Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Khối ngoại: Khi xả mạnh, khi mua ròng
Chí Tín - 14/09/2013 07:20
 
Từ đầu tháng 9 đến nay, giao dịch của khối ngoại đã có chiều hướng cân bằng hơn, sau giai đoạn xả hàng trước đó. Cụ thể, trong 10 ngày đầu tháng 9, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng.

Tuy vẫn bán ròng trên sàn chứng khoán TP.HCM tính về khối lượng, nhưng khối ngoại lại mua ròng nếu tính về giá trị giao dịch. Động thái này phần nào cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng mua vào những cổ phiếu có thị giá lớn.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán hiện rất khó lường. (Ảnh: Đ.T)

Theo dõi diễn biến gần đây của các cổ phiếu lớn có sức chi phối thị trường, trạng thái giằng co vẫn diễn ra dai dẳng, khá nhiều mã cổ phiếu lớn như GAS (Tổng công ty Khí), MSN (Tập đoàn Masan), VNM (Vinamilk)... đang giao dịch cân bằng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường trong nước hiện vẫn theo sát động thái của các thị trường trong khu vực.

Tuy nhiên, độ “co giãn” của thị trường trong nước thường không lớn như các thị trường khác (VN-Index thường biến động cùng chiều với các thị trường khác, nhưng mức biến động nhẹ hơn).

Thời gian gần đây, việc sụt giảm của VN-Index cuối tháng 8 cũng như sự phục hồi nhẹ của chỉ số này trong một số phiên đầu tháng 9 đều có sự ảnh hưởng từ các thị trường xung quanh.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, sau đợt tuột dốc mạnh trước đó, nhiều thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á lại phục hồi mạnh trong đầu tháng 9. Tuy nhiên, theo ông Bình, sự phục hồi này tại các thị trường châu Á có thể sẽ không ổn định, nên việc các thị trường này quay đầu giảm giá là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi đó, quan sát diễn biến của thị trường các nước trong khu vực ngày 11/9, rất nhiều thị trường cũng phát những tín hiệu không mấy tích cực. Chiều ngày 11/9, một số chỉ số chứng khoán châu Á như Jakarta Composite (Indonesia), Straits Times Index (Singapore), Hang Seng Index (Hồng Kông), KLSE Composite (Malaysia)… đều trong trạng thái giảm điểm.

Đánh giá về những động thái của các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây, ngoài ảnh hưởng từ kế hoạch “Thu hẹp gói QE” (gói nới lỏng định lượng thông qua việc bơm tiền mua các công cụ tài chính) của Chính phủ Mỹ, còn có cả những nguyên nhân khác.

Theo ông Bình, các thị trường chứng khoán mới nổi vừa trải qua một chu kỳ tăng điểm khá dài, kéo dài đến gần 4 năm nay. Do đó, đây cũng có thể là một giai đoạn điều chỉnh mang tính trung hạn của các cổ phiếu niêm yết tại đây.

Ngoài yếu tố liên quan đến động thái của các nhà đầu tư nước ngoài và diễn biến của các thị trường trong khu vực, hiện nhà đầu tư cũng đang dõi theo tình hình kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết.

Khoảng 1 tháng nữa, nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý III, nên hiện tại là thời điểm để nhà đầu tư dự đoán, nghe ngóng thông tin kinh doanh quý III để đưa ra quyết định đầu tư.

Thực tế, hiện đã lác đác một vài doanh nghiệp tiết lộ tình hình kinh doanh 8 tháng. Đây được xem là cơ sở để nhà đầu tư dự đoán tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) cho biết, trong tháng 8, Công ty giao bán được gần 3.000 tấn mủ thành phẩm với giá bán bình quân hơn 49 triệu đồng/tấn. Lũy kế 8 tháng đạt 16.730 tấn thành phẩm, giá bán bình quân 56,68 triệu đồng/tấn. Doanh thu thành phẩm đạt 948 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận tháng 8 ước đạt 22 tỷ đồng, lợi nhuận luỹ kế 8 tháng đạt 222 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sản xuất - thương mại may Sài Gòn (GMC) đạt doanh thu khoảng 750 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế 52 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) đạt 141 tỷ đồng lợi nhuận trong 8 tháng…

Chứng khoán vẫn đối mặt với áp lực xả hàng
Tuần vừa qua, chỉ trường chỉ có một phiên tăng điểm duy nhất đầu tuần và sau đó là bốn phiên giảm liên tiếp. Điểm đáng lo ngại là dấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư