Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Không được từ chối đăng ký kinh doanh
Linh An - 30/05/2015 08:24
 
Trừ phi rơi vào các ngành nghề cấm kinh doanh, doanh nghiệp có quyền đề xuất bất cứ ngành nghề gì, kể cả không có tên trong Hệ thống Ngành nghề kinh tế của Việt Nam.

Dù việc có hay không mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp vẫn đang là nội dung được tranh luận tại các hội thảo lấy ý kiến các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, nhưng Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp khẳng định, vẫn bám sát quan điểm là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền từ chối các ngành nghề mà doanh nghiệp đề xuất, trừ phi đó là ngành nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2014.

Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không có quyền từ chối các ngành nghề mà doanh nghiệp đề xuất,  trừ khi đó là ngành nghề cấm kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không có quyền từ chối các ngành nghề mà doanh nghiệp đề xuất, trừ khi đó là ngành nghề cấm kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh

 

“Kể cả khi ngành, nghề không có trong hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam, cũng như chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh không được từ chối đăng ký, mà phải ghi nhận và đề nghị bổ sung”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích chi tiết nội dung Dự thảo Nghị định.

Theo Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc đề nghị cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp sẽ ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh theo ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống Ngành kinh tế của Việt Nam.

Với các ngành, nghề không có tên trong Hệ thống Ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, thì ngành, nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

“Có ý kiến cho rằng, quy định này làm khó cho người thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng, việc xác định rõ bản chất ngành, nghề kinh doanh, cũng như việc thống nhất ngành, nghề kinh doanh với Hệ thống Ngành kinh tế sẽ đảm bảo việc áp mã thuế của cơ quan thuế chuẩn xác, thuận lợi cho doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Hơn thế, đây cũng là đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp - kênh thông tin phục vụ cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Bùi Anh Tuấn làm rõ và cho biết, hiện có khoảng 150 quốc gia đang áp dụng cách thức ghi ngành nghề này.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định cũng nhấn mạnh, việc mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê.

Tuy vậy, hiện trạng các tồn tại trong việc ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh vẫn khiến nhiều doanh nghiệp chưa an tâm. Trong tổng hợp ý kiến doanh nghiệp về nội dung này của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc tới sự khác biệt trong cách hiểu và áp dụng giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, giữa doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc ghi và chọn mã ngành cấp bốn.

“Dự thảo đã đưa ra phương thức giải quyết cho một số vướng mắc liên quan đến những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống Ngành kinh tế theo hướng dẫn chiếu tới văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc cơ quan nhà nước sẽ bổ sung các ngành, nghề kinh doanh chưa có trong Hệ thống Ngành kinh tế. Tuy nhiên, sẽ có những khó khăn như các văn bản pháp luật chuyên ngành thường không có quy định về việc xác định (về cách ghi) các ngành, nghề kinh doanh (đặc biệt là cách ghi theo Hệ thống ngành kinh tế)”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) lý giải các kiến nghị từ doanh nghiệp về việc ghi các ngành, nghề kinh doanh dự kiến theo cách hiểu của doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo ông Đậu Anh Tuấn, bản thân giữa các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cũng có các quy định khác nhau về tên của ngành, nghề kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh. “Giữa một ‘rừng’ văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về ngành, nghề kinh doanh, sẽ rất khó cho doanh nghiệp biết cách ghi chính xác của các ngành, nghề này”, ông Tuấn bày tỏ sự lo ngại.

Trong bản góp ý của Công ty Luật Allens, bà Nguyễn Bích Ngọc đã đặt câu hỏi về giá trị pháp lý của những ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong các thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc đề nghị cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. “Đề nghị làm rõ việc thông báo này chỉ mang tính thủ tục và không làm ảnh hưởng đến các giao dịch do doanh ngiệp thực hiện liên quan đến ngành nghề đó”, bà Ngọc đề xuất.

Hạn chế tiêu cực trong đăng ký kinh doanh
2.000 hồ sơ doanh nghiệp trực tiếp đăng ký thành công trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử không phải là con số ấn tượng, song...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư