Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Với ý nghĩa ghi nhận những thông tin về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) được xem là “giấy khai sinh” và cũng là cơ sở pháp lý cho những hoạt động phát sinh sau này của doanh nghiệp. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ba điểm lớn cần làm rõ của Luật Doanh nghiệp sửa đổi
Bàn về các quy định giải thể doanh nghiệp
Bỏ ghi ngành nghề kinh doanh theo điều kiện
Bỏ ghi ngành nghề trong giấy phép kinh doanh

Vấn đề chính đặt ra trong bài viết là bản chất pháp lý của thủ tục sửa đổi GCNĐKKD, nên được nhìn nhận đơn thuần chỉ là thủ tục thông báo cho cơ quan cấp phép sau khi doanh nghiệp và các bên có liên quan đã hoàn tất các thủ tục nội bộ đối với nội dung sửa đổi (và GCNĐKKD sửa đổi chỉ có ý nghĩa ghi nhận thông báo của doanh nghiệp và không có ảnh hưởng đến hiệu lực của sửa đổi) hay đây là thủ tục xin chấp thuận từ cơ quan cấp phép (và sửa đổi chỉ có hiệu lực khi được cơ quan cấp phép chấp thuận thông qua việc cấp GCNĐKKD sửa đổi). 

   
  Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được xem là “giấy khai sinh”, cũng là cơ sở pháp lý cho những hoạt động của DN   

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp và các bên có liên quan có thể xác định thời điểm có hiệu lực của sửa đổi.

Trong bài viết này, các tác giả phân tích nội dung của GCNĐKKD, các trường hợp phát sinh nghĩa vụ sửa đổi GCNĐKKD của GCNĐKKD sửa đổi theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và Dự thảo 4 Luật Doanh nghiệp mới (Dự thảo 4). 

Nội dung của GCNĐKKD

GCNĐKKD dùng để gọi chung cho (i) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp trong nước và (ii) giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp trong nước chỉ ghi nhận nội dung đăng ký doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giấy chứng nhận đầu tư đồng thời ghi nhận cả hai nội dung về đăng ký doanh nghiệp và đăng ký dự án đầu tư. 

Doanh nghiệp trong nước cũng có thể có giấy chứng nhận đầu tư nếu doanh nghiệp có dự án trên 300 tỷ đồng, hoặc hoạt động trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập nội dung đăng ký doanh nghiệp ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư.

Điều 25, Luật Doanh nghiệp quy định 5 nội dung của GCNĐKKD bao gồm: (i) tên và địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp, (ii) thông tin của người đại diện theo pháp luật, (iii) thông tin của chủ doanh nghiệp, thành viên, hoặc cổ đông sáng lập đối với loại hình doanh nghiệp tương ứng, (iv) vốn của doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp, thành viên hoặc cổ đông đã thực góp, hoặc cam kết sẽ góp hoặc được quyền chào bán, và (v) ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 32 của Dự thảo 4 đơn giản hóa nội dung của GCNĐKKD. Theo đó, 2 nội dung sau đang được đề nghị loại bỏ ra khỏi GCNĐKKD: (i) tên và địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp và (ii) thông tin về thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ đông sáng lập của công ty cổ phần. Ngoài ra, GCNĐKKD chỉ ghi nhận ngành nghề kinh doanh nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Nghĩa vụ sửa đổi GCNĐKKD

Điều 26, Luật Doanh nghiệp đặt ra nghĩa vụ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh trong mọi trường hợp doanh nghiệp có sự thay đổi so với hồ sơ đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, một số quy định khác của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Nghị định 102/2010/NĐ-CP cũng quy định chi tiết những trường hợp doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục sửa đổi GCNĐKKD.

Dựa trên hồ sơ đăng ký thay đổi của doanh nghiệp, cơ quan cấp phép sẽ cấp GCNĐKKD sửa đổi ghi nhận nội dung thay đổi. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, pháp luật về đăng ký doanh nghiệp vẫn chưa làm rõ là thủ tục sửa đổi này chỉ mang tính chất thông báo hay là xin chấp thuận của cơ quan cấp phép.  Nhìn chung, nhà làm luật gọi tên thủ tục này là “đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh” và yêu cầu doanh nghiệp gửi “thông báo” về những thay đổi đó đến cơ quan cấp phép. 

Theo cách hiểu thông thường, nếu việc sửa đổi GCNĐKKD là một thủ tục “đăng ký”, doanh nghiệp và các bên có liên quan phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp phép và việc thay đổi chỉ có hiệu lực khi có sự chấp thuận của cơ quan cấp phép. 

Nếu thủ tục này là “thông báo”, doanh nghiệp và các bên có liên quan có quyền tự tiến hành các thay đổi trong khoảng thời gian luật định và dù có được cấp GCNĐKKD sửa đổi hay không thì việc thay đổi có vẫn có hiệu lực tại thời điểm theo các quyết định phù hợp của cơ quan quản lý doanh nghiệp hoặc thỏa thuận của các bên liên quan. 

Trên thực tế, cơ quan cấp phép về cơ bản đều xem các trường hợp xin sửa đổi GCNĐKKD là thủ tục xin chấp thuận. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ hiếm hoi mà thủ tục này có thể hiểu là chỉ có tính chất thông báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư