Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Khối ngoại ròng rã bán phiên thứ 7, Sotrans tăng kịch trần phiên thứ 4
An An - 17/08/2020 22:59
 
Đã là phiên thứ 7 liên tiếp khối ngoại bán ròng nhưng giá trị bán ròng đã giảm mạnh. STG là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất phiên hôm nay với câu chuyện riêng về M&A.

Khối ngoại giảm bán ròng, cổ phiếu vốn hóa lớn kéo chỉ số hồi phục

Vn – Index đóng cửa phiên 17/8 vẫn giữ được mốc 850 điểm dù chỉ số đã rơi sâu xuống thấp nhất tại mức 841,9 điểm đầu giờ chiều nay. Sự phục hồi này có được nhờ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ngược dòng gồm VIC, HPG, VNM. Cổ phiếu của hai ngân hàng lớn là VCB và TCB giữ sắc xanh trong phần lớn phiên giao dịch, đồng thời cũng là hai cổ phiếu đóng góp tăng nhiều nhất cho chỉ số. Cổ phiếu VCB tăng 0,37%, TCB tăng tới 1,5% so với cuối tuần trước và là một trong những cổ phiếu giao dịch tích cực nhất trong phiên

Ở chiều ngược lại, BIDV giảm 300 đồng (-0,77%) lại ghì chỉ sổ giảm nhiều nhất. Nhóm ngân hàng phân hóa mạnh trong phiên giao dịch giằng co hôm nay.  

Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 0,59 điểm (-0,07%) còn 850,15 điểm, ghi nhận phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp. Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn với 233 mã giảm trên HoSE. 18/30 cổ phiếu trong nhóm doanh nghiệp thuộc VN30 giảm giá. Ngược lại, nhờ sức bật cuối phiên, HNX-Index tăng 0,98 điểm (+0,84%) lên 117,21 điểm.

Khối ngoại đã bán ròng 7 phiên liên tiếp trên sàn HoSE và cũng là phiên thứ 4 liên tục trên sàn HNX. Điểm chung là  lực bán của khối ngoại đã thu hẹp đáng kể. Khối lượng bán ròng trên cả hai sàn chỉ là gần 94 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị bán ròng phiên cuối tuần trước.

Thanh khoản thị trường cũng giảm sau khi tăng đột biến vào cuối tuần trước. Giá trị giao dịch trên hai sàn niêm yết là 4.400 tỷ đồng.

.
VN-Index giữ vững mốc 850 điểm sau phiên giao dịch giằng co

Sotrans tăng trần: Đại gia IndoTrans quyết gom hết cổ phiếu từ nhỏ lẻ?

Trên sàn HoSE, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong phiên giao dịch là STG với mức tăng trần (7%). Đây cũng đã là phiên giao dịch thứ 4 liên tiếp cổ phiếu tăng kịch biên độ. Tuy nhiên, thanh khoản khá thấp với giá trị giao dịch chỉ vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Nguyên nhân bởi cơ cấu cổ đông cô đặc với hai cổ đông lớn là CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần và Gelex Logistics. Thực tế, Indo Trần đã nắm 96,56% vốn Sotrans. Công ty này đã ký hợp đồng với Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) để nhận lại toàn bộ vốn của Gelex Logistics. Vấn đề duy nhất chưa hoàn tất chỉ còn là về thủ tục. Số lượng cổ phiếu do các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ 3,44% vốn điều lệ, tương đương gần 3,38 triệu cổ phiếu.

Cuối tuần trước, Sotrans đã đánh tiếng để mua 100% vốn của hai doanh nghiệp logisitics đang niêm yết trên sàn, gồm CTCP Vận tải Đa Phương Thức Vietranstimex (VTX) và Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (Sowatco, SWC). Đây cũng là công ty con của Sotrans với tỷ lệ sở hữu đã đạt 84%. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 17/8 - 10/9/2020. Số tiền cần chi ra ước tính 1.000 tỷ đồng. Indo Trần, doanh nghiệp đứng đằng sau sở hữu chi phối Sotrans, cũng vừa tuyên bố nhận được khoản vay trị giá 70 triệu USD từ IFC một tuần trước. Phía công ty cho biết, thương vụ huy động vốn này cho phép Indo Trần sở hữu hệ thống về cảng biển, cảng sông, hệ thống sà lan thủy nội địa, ICD, kho bãi và cho phép ITL bắt đầu chiến lược thương hiệu kép (dual – brand) khi sở hữu được các thương hiệu truyền thống với hệ thống vận hành mạnh qua nhiều năm.

Thị trường chứng khoán: Khó kỳ vọng dòng vốn mới cuối năm
TTCK Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biến động chính trị trên thế giới tới sức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư