Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
“Khoác áo mới” hấp dẫn cho du lịch Việt Nam hậu Covid-19
Hồ Hạ - Chí Cường - 26/08/2022 11:30
 
Sự đồng hành, tiếp sức của những nhà đầu tư chiến lược đã thổi luồng gió mới vào nhiều điểm đến trên cả nước, giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi nhanh thời kỳ hậu Covid-19.
.Các diễn giả tham gia talkshow
Các diễn giả tham gia talkshow “Sự trỗi dậy của các điểm đến và trải nghiệm dịch vụ mới”, do báo Đầu tư tổ chức chiều 25/8.

Sẵn sàng cho một tương lai tươi sáng hơn

Một thập kỷ qua, ngành du lịch Việt Nam chứng kiến sự vươn mình, bứt phá mạnh mẽ của nhiều điểm trải dài từ Bắc vào Nam. Góp phần quan trọng làm nên diện mạo mới đẳng cấp, hấp dẫn, cho những vùng đất phải kể tới sự nhập cuộc của các nhà đầu tư chiến lược. 

Ngay cả hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, họ vẫn không ngừng tạo ra những sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ mới lạ, quyến rũ.

 
Video talkshow “Sự trỗi dậy của các điểm đến và trải nghiệm dịch vụ mới”, do báo Đầu tư tổ chức chiều 25/8.

Đơn cử, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh ra mắt hai khách sạn mới; Công ty cổ phần Phát triển Du lịch Xanh Minh Đức khai thác và vận hành 2 dự án Le Champ Tu Le Resort và Khu vui chơi mạo hiểm Aeris Hill tại tỉnh Yên Bái; Chuỗi khách sạn Wink Hotels cũng ra mắt những cơ sở lưu trú mới…

Sự hiện diện của những công trình mới đã góp phần thay đổi diện mạo và gia tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến, đồng thời quảng bá những điểm du lịch mới đang sở hữu nhiều sản phẩm du lịch cao cấp, sang trọng, đẳng cấp quốc tế gắn liền với xu hướng du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch nghỉ dưỡng đang được nhiềudu khách quan tâm hậu Covid-19. 

Chia sẻ về sự khác biệt của lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng hậu Covid-19, tại talkshow “Sự trỗi dậy của các điểm đến và trải nghiệm dịch vụ mới”, do báo Đầu tư tổ chức chiều 25/8, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết, ông đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam suốt 15 năm qua và có cơ hội chứng kiến sự thay đổi của ngành kinh tế xanh. 

“Từ những giai đoạn đầu phát triển của Việt Nam, tôi đã thấy có rất nhiều dự án tuyệt vời ở những vùng đất giàu tiềm năng. Từ đó, tạo ra rất nhiều việc làm cho người dân địa phương”, ông Mauro Gasparotti chia sẻ. 

Ngay cả trong thời gian “cơn cuồng phong” Covid-19 tác động lên ngành kinh tế xanh toàn cầu, Giám đốc Savills Hotels cho rằng, vẫn có rất nhiều nỗ lực được thực hiện. Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, ngành du lịch đã tái khởi động, các khách sạn cũng phục vụ khách du lịch trở lại. 

“Tôi nghĩ, đây là cơ hội để chúng ta khôi phục và xây dựng lại hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam tốt hơn. Để làm được điều đó, nhất thiết phải cải thiện các sản phẩm du lịch”, ông Mauro Gasparotti nhận định và cho biết, quá trình khởi động ngành kinh tế xanh toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đang gặp phải một số khó khăn như lạm phát, nguồn khách từ Trung Quốc, Nhật Bản chưa thể khai thác do chính sách phòng chống dịch của các quốc gia này; xung đột Nga – Ucraina, sự thiếu hụt lao động ngành hàng không, du lịch… 

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels chia sẻ trực tuyến tại talkshow “Sự trỗi dậy của các điểm đến và trải nghiệm dịch vụ mới”, do báo Đầu tư tổ chức chiều 25/8.

Nhưng tin tốt là nguồn cầu nội địa phục hồi mạnh mẽ, lượng khách du lịch nội địa đã quay trở lại như mức năm 2019. Hiện nay, Việt Nam đang khai thác các thị trường mới như Ấn Độ và tiếp tục mở rộng thị trường quen thuộc như Hàn Quốc. Điều đó cho thấy sức phục hồi nhanh, mạnh và rất tích cực của ngành kinh tế xanh Việt Nam, hậu Covid-19. 

Giám đốc Savills Hotels tin tưởng, ở giai đoạn này, các đơn vị trong ngành du lịch đang rất sẵn sàng để tiến tới một tương lai tươi sáng hơn. 

Vượt qua khó khăn, tiếp tục tạo thêm sức hấp dẫn cho những vùng đất

Hơn hai năm qua, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn đã nắm bắt cơ hội để bứt phá, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Đào Đức Long, Giám đốc phát triển dự án, Công ty cổ phần Phát triển Du lịch Xanh Minh Đức, đơn vị đang khai thác và vận hành 2 dự án Le Champ Tu Le Resort và Khu vui chơi mạo hiểm Aeris Hill tại tỉnh Yên Bái cho hay, kế hoạch xây dựng các dự án định hướng phát triển dài hơi nên kể cả đại dịch diễn ra kéo dài và phức tạp thì nhà đầu tư này vẫn không có lý do gì để dừng lại. 

Ông Đào Đức Long, Giám đốc phát triển dự án, Công ty cổ phần Phát triển Du lịch Xanh Minh Đức tham gia talkshow tại trường quay Báo Đầu tư. (Ảnh: Chí Cường)

“Thật may là định hướng của Công ty Minh Đức tập trung phát triển du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên và ở những địa điểm còn mới như Yên Bái. Dịch bệnh diễn ra đã thúc đẩy rất nhiều xu hướng du lịch mới nhanh hơn, ví dụ như chuyển đổi công nghệ số, làm việc từ xa, du lịch gắn với thiên nhiên… Điều này mang đến cho chúng tôi nhiều cơ hội. Năm 2020, chúng tôi chỉ mở cửa 6/12 tháng nhưng tăng trưởng đạt 9% so với năm 2019. Năm 2021 đóng cửa nhiều hơn nhưng vẫn tăng trưởng 5% so với năm 2020. Đó là một con số dương và chúng tôi khá bất ngờ”, ông Long chia sẻ tại talkshow “Sự trỗi dậy của các điểm đến và trải nghiệm dịch vụ mới”, do báo Đầu tư tổ chức.

Trong giai đoạn hơn hai năm dịch bệnh vừa qua, “ông lớn” Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cũng không chịu đứng yên mà cho ra mắt tổ hợp khách sạn mới ở Quảng Ninh và một khách sạn tại Xuân Thành kèm tổ hợp sân gôn. Với hơn 60 khách sạn khắp cả nước và 1 khách sạn tại Lào, tròn 30 năm qua, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã không ngừng tiên phong khai phá vẻ đẹp tiềm ẩn của những vùng đất nhà đầu tư tư nhân này đặt chân đến.

Chia sẻ nỗ lực vượt qua khó khăn thời dịch bệnh, bà Lê Thị Thu Nguyệt, Giám đốc Marketing & Truyền thông, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh cho biết, dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ, nhân viên Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan và luôn luôn lấy con người làm trung tâm, tạo khối đoàn kết và xây dựng đội ngũ nhân sự vững mạnh.

Bà Lê Thị Thu Nguyệt, Giám đốc Marketing & Truyền thông, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh tham dự talkshow tại trường quay Báo Đầu tư. (Ảnh: Chí Cường)

Bên cạnh đó, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh linh hoạt và thích ứng nhanh, để biến “nguy” thành “cơ”. “Hệ thống Khách sạn Mường Thanh là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi đón khách cách ly trong giai đoạn dịch và lập tức có nguồn doanh thu từ đối tượng khách này”, bà Nguyệt bật mí. Nhờ đó, các dịch vụ của hệ thống khách sạn Mường Thanh vận hành và duy trì chất lượng dịch vụ rất tốt. 

“Tân Binh” nhập cuộc nhanh

Là một trong những “tân binh” của ngành khách sạn tại Việt Nam, ra đời đúng mùa dịch Covid-19, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành, Chuỗi khách sạn ccho biết, môi trường hoạt động thời gian dịch bệnh rất khó khăn. Điều này càng khó khăn gấp bội khi Wink Hotels là một thương hiệu mới với một phong cách mới. 

Tuy nhiên, Wink Hotels hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài tại Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2027 phát triển thêm 13 khách sạn, nâng Chuỗi khách sạn lên 20 dự án ở các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vàcác thành phố cấp hai.

Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành, Chuỗi khách sạn Wink Hotels chia sẻ trực tuyến tại talkshow “Sự trỗi dậy của các điểm đến và trải nghiệm dịch vụ mới”, do báo Đầu tư tổ chức chiều 25/8.

“Do đó, Covid-19 chỉ là thách thức và khó khăn trong ngắn hạn, không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch phát triển trong 15 năm cũng như sự hiện diện của mình ở thị trường Việt Nam. Và hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục có những dự án được khởi động”, ông Michael Piro chia sẻ.

Và thực tế, mặc dù “sinh sau”, nhưng Wink Hotels đã nhập cuộc rất nhanh và tạo dựng cho mình nhiều lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn du khách như: hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, liên kết với những điểm đến, dịch vụ, trải nghiệm tại địa phương, cho phép check in và check out linh hoạt, du khách được ở tại khách sạn trọn vẹn 24 giờ thay vì check in lúc 24 giờ và trả phòng lúc 12 giờ trưa hôm sau như nhiều cơ sở lưu trú khác…

Chia sẻ lý do táo bạo đầu tư khu du lịch, lưu trú trong giao đoạn dịch bệnh, ông Long chia sẻ, đó là vì ông nhận thấy ngành kinh tế xanh Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai không xa. 

Cá nhân ông cho rằng, chắc chắn tương lai Việt Nam sẽ là điểm đến du lịch của thế giới. Hai năm dịch bệnh,xu hướng du lịch tại Việt Nam đã chuyển dịch lên các vùng núi và ngay tại vùng Đông và Tây Bắc, sự dịch chuyển du khách từ Sa Pa (Lào Cai) sang những điểm đến mới như Yên Bái, Hà Giang cũng khá rõ nét. 

Minh chứng là, từ năm 2017 – 2019, tốc độ tăng trưởng của du lịch Yên Bái đáng mơ ước với con số 30 đến 40%. Đặc biệt là khi đó Yên Bái hoàn toàn phát triển du lịch tự nhiên, chưa có những doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược như thời gian gần đây. Vậy thì, thời gian tới, du lịch Yên Bái sẽ còn bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. 

Cũng theo ông Long, ruộng bậc thang Mù Cang Chải nổi tiếng bậc nhất cả nước, nhưng vùng núi phía Bắc nhiều địa phương cũng có ruộng bậc thang, vì thế, Công ty Minh Đức đang đồng hành cùng tỉnh Yên Bái phát triển vùng trồng hoa một loài hoa tuyệt đẹp của Yên Bái để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng. Loài hoa này thường nở vào đúng giai đoạn tết Dương lịch, hứa hẹn là điểm chụp ảnh check-in được là du khách yêuthích. Bên cạnh đó,  Công ty Minh Đức sẽ phát triển vùng trồng dược liệu, vừa để du khách check-in, vừa khai thác để chế biến thành những đặc sản, cũng như tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc cho Yên Bái.

Trong khi đó, 30 năm qua, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh không ngừng đi theo định hướng trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từ kiến trúc, cảnh quan, đến ẩm thực đều mang đậm dấu ấn bản địa.

Có thể khẳng định sự đồng hành, tiếp sức của những nhà đầu tư chiến lược đã thổi luồng gió mới vào nhiều điểm đến tại Việt Nam. Sự thay đổi theo hướng tích cực này hoàn toàn có thể khiến ngành du lịch thực hiện mục tiêu đưa du lịch Việt Nam vào nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, với tổng thu từ khách du lịch đạt 77 - 80 tỷ USD.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư