng 25%.
Tiếp đó là các ngân hàng như MB (ước tăng 23%), MSB và VietinBank (ước tăng 16%)… HDBank được dự báo triển vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành đến từ mảng cho vay nông nghiệp - nông thôn, sự phục hồi của thị trường bất động sản và nhận chuyển giao DongABank.
Theo VCBS, một số ngân hàng như Sacombank, HDBank, MB sẽ chứng kiến lợi nhuận quý II tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận các ngân hàng này được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng quý II/2025 và năm 2025 lần lượt là 25% và 24%. Trong khi đó, áp lực thu hẹp NIM (biên lãi thuần) trong năm 2025 giảm so với mặt bằng chung của ngành.
VCBS kỳ vọng, tín dụng của Techcombank tiếp tục tăng trưởng tốt với động lực đến từ sự hồi phục của thị trường bất động sản và xây dựng. Dự báo, tổng thu nhập hoạt động quý II/2025 của ngân hàng này đạt 15.030 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 8.452 tỷ đồng, tăng 8%.
Trong năm 2025, với việc đa dạng hóa các nguồn thu nhập ngoài lãi giúp đem lại tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận khả quan, báo cáo của VCBS dự báo, tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng lần lượt 18% và 20%. NIM được kỳ vọng giảm bớt áp lực thu hẹp nhờ CASA (gửi không kỳ hạn) tiếp tục duy trì ở mức cao, tạo ra lợi thế về chi phí vốn cho Ngân hàng.
![]() |
Với TPBank, tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 được VCBS đánh giá nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và tiêu dùng bán lẻ. Ccác chuyên gia VCBS dự báo, lợi nhuận của ngân hàng này tăng trưởng 8% trong quý II và tăng trưởng 7% năm 2025.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, bức tranh lợi nhuận quý II/2025 của các ngân hàng khả quan hơn so với quý I/2025 nhờ tăng trưởng tín dụng tiếp tục khả quan và NIM không giảm thêm. Những ngân hàng có mức tăng tín dụng trong quý đầu năm như MSB, Eximbank, VPBank, SHB, VietinBank vẫn tiếp tục đà tăng tốt trong quý II.
Quý II/2025, VPBank, VietinBank, Eximbank được dự báo có tín dụng tăng khả quan hơn so với toàn ngành và NIM sẽ ít giảm hơn so với nền thấp của năm ngoái. Tuy nhiên, theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của MBS, chất lượng tài sản vẫn sẽ được quan tâm hàng đầu và kỳ vọng cải thiện dần.
Một số ngân hàng được kỳ vọng chất lượng tài sản cải thiện với áp lực dự phòng thấp như BIDV, MB, MSB, VietinBank... Các chuyên gia VCBS đánh giá, nhu cầu tín dụng tại MSB ở mức tốt, kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng 21,2% cho cả năm 2025. Bên cạnh đó, NIM bắt đầu cải thiện từ nửa cuối năm. Chất lượng tài sản cải thiện, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống 2% nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ và tăng thu hồi nợ đã xóa.
Lợi nhuận của MSB ước đạt 2.512 tỷ đồng (tăng 16%) trong quý II/2025 và 8.029 tỷ đồng trong cả năm (tăng 16%). Bên cạnh đó, Ngân hàng hoàn thiện hệ sinh thái với các kế hoạch thoái vốn, góp vốn các công ty con (chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn góp tại TNEX Finance và góp vốn mua công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ).
VietinBank được dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2025 và cả năm ước đạt 7.859 tỷ đồng và 36.982 tỷ đồng, cùng mức tăng 16%. Tổng thu nhập hoạt động quý II ước đạt 22.194 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 13%; cả năm 2025 ở mức 94.885 tỷ đồng, tương đương 16%. Các chuyên gia VCBS đánh giá, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 16,9%, tương đương mức trung bình ngành, trong khi NIM bắt đầu đà phục hồi trong nửa sau năm 2025 với động lực đến từ cả chiều huy động và cho vay.
Đáng chú ý, chất lượng tài sản của VietinBank được kiểm soát tốt, một số khách hàng tái cơ cấu hết thời gian thử thách được chuyển về nợ nhóm thấp hơn và sẽ được hoàn nhập trích lập trong quý II. Trong năm 2025, chất lượng tài sản là một trong những mối quan tâm hàng đầu của VietinBank, cùng với việc kiểm soát nợ xấu dưới mức 1,8% và tập trung vào việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng chi phí, tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản để đảm bảo tăng trưởng an toàn và hiệu quả.
Trong báo cáo phân tích về ngành ngân hàng, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap nhận định, tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp. Đồng thời, các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng.
Lợi nhuận năm 2025 của một số ngân hàng được dự báo như sau: Sacombank tăng 48%, Vietcombank và ACB cùng tăng 24%, TPBank tăng 23%, Techcombank tăng 21%. Các ngân hàng như VIB, VietinBank, MB, HDBank, BIDV, VPBank đều tăng trên 10%. LPBank là ngân hàng duy nhất có dự báo tăng trưởng lợi nhuận giảm trong năm 2025.
-
Vietbank DigiBiz - Giải bài toán số hóa tài chính cho doanh nghiệp: Nền tảng dễ dùng, triển khai nhanh
-
Phát hành trái phiếu tháng 6/2025 cao kỷ lục, ngân hàng chiếm 80% lượng phát hành
-
Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhiệt, nhiều ngân hàng bán ra 26.370 VND/USD
-
ABBANK tạm dừng giao dịch điện tử với doanh nghiệp chưa định danh sinh trắc học
-
Khó có chuyện ngân hàng tùy tiện siết nợ; Cầu trú ẩn vào vàng giảm -
Tín dụng đang tập trung vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng và dịch vụ -
Agribank - Doanh nghiệp ESG Việt Nam xanh 2025 -
Cân bằng bài toán tỷ giá và lãi suất -
Ưu đãi lãi suất cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà xã hội -
Nhu cầu “trú ẩn” giảm, giá vàng chịu áp lực lớn -
FWD ra mắt sản phẩm mới với tổng quyền lợi bảo vệ có thể lên đến 400%
-
Vietcombank dẫn đầu ngành ngân hàng về đổi mới sáng tạo và ESG
-
Vietcombank giới thiệu Apple Pay đến chủ thẻ quốc tế Vietcombank JCB
-
Ngân hàng ngoại khuấy động thị trường bất động sản bằng chiến lược "cam kết dài hạn"
-
Acecook Việt Nam công bố chiến lược phát triển mới
-
Tập đoàn AEON chính thức ra mắt Chương trình Điểm thành viên “WAON POINT”
-
OBC Holdings ra mắt thị trường với dự án A&K Tower