Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ chấm dứt việc sao chép văn mẫu?
Hưng Anh - 16/08/2024 16:03
 
Bộ GD&ĐT ban hành công văn, trong đó có nội dung tránh sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa vào đề thi. Trước thông tin này, thầy cô cũng có nhiều ý kiến về những điểm còn bất cập khi áp dụng vào thực tế.

Ngữ liệu không phải là đích đến trong hoạt động giảng dạy mà cách thức đọc hiểu ngữ liệu mới quan trọng

Bộ GD&ĐT mới ban hành Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 gửi các Sở GD&ĐT. Trong đó có nội dung: Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra năng lực đọc, hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Trước công văn chỉ đạo và hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT, các thầy cô giáo, những người trực tiếp giảng dạy có không ít những trăn trở.

TS. Lê Thị Thuỳ Vinh - Phó trưởng khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết:

Vấn đề này không gây ra cho giáo viên trung học những bất ngờ bởi vì trước đó, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21 tháng 7 năm 2022 gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo vấn đề đổi mới cách đánh giá bằng việc ra đề kiểm tra theo hình thức này.

TS. Lê Thị Thuỳ Vinh - Phó trưởng khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết "Đây là một yêu cầu khá khó khăn bởi nhiều năm qua, chúng ta đã quen với việc “thi cử” theo hướng tập trung “ôn luyện” một số tác phẩm văn học trong chương trình".

“Trong suốt 2 năm qua, ở các nhà trường phổ thông, giáo viên Ngữ văn vừa giảng dạy, vừa xây dựng các đề kiểm tra sử dụng các ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa. Học sinh cũng đã được chuẩn bị các tâm thế cần thiết để hình thành các năng lực đáp ứng yêu cầu này” - TS. Lê Thị Thuỳ Vinh nêu rõ.

TS. Lê Thị Thuỳ Vinh nhấn mạnh: Thực tế đây là một yêu cầu khá khó khăn bởi nhiều năm qua, chúng ta đã quen với việc “thi cử” theo hướng tập trung “ôn luyện” một số tác phẩm văn học trong chương trình.

Tuy nhiên để hình thành năng lực cho người học, việc đổi mới này là hết sức cần thiết. Bởi ngữ liệu không phải là đích đến trong hoạt động giảng dạy mà cách thức đọc hiểu ngữ liệu mới là điều tiên quyết người dạy cần hướng dẫn người học. Giáo viên cần chú trọng vào việc cho người học “cần câu” chứ không phải cho người học “con cá”.

Cùng với TS. Lê Thị Thuỳ Vinh, nhiều thầy cô giáo cho rằng việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vào đề kiểm tra đánh giá học sinh là một cách làm mới mẻ, sáng tạo, có sự kích thích tính tìm tòi, tư duy và hứng thú của học sinh (nhất là đối với những học sinh ham học và thích học môn ngữ văn).

Đồng thời đây cũng là cơ hội để giáo viên mở rộng kiến thức, đáp ứng nhu cầu đổi mới toàn diện trong thời kỳ hội nhập.

Áp dụng thực tế vô cùng khó khăn, vướng mắc nhiều vấn đề

Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia giáo dục về tính hợp lý trong chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thì nhiều thầy cô khác cũng trăn trở.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân - giáo viên dạy bộ môn Văn Trường THPT Mỹ Tho, Ý Yên, Nam Định mong muốn viết “tâm thư” về vấn đề này.

Cô cho biết: “Với định hướng dạy và học của chương trình GDPT 2018 là phát triển năng lực và phẩm chất của người học, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là hợp lý và phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục thế giới.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân - giáo viên dạy bộ môn Văn Trường THPT Mỹ Tho, Ý Yên, Nam Định mong muốn viết “tâm thư” về vấn đề này gửi Bộ GD&ĐT.

Với bộ môn Ngữ văn, trong quá trình dạy học đã thay đổi hoàn toàn so với cách dạy và học cũ. Không còn thói quen sao chép, học tủ hay chủ quan vào những bài đã học. Học sinh đã có ý thức tìm hiểu, rèn luyện kỹ năng để có thể tiếp cận với nhiều văn bản khác nhau, cảm nhận và phân tích một tác phẩm văn học ngoài chương trình. Đó là điều tích cực ở chương trình mới.

Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng nó vào các đối tượng học sinh ở nhiều địa bàn khác đó là điều vô cùng khó khăn. Bản thân tôi cũng rất trăn trở, lo lắng, hoang mang, đặc biệt là khi đứng trước kỳ thi tốt nghiệp 2025 với định hướng mới của Bộ” - Cô Xuân chia sẻ.

Vấn đề được đưa ra đối với câu đọc hiểu: Học sinh phải đọc hiểu nhiều thể loại văn bản khác nhau theo đặc trưng thể loại gồm văn bản thông tin, văn bản nghị luận, văn bản văn học (truyện, thơ, kịch, tản văn, ký).

Hơn nữa, khi đọc hiểu trong đề thi lại là một văn bản mới, không phải học sinh nào cũng nhớ hết lượng kiến thức nhiều như thế để trả lời câu hỏi. Trong khi đó với chương trình cũ chỉ có 3 loại văn bản: Thơ, truyện và viết nghị luận xã hội.

Số câu hỏi đọc hiểu ở chương trình mới là 5 câu, chương trình cũ là 4 câu. Cách thức hỏi của chương trình mới lại theo đặc trưng thể loại. Do đó kiến thức các em học quá rộng khiến các em lo lắng với môn Ngữ văn.

Ở phần nghị luận: Với nội dung viết nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, đối với cả người dạy và người học đều thấy nặng nề vì ngữ liệu trong đề bài hoàn toàn mới.

Chuyển tiếp đến phần viết bài văn với dung lượng 600 chữ. Đối với bài văn nghị luận văn học, nếu văn bản hoàn toàn mới, nằm ngoài sách giáo khoa gồm văn bản thuộc các thể loại: thơ, truyện, ký, kịch.

Việc làm bài của thí sinh không chỉ viết về một tác phẩm đó mà còn phải viết bài nghị luận so sánh hai tác phẩm. Đây được xem là điều quá khó với học sinh phổ thông khi các em lần đầu tiên tiếp cận với 1 tác phẩm mới, ở nhiều thể loại khác nhau, không thể hiểu hết chứ chưa nói là cảm nhận được sâu sắc những ý nghĩa khác nhau phía sau ngôn ngữ của văn bản.

Lo lắng của cô Xuân cũng là trăn trở chung của nhiều thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Văn khối THPT.

Trao đổi với PV, ông Phạm Thiết Chuỳ - Trưởng phòng GĐ&ĐT huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ khi tiếp nhận công văn của Bộ GD&ĐT, chúng tôi cũng trao đổi với nhau xung quanh nội dung này.

Với đặc thù là học sinh miền núi, vì thế các thầy cô cũng có nhiều tâm tư muốn gửi Bộ GD&ĐT, để mong muốn làm sao hài hoà phương án dạy học cũng như làm bài thi của các em.

Với học sinh miền núi chưa quen với hình thức kiểm tra mới; Có một số ngữ liệu thuộc một số thể loại còn khó tìm và nhiều học sinh vùng khó khăn còn hạn chế về tư duy và việc tự học. Đó cũng là những điều khiến chúng tôi trăn trở và lo lắng  - Ông Phạm Thiết Chuỳ chia sẻ.

Đề xuất giải pháp lựa chọn ngữ liệu hài hoà giữa nội dung trong sách giáo khoa và bên ngoài

Đề hài hoà giữa chỉ đạo của Bộ GD&ĐT với việc dạy và học của cô trò, TS. Lê Thị Thuỳ Vinh đưa ra ý kiến: Trong xây dựng đề kiểm tra đánh giá, cần chú ý “khâu” lựa chọn ngữ liệu. Những ngữ liệu đưa ra trong đề cần có sự phù hợp với thể loại được giảng dạy trong chương trình, có dung lượng hợp lý, phù hợp với trình độ nhận thức, tâm sinh lý của người học.

Giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng trang bị cho học sinh các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết. Cần định hướng để người học thấy được vai trò của việc đọc văn bản, hiểu văn bản; giúp người học nắm được “cách đọc hiểu” và áp dụng “cách đọc hiểu” đó vào những ngữ liệu khác nhau. Đồng thời, cần chú ý đến kỹ năng viết Văn và tăng cường chữa lỗi để người học rút ra những kinh nghiệm cho mình.

Cần phải nghiên cứu kỹ văn bản và linh hoạt trong cách sử dụng ngữ liệu trong kiểm tra đánh giá học sinh; lựa chọn ngữ liệu phù hợp, gần gũi và thực hiện kiểm tra đánh giá định kỳ, thi học sinh giỏi; dành thời gian ôn tập cho học sinh. Còn đối với kiểm tra thường xuyên, thi tuyển sinh đầu cấp thì có thể dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra.

Với các thầy cô giảng dạy khối THPT, thì đưa ra ý kiến mong muốn giảm tải chương trình, có định hướng ôn tập cụ thể đối với thể loại trọng tâm, không tràn lan hay ôm đồm tất cả các kiến thức được học. Nếu như thế sẽ không chắc chắn và cũng không đủ thời gian ôn tập.

Theo cô Xuân, chương trình từ lớp 1 đến lớp 9 học theo cách cũ, lớp 10,11,12 học theo cách mới các em không thể bắt kịp. Vì thế mong muốn Bộ GD&ĐT cân nhắc đối với chương trình thi mới để cả người dạy và người học thấy môn Ngữ văn sẽ thấy hứng thú, với ý nghĩa giáo dục chứ không mang nỗi lo lắng.

Với cô giáo Đinh Thị Cúc - Trường phổ thông dân tộc bán trú, tỉnh Lào Cai cho biết: “Để phù hợp với học sinh vùng miền thì phần ngữ liệu đọc, hiểu nên lấy ngữ liệu ngoài chương trình học nhưng bám sát thể loại của từng khối lớp để học sinh làm quen dần, còn phần viết vẫn nên lấy các văn bản trong sách giáo khoa”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư