Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không để tư duy cũ trói buộc dòng vốn đầu tư
Bảo Duy - 11/01/2014 09:31
 
Chính sách và luật pháp mới phải tạo thuận lợi hơn, có lợi hơn, phải khuyến khích và bảo vệ được nhà đầu tư và doanh nghiệp, bao gồm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.  Luật Đầu tư: 8 năm, 1 vướng mắc  Điểm tựa tăng trưởng

Đây là định hướng mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đặt ra cho Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đầu tư, cũng như các văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo để thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP, nhằm thực hiện yêu cầu nâng cao hiệu quả và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.

Nếu làm được như vậy, Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng như các cơ chế, chính sách mới có thể trở thành động lực đủ mạnh và đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân, giúp họ chuyển các nguồn lực tiềm ẩn trong các dạng tài sản, khoản tiền tiết kiệm khác sang đầu tư, sản xuất - kinh doanh vào những lĩnh vực nền kinh tế đang cần, để thế chân kịp thời và hiệu quả, bù vào sự rút ra dần của nguồn vốn đầu tư nhà nước đã tới hạn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những hạn chế lớn phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan, việc thực hiện được yêu cầu này không dễ, thậm chí là vô cùng khó khăn.

Đó là các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư còn thiếu tính minh bạch, thiếu tính khả thi và chưa đồng bộ, chưa thật sự tạo lập được một hành lang pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Các quy định về cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, không phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư cũng như cơ chế phối hợp giữa cơ quan Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành trong nhiều năm qua vẫn luôn được nhắc tới như một điểm yếu cần phải cải thiện ngay.

Cũng phải nói thêm rằng, trong bảng xếp hạng về thuận lợi trong kinh doanh (Doing Business) năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối năm 2013, Việt Nam tụt một bậc so với năm trước, đứng 99/189 nền kinh tế được xếp hạng. Trong khi đó, dù ở phía sau Việt Nam, nhưng Campuchia tăng 23 bậc, Indonesia và Philippines cùng tăng 19 bậc; Malaysia đang có vị trí rất tốt là thứ 6, sau khi tăng 12 bậc, Thái Lan ở vị trí 18… Trong số 10 tiêu chí được phân tích, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam bị xếp hạng rất thấp, ở vị trí 157/189. Tiếp theo là khả năng tiếp cận điện (156/189), thủ tục đóng thuế 149/189…

Có nghĩa là, những rào cản trong môi trường kinh doanh của Việt Nam không phải chỉ tồn tại trong Luật Đầu tư và những văn bản liên quan trong phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực, thì sự giậm chân tại chỗ của Việt Nam ở vị trí nửa cuối của bảng xếp hạng trong đánh giá của các nhà đầu tư nhiều năm qua thực sự đáng để suy nghĩ và hành động.

Cũng phải nhắc lại một yêu cầu rất quyết liệt mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đặt ra, đó là không để tư duy cũ trói buộc tư tưởng chung trong xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đếu đầu tư – kinh doanh. Nhưng để thực sự có được môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng để người dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, yêu cầu này không chỉ của riêng ngành kế hoạch và đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư