Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Không còn than về lãi suất, doanh nghiệp sợ nhất điều gì?
Thùy Liên - 20/10/2023 18:35
 
Câu chuyện lãi suất không còn nóng trong các hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp, thay vào đó là câu chuyện đầu ra, câu chuyện pháp lý, điều kiện tiếp cận vốn...
f
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì

Trao đổi với báo Đầu tư, ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Đắk Lắk cho hay, hiện lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7%/năm, dài hạn khoảng 10%/năm. Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này, theo ông Thanh, không phải là lãi suất, mà là đầu ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của nhiều lĩnh vực, ngành hàng đều giảm sút.

“Nhiều tháng nay, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, hay nói cách khác là không biết vay vốn để làm gì”, ông Thanh cho biết thêm.

Phát biểu tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên diễn ra ngày 20/10, ông Nguyễn Văn Cửu, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV 2/9 - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước với doanh số gần 7.000 tỷ đồng cũng cho hay, dư nợ vay của công ty ông niên vụ tài chính vừa qua là 5.300 tỷ đồng, song thời điểm hiện tại, chỉ còn 20 tỷ đồng, nguyên nhân là chưa đến mùa vụ cà phê.

Theo ông Cửu, năm 2022, lãi suất cho vay cao khiến chi phí lãi vay của công ty ông tăng từ 40 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay liên tục hạ và việc tiếp cận vốn cũng dễ thở hơn.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ còn khoảng 4,4%/năm, lãi suất cho vay tiền đồng khoảng 6-10% tùy từng lĩnh vực, ngành nghề.

Các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất không còn là vấn đề lớn, điều doanh nghiệp mong chờ nhất hiện nay là mặt bằng lãi suất thấp được duy trì ổn định lâu dài, đồng thời các cơ quan ban ngành có thêm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra, hỗ trợ vướng mắc pháp lý…

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam, chuyên sản xuất và cung ứng hoa cho thị trường Nhật Bản cho biết, khó khăn chính về tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Lâm Đồng là do khả năng tài chính, khả năng trả nợ thấp. Ngoài ra, với doanh nghiệp sản xuất hoa công nghệ cao, giá trị tài sản trên đất rất lớn (nhà kính) song lại chưa được ngân hàng tính làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp khiến doanh nghiệp bất an trong quá trình sản xuất.

Vì vậy, bà Trâm đề nghị các bộ, ngành cần có chương trình bảo hiểm nông nghiệp để giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đồng thời các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn về ghi nhận tài sản trên đất để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn.   

Ông Lại Thế Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội hoa Lâm Đồng cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp hoa trên địa bàn rất khó khăn do cầu giảm sút, giá hoa rẻ, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải chuyển sang trồng rau. Ông Hưng cũng kiến nghị có cơ chế để doanh nghiệp có thể sử dụng tài sản trên đất làm tài sản thế chấp.

Ông Hưng kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm gỡ khó cho doanh nghiệp về vấn đề này. 

Mong ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp

Với các doanh nghiệp chế biến nông sản nói chung trên địa bàn Tây Nguyên, nguồn vốn kinh doanh gần như phụ thuộc vào ngân hàng. Hơn nữa, các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ rất cao. Vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng ngân hàng cho vay không chỉ cung ứng “đủ” mà còn phải kịp thời để không bị lỡ thời cơ kinh doanh.

Ông Tạ Quang Phú, Giám đốc Công ty TNHH Quang Triệu (Đắk Nông) cho biết, hiện các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh này đang gặp khó khăn về nguồn vốn vì giá cà phê tăng cao đột biến trong khi doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp. Ông Phú kỳ vọng ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với khó khăn do không đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua, dẫn tới tình trạng bị ép giá. Việc vay vốn thế chấp bằng bất động sản khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ vay được số tiền hạn chế trong khi việc thu mua cà phê vào vụ lại rất khẩn trương.

“Cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo nghành nghề. Đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh vào vụ mùa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nhà nước”, bà Lan Anh đề nghị.  

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay không phải do tiếp cận vốn mà do nhiều yếu tố khác như: chi phí vật tư đầu vào tăng cao, đơn hàng sút giảm, tồn kho lớn, máy móc công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý điều hành chưa cải thiện…    

Liên quan ý kiến của doanh nghiệp, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng rất thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngân hàng yên tâm cho vay tín chấp, doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường công khai, minh bạch tài chính.  

Tương tự, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cũng đề nghị, doanh nghiệp để tạo niềm tin cho ngân hàng cần đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tích cực chuyển đổi số… để tăng khả năng tiếp cận vốn.

Liên quan đến câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cung ứng vốn cho nền kinh tế là vấn đề lớn, luôn được Ngân hàng Nhà nước chú trọng. Từ đầu năm đến nay, trong điều kiện nền kinh tế hết sức khó khăn,  Ngân hàng Nhà nước đã đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tín cho doanh nghiệp; đảm bảo duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành; hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép ngân hàng cho vay online, cho phép doanh nghiệp được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác…

Đến thời điểm này, tín dụng chỉ tăng trưởng 7%, thấp hơn mức 10% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay vì vay không để làm gì.

“Chuyện doanh nghiệp than thiếu vốn, ngân hàng lại kêu ế vốn phải đỏ mắt tìm doanh nghiệp không phải là chuyện mới. Giải quyết tình trạng này không phải bằng vấn đề cơ chế, mà là bài toán của thị trường. Ngân hàng thắt điều kiện vay quá chặt, doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn thì buộc phải xem xét, song nếu ngân hàng cho vay ào ào”, cho vay dễ dãi cũng sẽ nảy sinh ra nhiều hệ lụy. Việc một số ngân hàng bị rơi vào tình trạng giám sát đặc biệt thời gian qua chính là bài học cho thấy luôn phải nâng cao công tác quản trị rủi ro trong quá trình cho vay”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Ngân hàng Nhà nước hút ròng 20 phiên, bắt đầu bơm tiền trả dần hệ thống
Sau 20 phiên hút ròng, hôm nay (19/10), Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bơm trả thị trường do các tín phiếu phát hành sẽ lần lượt đáo hạn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư