Chủ Nhật, Ngày 18 tháng 05 năm 2025,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Khoảng trống pháp lý cho mô hình tập đoàn ngân hàng; Trái phiếu phát hành chủ yếu để đảo nợ
T.L - 18/05/2025 09:15
 
Tăng thanh tra thị trường vàng, mô hình tập đoàn tài chính của nhiều ngân hàng thương mại đang thành xu hướng, trái phiếu phi tài chính phát hành chủ yếu để đảo nợ, dự phòng rủi ro ngân hàng trái chiều... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Mô hình tập đoàn tài chính của nhiều ngân hàng thương mại: Vũ khí cạnh tranh, còn trống pháp lý

Mô hình tập đoàn tài chính của nhiều ngân hàng thương mại ngày càng định rõ. Dù đây là xu thế tại các thị trường phát triển và không thể tránh, song cách thức chào bán sản phẩm của các ngân hàng cho thấy, mô hình này cũng tiềm ẩn rủi ro về mặt quản lý.

Nhiều ngân hàng đã lần lượt tuyên bố hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng và hiện vẫn chưa dừng mở rộng hệ sinh thái của mình.

Năm 2025, một ngân hàng vừa lên kế hoạch lập công ty về bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và góp vốn, mua cổ phần một công ty quản lý quỹ để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Hiện mô hình tập đoàn của ngân hàng này có 4 thành viên chính, gồm ngân hàng mẹ, công ty tài chính tiêu dùng, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Lãnh đạo ngân hàng này khẳng định, việc mở rộng hệ sinh thái sang công ty bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ là bước đi nhằm hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng của Ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới, hoàn thiện mảnh ghép trong mô hình tập đoàn tài chính đa ngành.

Với MB, sau nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank và biến ngân hàng này thành công ty con MBV, hệ sinh thái của MB có 9 thành viên gồm 3 ngân hàng  (MB, MBCambodia, MBV) và 6 công ty thành viên (MBS-chứng khoán, MBCapital-quản lý quỹ đầu tư, MIC-bảo hiểm, MB Ageas-bảo hiểm nhân thọ, MBAMC-quản lý nợ và khai thác tài sản, Mcredit-tài chính tiêu dùng). 

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, MB đang là tập đoàn tài chính dẫn đầu khi có đầy đủ công ty thành viên trong các lĩnh vực khác nhau. Cấu trúc này giúp MB phát triển hệ sinh thái đầy đủ, hướng tới tập đoàn tài chính dẫn đầu thị trường. 

Một số ngân hàng tuy không tuyên bố hoạt động theo mô hình tập đoàn, song lại nằm trong hệ sinh thái chằng chịt với các tập đoàn bất động sản sân sau. Đồng thời, các ngân hàng vẫn liên tục lên kế hoạch mở rộng hệ sinh thái. Năm nay, MSB, SeABank, Sacombank cho biết muốn mua lại công ty chứng khoán; Techcombank công bố ý định lập công ty bảo hiểm nhân thọ vốn ít nhất 1.300 tỷ đồng.

Trong hàng chục thập kỷ qua, các ngân hàng Việt tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nghiệp vụ ngân hàng thương mại (chủ yếu là cho vay). Song với việc NIM (biên lãi thuần) khó tăng mạnh và cạnh tranh cho vay ngày càng gay gắt, động lực tăng trưởng của các ngân hàng thời gian tới là mảng ngân hàng đầu tư (quản lý gia sản, chứng khoán, bảo hiểm, tư vấn mua bán - sáp nhập…) và dịch vụ. Đây cũng là lý do khiến cuộc đua trở thành mô hình tập đoàn tài chính đa ngành ngày càng sôi động.

Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, việc đa dạng hóa hệ sinh thái, “một cổng” để phục vụ đa tiện ích cho khách hàng là vũ khí cạnh tranh của các ngân hàng. Ngân hàng có hệ sinh thái nghèo nàn khó giữ được chân khách hàng. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, xu hướng này đã hình thành rất lâu ở các nền kinh tế phát triển và Việt Nam khó tránh xu thế này.

Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động theo mô hình tập đoàn giúp các nhà băng tăng cường bán chéo, tung ra các sản phẩm phù hợp với đặc điểm từng khách hàng, giảm thiểu rủi ro, đa dạng hóa doanh thu. Sở hữu hệ sinh thái giúp ngân hàng cung cấp toàn diện giải pháp tài chính cho khách hàng, từ đầu tư đến tiết kiệm, quản lý tài chính, vay vốn…, từ đó vừa tối ưu hóa lợi nhuận, vừa tăng tiện ích cho khách hàng, vừa tăng tính cạnh tranh.

Tuy vậy, thực tế, rất nhiều ngân hàng, khi tận dụng hệ sinh thái đa dạng theo mô hình tập đoàn, đang lập lờ trong cung cấp và thông tin sản phẩm với khách hàng. Nhiều ngân hàng tung ra sản phẩm “sinh lời tự động” với lãi suất hấp dẫn cho khách hàng. Tuy nhiên, trong truyền thông, họ đang gây hiểu nhầm là khách hàng gửi tiết kiệm, chứ không phải đầu tư. Thực chất, khi tham gia sản phẩm này, khách hàng ký hợp đồng với công ty chứng khoán (công ty con của ngân hàng), hoặc công ty quản lý tài sản (đối tác của ngân hàng), chứ không phải ký hợp đồng gửi tiền vào ngân hàng.

Tương tự, một số ngân hàng chào bán trái phiếu, song khiến nhiều người hiểu nhầm là sản phẩm tiết kiệm.

Bài học từ bảo hiểm đội lốt đầu tư của SCB và một số ngân hàng thương mại cho thấy, nếu không có quy định chặt chẽ về sản phẩm ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại, rất có thể có nhiều tranh chấp nảy sinh sau này. Thậm chí, một số kẽ hở có thể trở thành một “ổ mối” đánh sập cả con đê.

Đặc biệt, tình trạng ngân hàng nằm trong hệ sinh thái tập đoàn bất động sản càng đáng lo hơn, gắn với sự phức tạp về sở hữu chéo. Dù Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã siết chặt các quy định để chống sở hữu chéo, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, nếu cổ đông và người liên quan cố tình che giấu thông qua “đứng tên hộ”, NHNN rất khó kiểm soát. 

73% trái phiếu phi tài chính phát hành trong tháng 4 nhằm mục đích đảo nợ

Bất động sản dân cư vẫn sẽ dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu phi tài chính năm nay, song chủ yếu nhằm mục đích tái cơ cấu nợ.

Theo dự báo của chuyên gia VIS Rating, hoạt động phát hành trái phiếu phi tài chính năm 2025 sẽ duy trì ổn định, tiếp tục dẫn dắt bởi các chủ đầu tư bất động sản nhà ở. Ngành ô tô và điện có thể tăng trưởng mạnh phát hành mới. Riêng các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp sẽ gặp khó khăn do rủi ro thuế quan.

“Chúng tôi nhận định những lo ngại và sự không chắc chắn về việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và phát triển Dự án BĐS khu công nghiệp mới. Các chủ đầu tư có thể trì hoãn mở rộng kinh doanh và đầu tư mới trong thời gian tới”, nhóm phân tích dự báo.

Trước đó, năm 2024, chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi từ việc tiếp cận tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, phần nào nhờ vào quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm hệ số rủi ro đối với các khoản vay dành cho bất động sản công nghiệp. Tổng dư nợ ngân hàng của 30 chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp niêm yết hàng đầu đã tăng 34% trong năm 2024 (so với mức tăng trung bình 9% trong giai đoạn 2019-2023), trong khi giá trị phát hành trái phiếu lại giảm 18%. Do đó, chuyên gia phân tích nhận định hoạt động phát hành trái phiếu của các chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp sẽ vẫn hạn chế trong năm 2025.

Ngược lại, các tổ chức phát hành thuộc ngành bất động sản dân cư, ô tô và điện có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ nhu cầu nội địa và chính sách hỗ trợ từ chính phủ các doanh nghiệp trong ngành bất động sản dân cư, bao gồm cả phân khúc nghỉ dưỡng, sẽ đẩy nhanh phát triển dự án sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý và nhu cầu mua nhà ở đang tăng mạnh.

Theo dự báo của VIS Rating, tăng trưởng trái phiếu phát hành năm 2025 sẽ tương đương mức 13% của năm 2024. Các chủ đầu tư bất động sản vẫn sẽ hưởng lợi do dễ tiếp cận tín dụng từ ngân hàng trong bối cảnh môi trường kinh doanh của ngành đang thuận lợi.

Đối với ngành ô tô, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc xóa thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, có hiệu lực từ tháng 2/2025. Những công ty như VinFast và Tasco dự kiến sẽ mở rộng hoạt động sản xuất trong nước vào năm 2025 và tìm đến thị trường trái phiếu để huy động vốn.

Trong thời gian tới, VIS Rating kỳ vọng hoạt động phát hành trái phiếu trong ngành ô tô sẽ duy trì ở mức cao, tương đương với mức tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024.

Hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp điện cũng được kỳ vọng tăng mạnh vào cuối năm 2025. Những tiến triển tích cực gần đây về cơ chế giá của các dự án năng lượng tái tạo mới sẽ cải thiện tính khả thi của dự án và thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư.
Theo VIS Rating, tổng giá trị trái phiếu phi tài chính đáo hạn trong năm 2025 đạt 151.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2025, nhiều tổ chức đã mua lại và thanh toán trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị tăng 97% so với cùng kỳ. Đối với các doanh nghiệp có dòng tiền yếu, kéo dài kỳ hạn trái phiếu là một giải pháp khả thi để tránh rủi ro tái cơ cấu nợ.

Thanh khoản thị trường trái phiếu được cải thiện sẽ hỗ trợ tổ chức phát hành khi tái cơ cấu nợ các trái phiếu hiện tại. Có tới 73% trong số 13.200 tỷ đồng trái phiếu mới phát hành trong 4 tháng đầu năm có mục đích tái cơ cấu nợ.

Khoảng 60% số trái phiếu đáo hạn trong năm 2025 thuộc lĩnh vực bất động sản nhà ở. Nhờ triển vọng thị trường thuận lợi và khả năng tiếp cận hiệu quả với nguồn vốn, các chủ đầu tư sẽ thuận lợi để thanh toán trái phiếu đáo hạn hoặc đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với các trái chủ.

Đối với ngành điện, khoảng 30% trong tổng số 4.100 tỷ đồng giá trị trái phiếu đáo hạn có liên quan đến các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, hiện đang trong tình trạng chậm trả gốc và lãi. Hoạt động thanh toán trái phiếu, bao gồm cả các khoản mua lại trước hạn, đã tăng gấp đôi trong bốn tháng đầu năm 2025.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng việc các dự án chuyển tiếp hoàn tất thỏa thuận giá bán điện và bắt đầu hoạt động vận hành thương mại sẽ giúp cải thiện dòng tiền, từ đó nâng cao khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ”, chuyên gia phân tích nhận định.

Thuê, cho thuê, mua bán, mở hộ thẻ ngân hàng có thể bị phạt tới 200 triệu đồng

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định, thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng với số lượng từ 1 thẻ đến dưới 10 thẻ có thể bị phạt tới 80 triệu đồng. Mức phạt này tăng lên 100- 200 triệu đồng nếu trên 10 thẻ.

Theo dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các vi phạm liên quan thẻ ngân hàng sẽ bị phạt nặng.

Cụ thể, phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Vi phạm đồng tiền thanh toán trên thẻ; thu thêm các loại phí ngoài Biểu phí đã công bố khi chủ thẻ thanh toán bằng thẻ; Thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 01 thẻ đến dưới 10 thẻ.

Phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với các hành vi: Thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật; Không từ chối hoặc không có biện pháp từ chối thanh toán thẻ trong các trường hợp phải từ chối thanh toán thẻ theo quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ.

Phạt tiền từ 200 đến 300 triệu đồng với hành vi thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện việc sử dụng thẻ trả trước vô danh để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử hoặc rút tiền mặt; Chuyển mạch thẻ, bù trừ giao dịch thẻ, quyết toán giao dịch thẻ không đúng theo quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng; Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng thẻ ngân hàng để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán, cung ứng hàng hóa và cung ứng dịch vụ); Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin thẻ ngân hàng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các vi phạm quy định về hoạt động đại lý thanh toán cũng bị xử phạt nghiêm. Theo đó, phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện các nghiệp vụ đại lý thanh toán không được bên giao đại lý ký kết trong hợp đồng đại lý thanh toán giữa bên giao đại lý và bên đại lý thanh toán.

Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý thanh toán không phù hợp với nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của cấp có thẩm quyền quyết định và văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép, quyết định (nếu có) của bên giao đại lý, bên đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thực hiện hoạt động đại lý thanh toán khi không có hợp đồng đại lý thanh toán hoặc hợp đồng đại lý thanh toán không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật… 

Đối với trung gian thanh toán, dự thảo Nghị định quy định mức phạt cụ thể với các hành vi vi phạm như sau:

Phạt 10-20 tiệu đồng với hành vi: cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán; Tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật; không có giải pháp để khách hàng tra cứu trực tuyến theo quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Phạt 30-50 triệu đồng với hành vi vi phạm quy định về sử dụng dịch vụ ví điện tử; Vi phạm quy định về đảm bảo an toàn trong cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Không có biện pháp giám sát để đảm bảo việc thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài thông qua dịch vụ trung gian thanh toán là hợp pháp theo quy định pháp luật; Vi phạm quy định về hồ sơ mở ví điện tử, thỏa thuận mở và sử dụng ví điện tử, thông tin về khách hàng mở ví điện tử; mở ví điện tử bằng phương thức điện tử; Vi phạm quy định về thực hiện quy trình, thủ tục nhận biết, xác minh đơn vị chấp nhận thanh toán.

Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng với hành vi cung cấp thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật; Mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin ví điện tử từ 1 ví điện tử đến dưới 10 ví điện tử.

Phạt 100-120 triệu đồng nếu có hành vi gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Tẩy xóa, thay đổi nội dung; mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin ví điện tử từ 10 ví điện tử trở lên…    

Phạt tiền từ 120 - 150 triệu đồng nếu báo cáo không trung thực số dư, số lượng ví điện tử theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm; Vi phạm quy định khi hợp tác với tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng là người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam để thực hiện giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.

Dự báo triển vọng cổ phiếu “vua” nửa cuối năm 2025

Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch dưới giá trị sổ sách, triển vọng của cổ phiếu thuộc họ “vua” này được nhận định có triển vọng trong nửa cuối năm.

Theo số liệu từ WiChart, hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) của nhóm 27 ngân hàng niêm yết đạt 1,51 lần vào cuối quý I/2025, tăng 1% so với cuối năm 2024. Trong đó, ABBank có P/B thấp nhất, ở mức 0,58 lần tại ngày 31/3. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu ABB của ABBank là 13.870 đồng, theo báo cáo tài chính quý I/2025, trong khi giá chốt phiên hôm 31/3 chỉ là 7.900 đồng/cổ phiếu.

Tiếp theo, VietABank (mã VAB) có định giá theo P/B thấp thứ hai, ở mức 0,63 lần vào cuối quý I/2025. KienlongBank (mã KLB) được định giá thấp thứ ba, với hệ số P/B là 0,7 lần vào cuối quý I/2025. 

Một số ngân hàng khác trong top định giá thấp gồm VietBank, MSB, OCB, SHB, TPBank, Bac A Bank và VPBank. Trong đó, định giá của TPBank tiếp tục rẻ đi thêm 18% so với đầu năm, OCB và VPBank rẻ đi 4%, KienlongBank rẻ đi 1%. Tính đến cuối quý I/2025, có 8 ngân hàng với mức P/B nhỏ hơn hoặc bằng 1.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng được định giá với P/B trên 2 lần là Vietcombank, LPBank và NCB. Tính đến hết quý I/2025, P/B của NCB tăng 26% so với đầu năm, cao thứ hai toàn ngành, sau SHB. Theo báo cáo tài chính quý I/2025, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của NCB ở mức 10.003 đồng, trong khi thị giá ngày 31/3 là 11.600 đồng/cổ phiếu.

Trước thắc mắc của cổ đông về việc giá cổ phiếu OCB không tăng trong thời gian qua, tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 diễn ra cuối tháng 4/2025, Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng, giá cổ phiếu OCB đang thấp hơn giá trị sổ sách và thấp hơn các cổ phiếu cùng ngành (P/B của OCB chỉ ở mức 0,82 vào phiên cuối tuần trước, trong khi trung bình các ngân hàng tư nhân là 1,25). Như vậy, cổ phiểu này đang bị chiết khấu tới 35%. Ông Tuấn thừa nhận, khi kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, giá cổ phiếu cũng bị tác động.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, OCB đã và đang đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh, tạo niềm tin với cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng. Theo đó, trước hết, OCB cải thiện tình hình tài chính tích cực hơn, trở thành một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả, cao hơn trung bình ngành.

Kết thúc quý I/2025, quy mô tài sản của OCB tăng so với đầu năm, đạt mức 289.067 tỷ đồng, tăng 3%. Ngân hàng cũng ghi nhận kết quả dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, với sự đóng góp đáng kể từ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (mức tăng trưởng 9,3%). Lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, hoạt động cốt lõi giữ đà tăng trưởng tốt.

TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho hay, HDBank không chỉ tự hào về những con số (mục tiêu lợi nhuận năm 2025 hơn 21.000 tỷ đồng, tổng tài sản hướng tới 1 triệu tỷ đồng), mà quan trọng hơn là niềm tin vào tương lai của một ngân hàng phát triển vững chắc. HDBank luôn hành động cho sự minh bạch, cho nền tảng của niềm tin và đó là tài sản vô giá để Ngân hàng không ngừng thu hút nhà đầu tư, nâng cao vị thế trên thị trường, tạo ra giá trị bền vững cho tất cả cổ đông.

Ngoài ra, Techcombank, MBBank, ACB có ROA (lợi nhuận trên tài sản) ở mức cao, khả năng sinh lời tốt. Tuy nhiên, cổ phiếu của các ngân hàng này chưa bị định giá quá cao (P/B ở mức thấp so với ngành và trung bình 5 năm), tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn...

Với việc cổ phiếu ngân hàng tăng giá vượt trội so với VN-Index trong năm 2024, các chuyên gia phân tích của VinaCapital kỳ vọng, giá cổ phiếu ngành này năm 2025 tiếp tục tăng tốt, nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn và mức định giá thấp (1,3x P/B so với 16% ROE). Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của từng ngân hàng sẽ phân hóa rõ do những khác biệt lớn về định giá, chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận.

Theo FiinTrade, rủi ro co hẹp NIM (biên lãi ròng) vẫn hiện hữu, đặc biệt ở nhóm ngân hàng quốc doanh, trong bối cảnh Chính phủ duy trì chính sách ổn định lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi chậm của cầu tín dụng cũng khiến các ngân hàng khó nâng lãi suất do lo ngại cạnh tranh gay gắt có thể làm giảm thị phần. Điều này cho thấy, các quý tới, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng tiếp tục phụ thuộc vào tốc độ mở rộng tín dụng, thay vì kỳ vọng vào biên lãi thuần.

Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, đầu cơ trục lợi, kinh doanh trái phép, thao túng thị trường…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 13/5/2025 về triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng.

Công điện gửi Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Thanh tra Chính phủ, nêu rõ:

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Công điện, Chỉ thị chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả về các giải pháp quản lý thị trường vàng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát thị trường vàng, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định pháp luật và khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Với các giải pháp đồng bộ, cho tới đầu tháng 4 năm 2025, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp, có thời điểm chỉ còn khoảng 1%-2%. Tuy nhiên, cùng với những bất cập nội tại chưa được khắc phục triệt để, những diễn biến bất thường, chưa từng có tiền lệ của tình hình địa chính trị thế giới từ đầu năm 2025 đến nay đã đẩy giá vàng quốc tế liên tục tăng cao, giá vàng trong nước biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gia tăng. Để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước và mục tiêu phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tâm lý xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

a) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng được giao tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ; Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và các văn bản có liên quan.

b) Theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, khẩn trương theo thẩm quyền thực hiện các giải pháp theo quy định khi cần thiết nhằm bình ổn, ổn định thị trường vàng; không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5 năm 2025.

c) Khẩn trương ban hành Kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng theo Quyết định thanh tra số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17 tháng 5 năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chủ động xử lý và báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5 năm 2025.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bổ sung, củng cố các quy định nhằm tăng cường hiệu quả của các công cụ quản lý nhà nước, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 6 năm 2025.

đ) Chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông; kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng; ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, đầu cơ trục lợi, kinh doanh trái phép, thao túng thị trường…

3. Các Bộ: Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý thị trường vàng; kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và chủ động xử lý các công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

4. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Không nhập nhèm tài sản số, tiền số

Lần đầu tiên, tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác được quy định trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đã loại trừ chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã dành hẳn một chương về tài sản số. Theo quy định của Dự thảo, tài sản số được chia làm 3 nhóm: tài sản số, tài sản ảo và tài sản mã hóa. 

Việc phân loại tài sản số như trên chưa hẳn được các đại biểu đồng tình. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, quy định trên còn chung chung và đề nghị phân loại thành các tài sản số như: định danh cá nhân gắn với quyền riêng tư; dữ liệu phi cá nhân; phần mềm và mã nguồn; nội dung số; tài sản số có thể định giá được (NFT, tài sản số trên nền tảng blockchain…). Việc phân loại cụ thể sẽ giúp việc quản lý chuyển nhượng, định giá, đánh thuế… hiệu quả.

Tương tự, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, tiêu chí để phân loại 3 nhóm tài sản số chưa rõ ràng và chưa hợp lý. Theo đại biểu, cần đưa ra tiêu chí kỹ thuật cụ thể hơn nữa để phân loại các nhóm tài sản số này, từ đó đưa ra cơ chế quản lý phù hợp. 

Trong báo cáo tiếp thu chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các tiêu chí phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, tính năng, công nghệ, tiêu chí khác và được thực hiện theo quy định của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn để quy định các nội dung quản lý tài sản số (tạo lập, sử dụng, trao đổi, cung ứng tài sản số, nghĩa vụ thuế đối với hoạt động có liên quan đến tài sản số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về tài sản số, biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản số…).

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo chỉ thiết kế các quy định mang tính nguyên tắc cơ bản để tạo lập hành lang pháp lý cho tài sản số. Các nội dung chi tiết về thẩm quyền, quản lý đối với tài sản số, trong đó có nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, cơ chế giải quyết tranh chấp…, sẽ do Chính phủ quy định chi tiết tương ứng với từng loại hình tài sản số và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số không bổ sung khái niềm “tiền số”, “tiền mã hóa”. Trước đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “tiền số”, tài sản số như tài sản trí tuệ số NFT, tiền mã hóa và tài sản số liên quan đến dữ liệu lớn.

Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc với Bộ tài chínhngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và có hai luồng ý kiến chính. Trong đó, luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, do vậy, chỉ nên nêu khái niệm, nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính ổn định của pháp luật.

Còn luồng ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung một số khái niệm, phân loại cụ thể tài sản số (tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NFT, các mã thông báo…) và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển và thay đổi nhanh chóng; hiện chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau của các nước trên thế giới (Hungary, Hoa Kỳ...). Do vậy, nhằm bảo đảm tính khả thi, linh hoạt và ổn định của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.

Trên thực tế, Dự thảo cũng loại trừ tài sản ảo trên môi trường điện tử là chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính.

Mặc dù tài sản số, tiền mã hóa không được coi là “tiền” tại Việt Nam, song các doanh nghiệp cho rằng, việc thừa nhận tài sản số là một tài sản giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận vốn.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam, việc luật hóa tài sản số và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực này sẽ khiến lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đột phá.  Ông Hùng mong mỏi, luật và các văn bản dưới luật sớm ban hành, đặc biệt là các quy định về định danh, phương pháp định giá tài sản số.

“Chúng tôi rất mong cơ quan hữu trách nghiên cứu, xem xét ban hành sớm quy định định danh tài sản số, phương pháp định giá tài sản số cho doanh nghiệp, để có thể tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, từ đó đầu tư vào ngắn hạn, trung và dài hạn. Nếu chúng ta tháo gỡ được, thì dòng tiền từ ngân hàng chảy vào cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tốt hơn”, ông Hùng kiến nghị.

TS. Lê Thị Giang, giảng viên Trường đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng, việc Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số bước đầu xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu đối với loại tài sản này là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển, quản lý và ứng dụng tốt hơn tài sản số, vẫn cần chờ đợi thêm các văn bản hướng dẫn.

Dự phòng rủi ro ngân hàng trái chiều quý đầu năm

Nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ, song các ngân hàng giảm mạnh dự phòng rủi ro nhằm thu hẹp khoảng cách sụt giảm lợi nhuận trong quý đầu năm 2025.

Trong quý I/2025, Vietcombank đã cắt giảm hơn 50% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 1,3%, đạt 10.860 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 8.702 tỷ đồng, tăng 1,3%, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng, bỏ xa các đối thủ còn lại.

Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 13.687 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ, do mức tăng của thu nhập lãi (tăng 2,31%) của Ngân hàng khiêm tốn hơn so với mức tăng của chi phí lãi (tăng 9,52%). Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh ngoài lãi đem lại kết quả khả quan, khi thu về 3.578 tỷ đồng, tăng 11,72% so với cùng kỳ. 

Từ những kết quả trên, trong quý I/2025, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đi ngang so với cùng kỳ, trong khi tổng chi phí tăng 11,8%, do đó thu hẹp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, giảm 5%, đạt 11.612 tỷ đồng. Việc cắt 50,1% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ giúp Vietcombank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Số dư nợ xấu tăng 7,7%, lên mức 15.036 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 0,96% lên 1,03%.

Sau 3 tháng đầu năm, VietinBank lãi trước thuế 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ở mức 5.499 tỷ đồng, tăng gần 10%. Thu nhập lãi thuần của Ngân hàng tăng 2% khi mức tăng thêm của thu nhập lãi tăng trội hơn so với chi phí lãi. Đồng thời, thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng ghi nhận mức tăng gần 28%, mang về 4.978 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ của VietinBank giảm 9,5%, đạt 1.611 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm hơn 32%, từ 1.344 tỷ xuống còn 913 tỷ đồng. Trong quý I/2025, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng tăng 7,3%, trong khi tổng chi phí tăng gần 15%, do đó thu hẹp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, chỉ tăng khiêm tốn 4,7%, đạt 14.934 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro của VietinBank dường như đi ngang so với cùng kỳ, do đó nới rộng mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm trước. Số dư nợ xấu tính đến cuối quý I tăng 31%, lên mức 27.971 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu lên 1,55%.

Chi phí dự phòng rủi ro của Techcombank giảm 10% trong quý đầu năm nay, chỉ trích gần 1.100 tỷ đồng. Vì thế, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.236 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số dư nợ xấu tăng 9,6% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ (tính bằng nợ nhóm 3, 4 và 5 chia tổng cho vay khách hàng) ở mức 1,17% - vẫn là mức thấp so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong quý I/2025, TPBank giảm 59% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 490 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,109 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhưng đi cùng xu hướng chung của toàn hệ thống, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/3 của Ngân hàng là gần 5,971 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 1,52% đầu năm lên 2,27%.

Trong khi đó, ACB tăng 22% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích hơn 626 tỷ đồng trong quý I/2025. Kết quả, Ngân hàng giảm 6% lãi trước thuế, còn gần 4,597 tỷ đồng, chủ yếu do Ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) ở mức cao trên 20%.

Tại Saigonbank, dù tín dụng tăng trưởng âm, song nợ xấu lại đi lùi, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 685 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cuối năm trước, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,66% lên mức 3,28%. Vì vậy, Saigonbank trích hơn 66 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm nay, gấp gần 10 lần so với cùng kỳ. Song nhà băng này vẫn báo lãi trước thuế tăng 44%, lên hơn 98 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch đề ra.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/3/2025 của PGBank tăng 16%, lên 1,229 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 48%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 2,57% đầu năm lên 2,71%. PGBank dành gần 147 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, gấp 3,5 lần cùng kỳ, nên chỉ còn gần 96 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17%.

Thực tế cho thấy, bộ đệm dự phòng không còn “dày”, nhưng có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ nhìn chung có bộ đệm dự phòng thấp hơn nhóm các ngân hàng quốc doanh.

Mô hình tập đoàn tài chính của nhiều ngân hàng thương mại: Vũ khí cạnh tranh, còn trống pháp lý
Mô hình tập đoàn tài chính của nhiều ngân hàng thương mại ngày càng định rõ. Dù đây là xu thế tại các thị trường phát triển và không thể...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư