Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Khối ngoại trở lại thị trường chứng khoán?
Thanh Thủy - 05/04/2022 08:17
 
Giá trị mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong 2 tuần gần đây đạt trên 3.300 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng đang thu hút sự chú ý của nhóm này.
Vẫn có các yếu tố tích cực khiến chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn.

Tín hiệu đảo chiều

Thống kê từ ngày 21/3 đến 1/4, giá trị giải ngân ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Trong đó, riêng 2 phiên 21/3 và 23/3, giá trị mua ròng đạt trên ngàn tỷ đồng. Gần đây, khối ngoại duy trì chuỗi mua ròng 4 phiên liên tiếp, tuy giá trị khiêm tốn hơn.

Dù mới xét trong một giai đoạn chưa quá dài, đây vẫn là tín hiệu khá tích cực trong bối cảnh khối ngoại đã ròng rã bán hơn 2 năm qua. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục 62.237 tỷ đồng trong năm 2021 và 18.794 tỷ đồng trong năm 2020. Trong quý I/2022, dù đã có sự trở lại của dòng tiền khối ngoại, nhưng nhóm này vẫn bán ròng gần 7.250 tỷ đồng.

Điểm khá đặc biệt trong đợt mua ròng 2 tuần gần đây là dòng tiền của khối ngoại tập trung cao về một số ít cổ phiếu. Cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hòa chất Đức Giang bất ngờ được khối ngoại lùng mua với nhiều phiên giao dịch được khối ngoại giải ngân ròng 200-300 tỷ đồng. Hiện chưa lộ diện tổ chức nước ngoài nào mạnh tay gom cổ phiếu này.

Số liệu thống kê quý I/2022 cho thấy, khối ngoại đã giải ngân ròng hơn 1.890 tỷ đồng vào cổ phiếu DGC - đứng thứ hai trong nhóm cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất. Đứng đầu trong danh sách này là cổ phiếu của Sacombank (STB) với giá trị mua ròng 2.026 tỷ đồng riêng quý I, mà Dragon Capital là một trong các bên mua chính. 

Một cổ phiếu khác cũng được khối ngoại trở lại mua ròng đột biến trong 4 phiên gần đây là VNM của Vinamilk, với giá trị mua ròng hơn 480 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã bị nhà đầu tư nước ngoài ròng rã bán trong thời gian dài, đưa tỷ lệ sở hữu của khối ngoại giảm từ mức gần 58% cách đây 2 năm xuống còn dưới 54% và đang nhích nhẹ những ngày gần đây.

Sức hấp dẫn từ vĩ mô ổn định

Không riêng tại thị trường Việt Nam, dòng vốn ngoại thời gian qua cũng rút mạnh tại nhiều thị trường mới nổi và cận biên khác trong bối cảnh nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam đang thu hút các quỹ đầu tư từ Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).

Trong tháng 3/2022, SCB Vietnam Equity Fund (SCBRMViet - một quỹ đầu tư do SCB Asset Management của Thái Lan quản lý) đã hoàn tất huy động vốn để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và giải ngân từ ngày 8/3. Đầu năm, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (Đài Loan) đã huy động thành công 143 triệu USD gia nhập thị trường.

Đánh giá về thị trường Việt Nam, trong báo cáo mới đây, ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund (Phần Lan) cho rằng, Việt Nam có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp. Dù có rủi ro từ khả năng tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Mỹ giảm sút, tác động đến hoạt động xuất khẩu, xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhờ khả năng cạnh tranh và nội lực của doanh nghiệp Việt.

Pyn Elite Fund dự báo, tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 các doanh nghiệp niêm yết năm khoảng 25%, đưa P/E dự phóng VN-Index về mức 13,3 lần - thấp hơn con số của Thái Lan (17,7 lần). Theo ông Petri Deryng, chứng khoán Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với mức định giá P/E cao hơn.

Với vai trò hàn thử biểu của nền kinh tế, chứng khoán Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn từ yếu tố bất định như tình hình dịch Covid-19, hay xu hướng tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thêm đó là các rủi ro khi dư nợ margin đã tăng nhanh, cùng sự gia nhập của lượng lớn nhà đầu tư cá nhân dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hay xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể tiếp tục kéo dòng vốn ngoại khỏi các thị trường mới nổi.

Dù vậy, vẫn có các yếu tố tích cực khiến chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn. Các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô quý I đều tích cực. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng, nhưng chính sách tiền tệ vẫn ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục xu hướng hồi phục tích cực, với tổng vốn đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Với thị trường chứng khoán, sức hấp dẫn còn đến từ những câu chuyện riêng, như kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sôi động trở lại sau thời gian không mấy tiến triển một phần vì đại dịch…

Hàng loạt động thái mạnh mẽ, gồm sự vào cuộc của cơ quan điều tra đối với hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội gián gần đây, cho thấy việc thực hiện siết kỷ luật kỷ cương thị trường. Điều này mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi quỹ ETF ngoại từng nhận trái đắng khi đầu tư cổ phiếu bị làm giá.
Cổ phiếu ngân hàng “gánh” thị trường, khối ngoại mạnh tay giải ngân
Dòng cổ phiếu ngân hàng và dầu khí tiếp tục tác động tích cực lên thị trường và là trụ cột chính nâng đỡ chỉ số.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư