Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Không dễ dãi trong đào tạo, sát hạch lái xe
Bảo Như - 17/08/2018 10:23
 
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phải chủ trì hai cuộc họp liên tiếp liên quan đến chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới.
TIN LIÊN QUAN

Do sự phát triển kinh tế, việc mua sắm một chiếc xe ô tô hiện nằm trong tầm tay của nhiều gia đình ở các đô thị lớn, góp phần đẩy nhu cầu đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới tăng cao. Trong bối cảnh Nhà nước cho phép mở rộng xã hội hóa đào tạo sát hạch lái xe, lĩnh vực này đang thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm, bỏ vốn đầu tư.

Cũng bởi vậy, từ 343 cơ sở đào tạo và 119 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ nằm trong quy hoạch được phê duyệt năm 2014, trước sức ép của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giao thông - Vận tải vừa phải nới tăng thêm 43 cơ sở đào tạo và 36 trung tâm sát hạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

.
.

Điều đáng nói là chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ hiện chưa theo kịp với quy mô, số lượng các cơ sở, trung tâm được cấp phép đang tăng lên nhanh chóng.

Thực tế qua các đợt thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các địa phương do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện gần đây cho thấy, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ khâu đào tạo, sát hạch đến việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe.

Quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây "loạn" về phí đào tạo, cắt xén chương trình, trong khi chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhiều trung tâm đào tạo lái xe không đủ tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thiếu hụt số lượng lớn xe tập lái, hoặc sân tập lái không có biển báo, biển báo sai quy định…

Một hiện tượng phổ biến là công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học; nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe; nhan nhản thông tin về những "đường dây" chống trượt cho học viên; chất lượng giáo viên giảng dạy thấp, cấp bằng không nghiêm túc… Công tác sát hạch, cấp giấy phép tại một số địa phương còn nơi lỏng, nơi chặt, chất lượng đầu ra không đồng đều.

Trên thực tế, những vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua đều ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.

Rõ ràng, nếu chưa trang bị cho lái xe đầy đủ kiến thức, kỹ năng và cả ý thức lái xe; cơ sở đào tạo lái xe còn vi phạm, thì đương nhiên sẽ còn những tay lái non, những ẩn họa lớn trên các tuyến đường.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm có các biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe, nhất khi đây là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến sinh mạng của học viên cũng như cả cộng đồng. Theo đó, trong quản lý đào tạo, cần có sự đổi mới theo hướng chặt chẽ hơn, đặc biệt chú ý kiểm tra việc học luật giao thông và đưa thiết bị công nghệ để giám sát thời gian thực hành của lái xe, thông qua áp dụng thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm thời gian học thực hành thực tế 84 giờ hoặc hơn 1.000 km theo đúng quy định. Trong chương trình đào tạo, cần xem xét, bổ sung các tình huống và kỹ năng nhận diện tình huống, kể cả đối với giáo viên; rà soát lại nội dung đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành.

Quan trọng hơn, trong công tác quản lý các cơ quan chức năng phải giám sát chặt cả chương trình, thời gian và chất lượng dạy học tại các cơ sở đào tạo, sát hạch. Ngoài ra, cần mạnh tay xử lý các trung tâm vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe; có thể rút giấy phép và công khai danh sách các trung tâm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, không chỉ phạt hành chính, mà cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời những lái xem vi phạm nghiêm trọng luật giao thông.

Đây là những giải pháp căn cơ nhất để nâng cao kỹ năng lái xe, đạo đức, tính tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, từ đó góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mang tính chủ quan – một thực trạng nhức nhối diễn ra trong thời gian gần đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư