Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Không đi du lịch theo phong trào
Hạnh Nguyên - 05/05/2021 06:38
 
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Covid-19 chưa kiểm soát được hoàn toàn, người dân không nên đi du lịch theo phong trào, vừa để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vừa để đảm bảo an toàn.
Chợ đêm Phú Quốc chật kín khách du lịch vào dịp 30/4 - 1/5	 Ảnh: Hồng Hạnh
Chợ đêm Phú Quốc chật kín khách du lịch vào dịp 30/4 - 1/5 Ảnh: Hồng Hạnh

Du lịch biển hút khách dịp nghỉ lễ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày, lại đúng thời điểm ngành du lịch cả nước đồng loạt triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa hấp dẫn, nên nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch của người dân tăng cao. Đặc biệt, lượng du khách tới các điểm du lịch biển khá đông.

Do Covid-19 diễn biến phức tạp đúng kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nên số lượng phòng đã đặt bị hủy ước tính sơ bộ khoảng 25 - 30%. Công suất sử dụng phòng bình quân của khối khách sạn trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đạt khoảng 43,4%, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Đơn cử, tại Nha Trang (Khánh Hòa), công suất phòng đạt 70%. Riêng ngày 1/5, bến tàu du lịch Nha Trang đón hơn 6.000 lượt khách tham quan các đảo trên vịnh Nha Trang. Đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng và một số con đường lớn tại Nha Trang bị kẹt xe cục bộ vì lượng xe khách du lịch đổ về nhiều.

Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều công viên biển và điểm tham quan du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa tập trung đông du khách, nhiều người không đeo khẩu trang, không thực hiện đúng quy định về phòng chống Covid-19.

Trong khi đó, sau nhiều tháng kinh doanh ế ẩm, dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhiều khách sạn ở Phú Quốc lần đầu cháy phòng. Sân bay Phú Quốc đón khoảng 70 chuyến mỗi ngày. Lượng khách đến Phú Quốc vui chơi, nghỉ dưỡng tăng đột biến.

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, tàu và phà cao tốc từ Hà Tiên, Rạch Giá ra Phú Quốc khoảng 40 chuyến/ngày với trên 4.000 người. Kỳ nghỉ lễ vừa qua, Kiên Giang đón khoảng 160.000 lượt du khách, trong đó, Phú Quốc chiếm khoảng 50%.

Tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), lượng khách hủy phòng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 khoảng 30%. Để đảm bảo an toàn cho du khách, TP. Sầm Sơn đã thành lập 7 tổ giám sát y tế phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú và lưu động; 4 điểm giám sát trên trục đường Hồ Xuân Hương, thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Thông qua việc tích hợp 142 mắt camera của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, TP. Sầm Sơn đã phát hiện những du khách không thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, kịp thời thông báo cho các tổ công tác đến nhắc nhở hoặc phát lên hệ thống loa truyền thanh...

Theo thống kê sơ bộ, trong 3 ngày nghỉ lễ (30/4 - 2/5), có hơn 200.000 lượt khách du lịch đến Sầm Sơn. Trong ngày 2/5, các phường, xã trên địa bàn đã xử phạt 14 trường hợp là những người làm dịch vụ không đeo khẩu trang, tổng số tiền phạt là 17,4 triệu đồng.

Đi du lịch nên tránh đám đông

Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), lượng du khách đổ về dịp nghỉ lễ vừa qua cũng tăng đột biến. Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Đà Lạt cho biết, từ ngày 28/4 đến ngày 1/5, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 400 trường hợp vi phạm các quy định phòng chống Covid-19, tương ứng số tiền phạt hơn 400 triệu đồng. Trong 4 ngày nghỉ lễ (30/4 - 3/5), lượng khách du lịch đến Đà Lạt ước đạt 145.500 lượt, tăng 179,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, khách lưu trú đạt trên 122.000 lượt.

Tại Thủ đô Hà Nội, để thu hút khách du lịch, các cơ sở lưu trú đưa ra mức giá dịch vụ hấp dẫn. Khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội giảm 70% giá phòng; Khách sạn Pullman Hanoi giảm giá từ 1,1 triệu đồng/phòng...

Đặc biệt, các khu nghỉ dưỡng ở ngoại thành Hà Nội như Melia Ba Vì, Paragon Resort, Tản Đà Resort, Thiên Sơn - Suối Ngà, Làng Mít... gần như kín phòng. Cùng với đó, một số khách sạn, khu căn hộ du lịch có công suất phòng cao như: Somerset Tây Hồ đạt 60%, InterContinental Hanoi Landmark72 đạt 70%; InterContinental Hanoi Westlake (Tây Hồ) đạt 60%, Tản Đà đạt 80%...

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, trước đó, dự báo các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô sẽ đón một lượng khách du lịch lớn vào dịp 30/4 - 1/5, nên các đơn vị, điểm đến đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19. Nhiều khu, điểm du lịch đã hủy tổ chức một số chương trình, sự kiện, lễ hội tập trung đông người, như Làng cổ Đường Lâm hoãn tổ chức sự kiện kích cầu du lịch lễ 30/4 và 1/5, công viên Thiên đường Bảo Sơn hoãn tổ chức sự kiện lễ hội Đại Dương…

Theo các chuyên gia, một số du khách có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều người đi du lịch vì đã lỡ mua vé, đặt tour, đặt phòng; có người mua vé từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng vì Covid-19 tái bùng phát nên phải chuyển sang dịp nghỉ lễ 30/4. Đợt dịch lần này tái phát trước kỳ nghỉ lễ chỉ vài ngày, nên nhiều du khách không hủy dịch vụ.

Đề cập việc du khách tấp nập đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch thẳng thắn nhìn nhận: “Người Việt đang có tâm lý đi ‘du lịch trả thù’, du lịch theo phong trào. Vì thế, mới bùng nổ đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Điều này không có lợi cho sự phát triển du lịch”.

Ông Chính cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 chưa kiểm soát được hoàn toàn, người dân đi du lịch nên “tránh đám đông”, nghĩa là, nên lập kế hoạch đi du lịch dàn trải cả về không gian và thời gian trong mùa hè này. “Như vậy, có thể tránh quá tải ở điểm đến và tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt hơn, từ đó mang lại sự an toàn, lợi ích cho bản thân khách du lịch, cũng là để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và ngành y tế, các cơ quan chức năng sẽ đỡ phải ‘gồng mình’ như hiện nay”, ông Chính nói.

Thị trường nội địa - “Trận địa” quan trọng của du lịch
Tân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, thị trường nội chính là “trận địa” quan trọng mà ngành kinh tế xanh cần phải tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư