Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Không được để trên nóng, dưới nóng, giữa… lạnh
Hà Nguyễn - 06/05/2018 08:23
 
Xu hướng tích cực của nền kinh tế tiếp tục được ghi nhận trong tháng 4/2018. Trong đó, sản xuất công nghiệp là một điểm sáng. Nhưng để hoàn thành kế hoạch năm, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, không được để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất - kinh doanh.

“Sức khỏe” lĩnh vực sản xuất mạnh lên

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2018, diễn ra hôm qua (3/5), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm “tiếp tục giữ đà tích cực”. Không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà các thành viên Chính phủ, nhất là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đều thống nhất nhận định này.

“Sức khoẻ” của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên suốt 29 tháng qua. Trong ảnh: Dây chuyền may veston của May 10. Ảnh: Đức Thanh
“Sức khoẻ” của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên suốt 29 tháng qua. Trong ảnh: Dây chuyền may veston của May 10. Ảnh: Đức Thanh

“Tình hình sản xuất - kinh doanh diễn biến tích cực và tương đối toàn diện trong cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và du lịch”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Các số liệu thống kê cụ thể cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư viện dẫn để chứng minh cho nhận định của mình. Đó là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 11,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất, đạt 14% (cùng kỳ tăng 9,5%).

Điều đáng nói là, cùng thời điểm Chính phủ Việt Nam công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, thì Nikkei cũng công bố số liệu về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI). Và kết quả cũng rất tích cực. Đó là Việt Nam đã đạt 52,7 điểm, tăng 1,1 điểm so với tháng 3. Sự tăng điểm này đã cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ về các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam. Theo đó, “sức khoẻ” của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên suốt 29 tháng qua.

Theo báo cáo của Nikkei, nhân tố chính góp phần cải thiện ngành là số lượng đơn đặt hàng mới tăng đáng kể, với tốc độ đạt mức cao của 3 tháng. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết, nhu cầu của khách hàng đã tăng lên, đặc biệt là các đơn hàng mới của khách nước ngoài. Lượng đơn này đã tăng mạnh nhất từ tháng 10 năm ngoái. 

“Khả năng duy trì mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam là điểm đáng chú ý nhất trong kỳ khảo sát PMI mới nhất, với số lượng đơn đặt hàng mới tăng đặc biệt mạnh trong tháng 4”, ông Andrew Harker, Phó giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát đã cho biết như vậy.

Tất nhiên, số lượng đơn hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất. Theo đó, xuất khẩu cũng tăng lên. Và bởi thế, dù sản xuất công nghiệp là điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm, song xuất nhập khẩu cũng rất đáng ghi nhận. Đáng mừng hơn nữa, đó là cán cân thương mại của Việt Nam đã tiếp tục thặng dư. Con số ước đạt khoảng 3,39 tỷ USD, bằng khoảng 4,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường trong nước cũng tích cực. 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sau khi trừ đi yếu tố giá cả, đã tăng tới 8,5%, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa thậm chí đã vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng và xu hướng tích cực trong tiêu dùng này đã tạo động lực cho sản xuất trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, một nghiên cứu gần đây của tờ Financial Times cũng đã đưa ra nhận định về tâm lý tích cực của người tiêu dùng Việt Nam đối với nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tiêu dùng. Theo nghiên cứu, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chi tiêu mua sắm mạnh tay nhờ kinh tế năng động khiến thu nhập hộ gia đình tăng lên. Và xu hướng chi tiêu này được dự báo sẽ còn tiếp tục, trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng Việt Nam về nền kinh tế đang ở trạng thái lạc quan cao nhất trong 3 năm qua.

Năm ngoái, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,81% và đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay. Tiếp đà hồi phục tích cực của năm ngoái, việc cả thị trường trong nước và nước ngoài đều đang gia tăng mạnh mẽ nhu cầu, sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy hơn nữa sản xuất trong nước. Và một khi “sức khỏe” của lĩnh vực sản xuất mạnh lên thì sẽ hỗ trợ lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Nhưng không được để “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”

Kinh tế dù đang diễn biến tích cực, thậm chí theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “tích cực và toàn diện”, tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh, song nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô, có thể thấy, đã bắt đầu manh nha các yếu tố giảm tốc. 

Chẳng hạn, IIP của tháng 4 ước chỉ tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng 10,9% của cùng kỳ. Hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước chỉ tăng 9,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm trước. Ngay cả kim ngạch xuất khẩu của tháng 4 năm nay cũng đã giảm 13,9% so với tháng trước…

Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho sự sụt giảm trên. Chẳng hạn, với giảm xuất khẩu, theo Tổng cục Thống kê là do số ngày làm việc trong tháng ít hơn 3 ngày so với tháng trước và các sản phẩm Galaxy S9, S9+ được Samsung tập trung xuất khẩu trong tháng trước. Tháng 3, Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ trước tới nay, lên tới 21,13 tỷ USD. Đây là tháng mà Samsung đã tập trung cho sản xuất và xuất khẩu dòng sản phẩm Galaxy S9 và S9+.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng, tháng trước, khi công bố các kịch bản kinh tế năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhận định rằng, năm nay, nền kinh tế sẽ không còn diễn biến theo mô hình quý sau cao hơn quý trước như mọi năm. Do vậy, xu hướng giảm tốc trong sản xuất, xuất khẩu... ở những quý sau, sau quý I tăng trưởng vượt bậc cũng là dễ hiểu.

Thêm nữa, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận rằng, dù kinh tế vẫn đang giữ đà tích cực, song thách thức đối với nền kinh tế còn nhiều. Chẳng hạn, diễn biến tình hình kinh tế quốc tế ngày cành nhanh, phức tạp và khó lường, nhất là sự bất định trong điều hành chính sách của Mỹ, với những tác động đan xen có thể ảnh hưởng tới kinh tế trong nước. Chưa kể, trong nước hiện nay, tuy lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực trong những tháng cuối năm còn hiện hữu. 

“Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong những tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại câu chuyện Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa báo cáo, đó là có địa phương lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà phải đi tới 33 lần. “Cho nên người ta có nói câu: Trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, Thủ tướng nói và chỉ đạo rằng, “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được.

Câu chuyện này không chỉ có ý nghĩa đối với riêng công việc cụ thể này, mà còn có ý nghĩa đối với cả nền kinh tế. Nếu toàn bộ máy không nỗ lực, nền kinh tế khó có thể hoàn thành kế hoạch năm.

 “Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục cải cách, đổi mới, tạo điều kiện cho phát triển. Phải làm sao ‘trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng’, cấp trung gian, cấp tham mưu phải quyết liệt hơn, đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất - kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

4 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng 16,6% của cùng kỳ.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 20,28 tỷ USD, tăng 17,9%,
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 53,48 tỷ USD, tăng 19,4%.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thủ tướng trăn trở về tình trạng “trên nóng dưới lạnh” của một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu
Chưa thật hài lòng với kết quả điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải làm đồng bộ hơn nữa, trách nhiệm hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư