Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng trăn trở về tình trạng “trên nóng dưới lạnh” của một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu
Nguyên Đức - 18/11/2017 16:37
 
Chưa thật hài lòng với kết quả điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải làm đồng bộ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để kết quả tốt hơn. Ông cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế và trăn trở về tình trạng “trên nóng dưới lạnh” của một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu.

Chưa thật hài lòng với kết quả điều hành của Chính phủ

Cho rằng câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - về việc Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành không - là một câu hỏi khó, song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ông chưa thật hài lòng với kết quả điều hành của Chính phủ.

Mặc dù vậy, giải trình trước Quốc hội, cũng như trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng khi năm nay, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực toàn diện, sau báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại phiên khai mạc thì tình hình ngày càng tích cực hơn.

.
.

“Có được kết quả hôm nay là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, năm đầu tiên cả 13 mục tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Kết quả này là đáng phấn khởi nhưng chỉ là bước đầu. Nền kinh tế quy mô còn nhỏ, thiên tai lũ lụt liên tục xảy ra, nền kinh tế còn lạc hậu, nhân lực còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng ta phải làm đồng bộ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để kết quả tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Cũng liên quan đến câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về việc Thủ tướng còn trăn trở những gì, Thủ tướng nhấn mạnh, ông lo lắng nhất về nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế, lo lắng về diễn biến hòa bình, về tình hình tham nhũng, xu hướng suy thoái, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” của một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu.

“Đây là điều rất lo lắng trong bộ máy chúng ta, Do vậy, Chính phủ phải tiếp tục liêm chính, hành động để phục vụ nhân dân. Làm sao để không còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, khiến một bộ phận nhân dân không tin tưởng. Phải tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, bao gồm thể thể, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng người Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế đi lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Lê Thanh Vân, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng đối với các vụ án quan trọng. “Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Chúng ta cần công khai kết quả xử lý các vụ án trước Quốc hội, nhất là các vụ án hình sự”, Thủ tướng khẳng định.

Chất lượng tăng trưởng đã cải thiện rõ rệt

Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn, tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhưng quan trọng là chất lượng tăng trưởng như thế nào. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định, chất lượng tăng trưởng đã cải thiện rõ rệt.

Biểu hiện dễ thấy, là tốc độ tăng trưởng khá đã duy trì trong thời gian khá dài, năm nay đạt 6,7%. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, đáng mừng là năng suất lao động của Việt Nam tăng lên, đóng góp của năng suất tổng hợp vào GDP đều tăng lên, ICOR giảm, chứng tỏ chất lượng tăng trưởng cao hơn.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 cao hơn so với năm 2016, ước tăng khoảng 5,87% (năm 2016 tăng 5,29; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế, năm 2017 ước đạt 44,13%, cao hơn so với năm 2016 (40,68%) và cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%). Trong khi đó, ICOR năm 2017 giảm còn 6,27 trong khi năm ngoái là 6,41.

“Năm nay, lần đầu tiên xuất khẩu có thể đạt 210 tỷ USD, tăng 21%, cao cấp 3 lần mục tiêu Quốc hội giao. Xuất khẩu cao như vậy chứng tỏ chất lượng tăng trưởng cao hơn, vì sản phẩm làm ra đã được thị trường thế giới chấp nhận. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam vừa rồi thăng 5 hạng. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng lên 73,7 tuổi, đó là điều đáng mừng”, Thủ tướng phấn khởi nói.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, theo Thủ tướng, phải tiếp tục tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa, không phải chỉ trong nhóm đứng đầu ASEAN, mà là cả trong OECD, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tiếp cận thị trường lớn, tăng cường kỷ luật kỷ cương…

“Ứng dụng công nghệ, phát triển kinh tế số là quan trọng để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Số lượng tăng trưởng là quan trọng vì còn liên quan nợ công, giải quyết việc làm, nhưng chất lượng còn quan trọng hơn”, Thủ tướng nói.

Trong khi đó, liên quan câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế, Thủ tướng khẳng định, đây là câu hỏi cần thiết, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Theo Thủ tướng, trong hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, độc lập, tự chủ về kinh tế cũng vẫn rất quan trọng.

Muốn có nền kinh tế độc lập, tự chủ, theo Thủ tướng, trước kết phải có cơ cấu kinh tế hợp lý, nền kinh tế phải an toàn bền vững, đặc biệt ít tổn thương, thích ứng tốt trước các biến động quốc tế, không “trồi sụt lúc nắng lúc mưa”, phải giải quyết được các cân đối lớn của nền kinh tế, từ cán cân thanh toán quốc tế, đến đảm bảo thu - chi ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu toán tế, thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu…

“Chúng ta không được quá phụ thuộc vào một thị trường, mà phải đa dạng hóa, đa phương hóa. Chỉ quan hệ với một đối tác, hay phụ thuộc vào một mặt hàng thì dễ bị động”, Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Thủ tướng thì đáng mừng là tính độc lập tự chủ của nền kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường, khi có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu tốt, năng suất lao động cao hơn, đa phương hóa nên có quan hệ với hơn 200 thị trường, xuất khẩu nhiều mặt hàng khác nhau, có tới 25 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD...

Cùng với đó, có trên hơn 300 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Người Việt Nam cũng ngày càng ưa thích hàng Việt Nam chất lượng cao, không chỉ rau quả mà còn nhiều mặt hàng gia dụng khác… Theo Thủ tướng thì niềm tin vào hàng hóa Việt Nam cũng cho thấy tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn
Chiều nay (18/11) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chính thức đăng đàn, làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư