Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Khoảng hở" trong định giá cổ phiếu
 
Quá nhiều cổ phiếu được đưa lên sàn trong những ngày qua đã tạo nên một sự hưng phấn cho thị trường chứng khoán. Thế nhưng, đi kèm với đó là những giao dịch không kém phần rủi ro, bởi nhà đầu tư rơi vào tình trạng thiếu hụt thông tin để đánh giá chính xác giá trị cổ phiếu.
Quá nhiều cổ phiếu mới lên sàn trong một thời điểm khiến việc xác định thông tin cổ phiếu gặp khó khăn
Quá nhiều cổ phiếu mới lên sàn trong một thời điểm khiến việc xác định thông tin cổ phiếu gặp khó khăn

Chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt mã chứng khoán mới gia nhập thị trường chứng khoán tập trung. Trong số này, có những cái tên đình đám như: SAB của Sabeco, BHN của Habeco, NVL của Novaland, PC1 của Xây lắp điện 1, MCH của Masan Consumer, IST của ICD Tân Cảng Sóng Thần…

Sàn tập trung cũng đón nhận những cái tên mà công chúng đầu tư hầu như chưa biết đến như: NS3 của Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội, VCP của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex…

Hàng hóa nhiều và phần lớn những mã chứng khoán được phát hành bởi các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín trong cộng đồng, đều tăng giá, thậm chí tăng mạnh như trường hợp các cổ phiếu ngành bia, đã góp phần không nhỏ tạo nên “cơn sốt” cổ phiếu OTC thời gian qua. Mặc dù vậy, điều này lại khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là những người muốn đầu tư bài bản, bị “hụt hơi” trong việc tìm kiếm thông tin.

Giám đốc phụ trách phân tích một công ty chứng khoán lớn những ngày này than thở, mỗi khi có doanh nghiệp chuẩn bị lên niêm yết, ông cùng các nhân viên trong bộ phận phải “toát mồ hôi” khi tìm thông tin để ra báo cáo phân tích cơ hội đầu tư cho khách hàng.

“Công việc vốn đã bộn bề, bởi thời điểm cuối năm là dịp gặp gỡ các doanh nghiệp niêm yết cập nhật kết quả kinh doanh và lấy thông tin về kế hoạch năm tới, nay lại thêm hàng loạt doanh nghiệp mới chào sàn, đặc biệt là doanh nghiệp lớn…, nên áp lực công việc trở nên quá tải”, vị giám đốc này nói.

Câu chuyện với những chuyên gia phân tích trên thị trường chứng khoán không chỉ là vấn đề quá tải về mặt số lượng báo cáo, dẫn đến không đủ nhân sự và thời gian để thực hiện, mà vấn đề xác minh chất lượng nguồn thông tin còn gây áp lực lớn hơn.

Ngày 28/12/2016, cổ phiếu NVL của Novaland giao dịch lần đầu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thế nhưng, đến đầu tháng 12/2016, câu chuyện về tình hình tài chính của Novaland vẫn còn khá “kín đáo” với thị trường.

Đến thời điểm này, nhà đầu tư đã có đủ báo cáo tài chính đến quý III/2016 của Novaland, nhưng có lẽ, để tự tin đánh giá được chất lượng tài sản, hoạt động, “sức khỏe” tài chính của Novaland… thì vẫn chờ thêm thông tin từ doanh nghiệp.

Tương tự, câu chuyện về Vietjet Air những ngày này cũng đang gây xôn xao trên thị trường, đặc biệt với nghiệp vụ bán - thuê hoạt động máy bay của hãng hàng không này.

Người tiêu cực thì cho rằng, nghiệp vụ này giúp Vietjet Air ghi nhận lợi nhuận trước mắt, nhưng sẽ chịu phí đi thuê máy bay cao trong tương lai, qua đó khiến chi phí bị đội lên cao. Ngược lại, ý kiến ủng hộ cho rằng, cách này giúp Vietjet Air có được một báo cáo tài chính đẹp, giúp Công ty có thể thuận lợi huy động vốn vay để tài trợ cho việc tiếp tục mua sắm máy bay theo lộ trình đã ký trước đó. Quan trọng hơn, cách làm của Vietjet Air cũng tương tự một hãng hàng không chi phí thấp khác đang rất thành công tại Ấn Độ. Thực tế cho thấy, Vietjet Air hiện đang là hãng hàng không có vị thế tại Việt Nam.

Chưa rõ quan điểm nào sẽ đúng, vì đó là câu chuyện của thì tương lai, nhưng có một điều chắc chắn, đó là mọi phân tích, dự báo đưa ra có thể đều không đầy đủ, khi mọi thông tin chi tiết về doanh nghiệp vẫn chưa được đưa ra.

Nhìn lại lịch trình công bố thông tin các doanh nghiệp, có một điều rất dễ nhận ra là: với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thì thông tin thường đầy đủ hơn so với các doanh nghiệp tư nhân mới đại chúng hóa.

Việc các doanh nghiệp này chỉ công bố thông tin chi tiết ngay trước khi chào sàn dẫn đến tình trạng thị trường bị dẫn dắt bởi các yếu tố dự đoán nhiều hơn là những hiểu biết chi tiết về thực trạng doanh nghiệp.

Thời gian này, trong khi thị trường đang hào hứng với việc nguồn cung dồi dào thì đã bắt đầu xuất hiện những e ngại về nguy cơ “tăng ồ ạt trước khi gãy đồng loạt”. Khi thị trường ra quyết định bởi yếu tố đám đông, thì đó là lúc rủi ro cho túi tiền của nhà đầu tư tăng lên. Khi thị trường chạm đến rủi ro này, trách nhiệm công bố thông tin minh bạch được đặt nặng hơn trên vai lãnh đạo các doanh nghiệp.

Phát sốt với cổ phiếu OTC
Không ồn ào và tranh mua, tranh bán như gần 10 năm về trước, nhưng dịp cận Tết này, thị trường OTC cũng nhộn nhịp chẳng kém thị trường niêm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư