Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Khôi phục các dáng hoa thủy tiên cổ truyền
Thủy Tiên - 27/04/2023 20:35
 
Thú chơi hoa thủy tiên của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng đã có từ rất lâu. Trải qua thời gian với nhiều thay đổi, thú chơi tao nhã của người Hà thành đang hồi sinh.

Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử. Văn hóa chơi hoa thủy tiên của người Việt Nam cũng như vậy, tưởng như bị thất truyền do biến đổi của thời cuộc, nay đã được khôi phục lại. Trong quá trình đó luôn có những người Việt ở nước ngoài đồng hành cùng những người yêu hoa thủy tiên trong nước.

Hoa thủy tiên tạo dáng “Mẫu tử”, Tác giả: Trần Hiếu

Trong truyện ngắn Hương Cuội của Nguyễn Tuân, cụ Kép làng Mọc đã cho rằng nghệ thuật chơi hoa là “cái đạo của người tài tử”. Nếu thế gian coi mai, lan, cúc, trúc là “tứ quý”, người Việt Nam ta luôn nghĩ rằng trong tất cả các loại hoa nếu xét về độ lưu hương, thanh nhã, tạo hình được theo ý muốn thì hoa thủy tiên phải là độc nhất vô nhị.

Ngày xưa các cụ chỉ truyền khẩu nghệ thuật chơi hoa thủy tiên. Các nhà văn tiền chiến cũng chỉ viết lên cái đẹp, cái quý của hoa thủy tiên mỗi độ xuân về. Có người thì chỉ viết về các cuộc thi hoa vào lúc giao thừa, chứ chưa ai chỉ vẽ cách gọt tỉa, chăm sóc như thế nào để có một bát hoa theo ý của mình cả. Trải qua một thời gian dài sau chiến tranh, văn hóa chơi hoa thủy tiên đã thất truyền.

Các bát hoa thủy tiên dáng thấp ở Hà Nội những năm 1910 (ảnh tư liệu)

Đến đầu những năm 1990, một nhóm người ở làng Quảng Bá - Hà Nội trong đó có ông Nguyễn Phú Cường đã tìm cách khôi phục lại thú chơi này. Nhưng các bát thủy tiên hoa lá vẫn thẳng đuỗn như cây hành, không giống như bát hoa trong các bức ảnh cổ. Cho đến năm 2003 như một cơ duyên, ông Cường gặp được cụ Phạm Hữu, một Việt kiều từ Mỹ về Hà Nội ăn Tết. Thật bất ngờ khi bí quyết gọt tỉa hoa lá thấp lại theo chân những người Việt Nam ra hải ngoại, bây giờ được cụ Hữu trao truyền cho ông Cường.

Ông Nguyễn Phú Cường (áo nâu) đang ngắm các dáng hoa thủy tiên

Tôi có dịp trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách về những chiếc ly thủy tinh, bát men sứ cùng các dáng thế thủy tiên. Củ hoa thủy tiên có cấu tạo là 1 củ chính to, ở hai bên có từ 2 nhánh nhỏ. Sau khi gọt tỉa, qua một quá trình chăm sóc khoảng 15-20 ngày cũng tự hình thành các dáng thế cao - thấp, lá cong uốn lượn, rễ dài trắng muốt. Nhưng để có một bát hoa phát triển theo ý muốn lại cần người chơi dụng công cắt tỉa tạo hình ngay từ đầu, và chăm dưỡng theo các phương pháp đặc biệt hơn. Ông Trịnh Bách cho tôi biết trong những năm 1960 ở Huế và Sài Gòn ngoài các dáng hoa lá tự nhiên, người ta còn chơi thủy tiên như trong tản văn “Ăn Tết thủy tiên” viết: “Muốn trúng cách, phải toàn bích mới được, dù rằng mình muốn gọt kiểu Long, kiểu Phượng, kiểu Lân, kiểu Quy, nhưng đúng giờ định đoạt, mỗi giò phải có vài cái nụ, mà nụ thì phải là hàm tiếu”. Từ những trao đổi và thử nghiệm gọt tỉa củ hoa thủy tiên nhiều năm qua, tôi đã nghiên cứu và tổng hợp được cách tạo hình hoa thủy tiên “tứ linh”.

Hoa thủy tiên tạo dáng Long (trái), Lân (phải)

Dáng long: lá được xén khoảng 2mm từ đầu lá đến chân lá, cạo thêm ở thân để uốn lượn quanh bát hoa tượng trưng như rồng trong ổ hoặc vân mây. Hoa làm thấp giống như những viên ngọc lung linh. Có từ 1-3 nhánh lá cạnh nhau không bị cắt tỉa, vươn cao mạnh mẽ, hiếm nhất là nhánh “lá kiếm” (có phần đầu các lá hơi gấp nhọn, lúc thấp thì đầu các lá khít vào nhau như đầu lưỡi kiếm). Rễ phải dài và trắng mới đạt.

Dáng lân: lá được xén nhiều ở trên, tỏa ra xung quanh uốn lượn như râu và bờm kỳ lân. Hai nhánh ở 2 bên giữ nguyên vỏ củ phía hướng ra ngoài giống như hai má của kỳ lân. Hoa vươn cao hơn dáng long.

Hoa thủy tiên tạo dáng Quy (phải), Phượng (trái)

Dáng quy: hoa thấp, tất cả các lá ở phía dưới. Lá được xén vát cạnh từ trên xuống để khi phát triển sẽ xoắn thành vòng tròn như những hoa văn trên mai rùa.

Dáng phượng: hoa cao tỏa ra xung quanh làm đuôi phượng. Lá chỉ xén gần chân, hai nhánh ở bên chỉ cắt bỏ lớp vỏ phía hướng ra ngoài. Khi lá cao sẽ phát triển về phía vầng rễ giống như phượng hoàng tung cánh. Có ít nhất 1 nhánh lá phía sau không xén, tượng trưng cho phần đầu.

Trong bốn dáng Long - Lân - Quy - Phượng, dáng quy gọt tỉa khó và mất nhiều thời gian nhất. Người chơi phải mở lớp vỏ đủ để xén vát chéo từng chiếc lá. Nếu lá nào xén thẳng hoặc lớp vỏ mở chưa đủ rộng thì lá đó sẽ không xoắn tròn. Cành hoa cũng cần cạo và “điểm huyệt” nhiều hơn. Với dáng thủy tiên được gọt tỉa cơ bản - hoa lá cao thấp tự nhiên, người ta có thể cạo ít, bỏ bớt lá cho củ thông thoáng, tránh nấm mốc. Nhưng để tạo hình theo ý muốn cần xác định thời điểm, gọt phía nào, nhiều hay ít, cần bỏ bớt lá hay không. Củ luôn được tắm rửa vệ sinh, điều chỉnh bằng các cách: xén, giữ, uốn, kéo. Nếu muốn rễ dài, trắng thì ta chải chuốt, làm sạch từng đầu rễ. Những việc trên cần theo dõi và làm 1-2 lần/ngày. Khi đã thành thạo các phương pháp, người chơi sẽ biến hóa thành các dáng thủy tiên cổ truyền khác như: tam đa, ngũ phúc, long thăng, phượng vũ, phụ tử, huynh đệ,... Từ đó phát triển thành các tác phẩm tạo hình hoa thủy tiên hiện đại.

Tác phẩm tạo hình hoa thủy tiên hiện đại phát triển từ dáng phượng

Bí quyết gọt tỉa hoa thủy tiên dáng thấp được lưu giữ ở hải ngoại, nhưng chưa ai có các tác phẩm tạo hình đẹp giống như xưa. Giờ đây nhiều người Việt Nam ở nước ngoài rất ngỡ ngàng khi thú chơi hoa thủy tiên đã được khôi phục hoàn toàn. Hữu xạ tự nhiên hương, người Việt dù ở cách xa nửa vòng trái đất đang cùng nhau trao đổi, hòa hợp để phát triển thú chơi này thành văn hóa chơi hoa thủy tiên. Chúng ta cũng góp một phần nhỏ trong công cuộc khôi phục văn hóa, kinh tế đất nước giống như đoạn cuối một bài hát: “Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời…”

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư