Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Khối ngoại vẫn mạnh tay bán ròng, cổ phiếu dệt may ngược dòng tăng giá
Tùng Linh - 31/05/2024 16:48
 
Chuỗi bán ròng của khối ngoại kéo dài 6 phiên liên tiếp. Điều này tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư và khiến VN-Index tiếp tục chốt phiên trong sắc đỏ về mốc 1.261,72 điểm.

Bước sang phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 (31/5), giao dịch vẫn có phần tích cực sau khi thị trường hồi phục tương đối tích cực ở cuối phiên trước. Nhiều cổ phiếu lớn tăng giá đã giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng vẫn không quá mạnh khi tâm lý thận trọng nhanh chóng quay trở lại, trạng thái tranh chấp mạnh giữa bên mua và bên bán tiếp tục diễn ra.

Sự tranh chấp càng diễn ra mạnh hơn khiến biên độ biến động của thị trường cũng lớn hơn. Ngay khi thị trường bật tăng tốt và đưa ra tâm lý hứng khởi cho nhà đầu tư thì áp lực bán lại xuất hiện và đập tan tâm lý này. Các chỉ số cũng ngày càng yếu dần khi về đến cuối phiên khi bên mua thì thận trong trong khi bên bán mất kiên nhẫn.

Tâm lý nhà đầu tư đặc biệt bị ảnh hưởng bởi việc bán ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian gần đây, riêng trong phiên hôm nay, khối ngoại đã bán ròng 1.400 tỷ đồng ở sàn HoSE. Khối ngoại cũng bán ròng 96 tỷ đồng ở UPCoM và 4 tỷ đồng ở HNX. Đây đã là phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp trên cả ba sàn. 

Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh có VHM, VCB, MWG, VNM, MBB, VRE…, trong đó, VHM bị bán ròng đến 645 tỷ đồng. VCB cũng bất ngờ bị bán ròng tới 257 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, TCB được mua ròng mạnh nhất với 63 tỷ đồng. MSN và FPT được mua ròng lần lượt 53 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.

Top các cổ phiếu được khối ngoại giao dịch nhiều nhất trong phiên - Nguồn: Dstock

Quay trở lại với diễn biến của thị trường chung, nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 như GVR, SAB, VCB, BID, GAS… đều giảm giá và gây áp lực lớn đến VN-Index. Trong đó, VCB giảm 1,6% và lấy đi của VN-Index 2,01 điểm. BID giảm 1,26% và cũng lấy đi 0,89 điểm.

Ở hướng ngược lại, HPG tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 0,51 điểm, chốt phiên, HPG tăng 1,24%. VIC cũng có đóng góp tốt giúp kìm hãm phần nào đà giảm của VN-Index. VIC trong phiên tăng 0,93% và đóng góp 0,34 điểm

Nhóm cổ phiếu bán lẻ có sự góp mặt của MWG và FRT trong danh sách ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Trong đó, MWG tăng 1,27% còn DGW tăng 1,7%. Cổ phiếu bán lẻ tăng được cho là đến từ thông tin thông qua đề nghị giảm thuế VAT đến hết năm 2024. Cụ thể, Ngày 28/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 81/NQ-CP về đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ban hành.

Nhóm cổ phiếu dệt may có một phiên giao dịch tốt khi ghi nhận các mã như FTM, ADS… tăng trần. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Tổng công ty Đức Giang (MGG) tăng 9%, Vinatex (VGT) tăng gần 6%, May 10 (M10) tăng 4,88%, Dệt may Thành Công (TCM) tăng 5,4%... Cùng với đó, nhóm bất động sản cũng ghi nhận một số cổ phiếu tích cực trong đó, NVL tăng 2%, IDJ tăng 2,5%, NTL tăng 4%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,6 điểm (-0,36%) xuống 1.261,72 điểm. Toàn sàn có 198 mã tăng, 222 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,38%) xuống 243,09 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 83 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,08%) lên 95,88 điểm.

Cổ phiếu vốn hoá lớn giao dịch tiêu cực kéo VN-Index giảm điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 771 triệu cổ phiếu, trị giá 18.740 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 3.293 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.447 tỷ đồng và 1.007 tỷ đồng.

EIB là mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 20 triệu đơn vị được khớp lệnh, tiếp sau đó, HPG và VIX khớp lệnh lần lượt 17,7 triệu đơn vị và 16,9 triệu đơn vị.

Xét về giá trị giao dịch, MWG vươn lên trở thành cổ phiếu hút dòng tiền mạnh nhất với giá trị giao dịch đạt 651 tỷ đồng, tiếp đến là cổ phiếu của “vua thép” Hoà Phát (505 tỷ đồng), MSN (434 tỷ đồng)...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư