Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khối nội tăng tốc, khối ngoại xoay chuyển chiến lược M&A
Bích Ngọc - 23/11/2022 14:26
 
Năm 2022, khối nội đã nỗ lực giành lại vị trí nhà đầu tư M&A lớn nhất thị trường, trong khi đó, hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại tăng về chất.

Bất chấp những khó khăn hiện hữu, thị trường M&A tại Việt Nam năm 2023 vẫn được đánh giá tích cực, với sự trỗi dậy của nhiều lĩnh vực mới.

Xét về tăng trưởng giá trị, năng lượng là lĩnh vực “hot” nhất trên thị trường M&A tại Việt Nam trong năm 2022. Ảnh: Đ.T

“Sóng nội” trội hơn “sóng ngoại”

Khảo sát mới đây của KPMG cho thấy, thời gian qua, thị trường liên tục chứng kiến xu hướng chuyển dịch dòng vốn M&A từ các nhà đầu tư ngoại sang các nhà đầu tư nội.

Trong các giai đoạn trước, hoạt động M&A chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện (đặc biệt là từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...), nhưng từ năm 2020, các công ty trong nước ngày càng tích cực hơn. Nhà đầu tư trong nước đã bắt kịp tốc độ, chiếm lĩnh thị trường M&A khi họ cần kênh huy động vốn để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và cải cách mô hình kinh doanh. Điều này thể hiện qua việc mở rộng tỷ trọng trong giá trị thương vụ so với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy giảm về lượng, song hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại lại tăng về chất. Khối ngoại, tiêu biểu là các nhà đầu tư Singapore, Mỹ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (trong nhóm 5 nhà đầu tư hàng đầu thị trường), vẫn đóng góp đến hơn 40% tổng giá trị thương vụ trong năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bình Lê, Phó chủ tịch Tiểu ban Tài chính bền vững (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - AmCham Việt Nam) khẳng định, bất chấp những thách thức và bất ổn trên thế giới hiện nay như xung đột chính trị, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, các dấu hiệu suy thoái kinh tế…, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn cho M&A.

Ông Steven Brown, Giám đốc bán hàng Định chế Việt Nam (Mirae Asset Securities) đánh giá: “Quy mô các thương vụ M&A ngày càng lớn và các cơ hội giao dịch chưa bao giờ đa dạng như hiện nay. Điều này được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế của Việt Nam và tăng trưởng GDP bình quân đầu người mạnh mẽ. Người Việt Nam cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ, biết bảo vệ môi trường và năng lượng, độc lập về tài chính và có ý thức về sức khỏe. Theo đó, cơ hội M&A trong các lĩnh vực này đang tăng rất cao”.

Bên cạnh đó, ông Steven Brown cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẵn sàng tham gia các khoản đầu tư lớn liên kết và hỗ trợ tiêu dùng nội địa tại Việt Nam, các dịch vụ tài chính, dược phẩm, y tế, sức khỏe hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp xuất khẩu.

Còn với các nhà đầu tư Singapore, Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng nhất. Tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 lần lượt vượt 10,7 tỷ USD và 4,1 tỷ USD, giúp Singapore tiếp tục đứng trong top những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Các khoản đầu tư của Singapore tập trung vào lĩnh vực sản xuất, bất động sản, thương mại bán buôn và bán lẻ.

“Dựa trên các con số này, chúng tôi tin rằng, hoạt động đầu tư và M&A của Singapore tại Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn hiện tại và chưa rõ ràng”, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam nhận định.

Sự trỗi dậy của nhiều lĩnh vực mới trong năm 2023

Năm 2022, các thương vụ tiêu biểu nhất đến từ bất động sản, năng lượng tái tạo và tiêu dùng. Trong đó, năng lượng và tiện ích công cộng là một trong những ngành nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhà đầu tư. 10 tháng của năm 2022, ngành năng lượng và tiện ích công cộng có sự gia tăng vượt trội, số lượng giao dịch tăng gấp đôi, tổng giá trị giao dịch đạt 676 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2021. Với xu hướng chuyển trọng tâm sang lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng và tiện ích công cộng đang có cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư.

Dự báo thị trường năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, tuy vẫn còn nhiều lo ngại về sự bất ổn kinh tế trong và ngoài nước, thị trường M&A năm 2023 vẫn chứa đựng nhiều cơ hội

Đáng chú ý, những xu hướng mới như “Go Green” (sống/kinh doanh xanh) cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ mang lại nhiều khoản đầu tư hơn cho lĩnh vực năng lượng, cũng như những lĩnh vực phục vụ khách hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Ở góc nhìn khác, ông Steven Brown chia sẻ, các lĩnh vực M&A “truyền thống” tại Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc.

“Chúng tôi nhận thấy, trong tương lai, các doanh nghiệp tiêu dùng và ẩm thực vẫn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư;  dịch vụ tài chính, tài chính tiêu dùng và ngân hàng cũng tương tự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tốt trong lĩnh vực IoT, fintech, thương mại điện tử, trò chơi điện tử và blockchain ngày càng phổ biến. Nhiều công ty Hàn Quốc tham gia thành công trong các lĩnh vực này nhận thấy, họ có thể mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam và đang tích cực tìm kiếm các liên minh chiến lược, hoặc thảo luận cơ hội M&A với các đối tác Việt Nam”, ông Steven Brown thông tin.

Trong khi đó, ông Seck Yee Chung nêu cao vai trò của chuỗi cung ứng và hậu cần, nền kinh tế xanh và nền kinh tế kỹ thuật số đối với nhà đầu tư Singapore.

“Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã nêu bật tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và ngành logistics. Các doanh nghiệp Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực logistics bằng cách cung cấp tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực và các giải pháp kỹ thuật số”, ông Seck Yee Chung nói.

Ngoài ra, nền kinh tế xanh, kinh tế kỹ thuật số, các dự án hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo sẽ trở thành mục tiêu đầu tư tiếp theo của Singapore.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

.
Ông Shon Young IL, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM).

M&A trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng mạnh. 

Những năm gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu. Tiềm năng tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam rất lớn, nên các khoản đầu tư và giao dịch M&A trong lĩnh vực này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh ô tô, hóa dầu, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, dịch vụ giải trí và văn hóa. Bên cạnh đó, ngành giải trí Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, sẽ là lĩnh vực tiềm năng cho các hoạt động M&A trong tương lai.

Cơ hội gia nhập thị trường bất động sản và mở rộng quy mô

Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh, Gamuda Land (HCMC)
Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh, Gamuda Land (HCMC)

Với doanh nghiệp bất động sản, quỹ đất là tiền đề cốt lõi và M&A là giải pháp chiến lược để mở rộng quỹ đất nhanh chóng nhất. Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện các biện pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản, rà soát các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, rất nhiều cơ hội đang mở ra cho chủ đầu tư ngoại gia nhập thị trường hoặc mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần cập nhật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho M&A, các quy định pháp luật về đầu tư - kinh doanh bất động sản ( đấu giá, đấu thầu, cơ chế xác định giá đất…). Hy vọng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tạo động lực cho thị trường phát triển sôi nổi hơn.

Chìa khóa để Việt Nam phát huy tiềm năng       

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM

Các động thái tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, như việc di dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, đang được thúc đẩy và Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp trên thế giới.

Trong dự báo triển vọng kinh tế thế giới do IMF công bố tháng 9/2022, trong khi nhiều nước được điều chỉnh giảm, thì Việt Nam được điều chỉnh tăng tới 1%. Phát triển công nghiệp hỗ trợ và nuôi dưỡng nguồn nhân lực công nghiệp sẽ là chìa khóa để Việt Nam phát huy tiềm năng và tăng trưởng kinh tế hơn nữa trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thị trường M&A được kỳ vọng sẽ sôi động và cạnh tranh hơn

Ông Nguyễn Anh Khoa, Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư năng lượng, VinaCapital
Ông Nguyễn Anh Khoa, Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư năng lượng, VinaCapital

Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh, trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất điện tái tạo ở Đông Nam Á. Năng lượng tái tạo sẽ trở thành một phần quan trọng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm cơ hội gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam, chủ yếu tập trung mua lại các công ty đang hoạt động.

Trước đây, hầu hết giao dịch M&A diễn ra với các tài sản đơn lẻ, quy mô nhỏ và thường bán 100% cổ phần. Trong vòng 6 tháng tới, thị trường M&A được kỳ vọng sẽ sôi động và cạnh tranh hơn, có khả năng tạo ra nhiều điểm gia nhập hấp dẫn hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư