Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Không hạ quân hàm cấp tướng đối với giám đốc công an tỉnh
Hàn Tín - 11/12/2014 11:51
 
() Sáng nay (11/12), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với một số luật và 2 nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội
Nội dung chất vấn 'chấp nhận được'
Cử tri "kiểm đếm" nỗ lực của Chính phủ
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
  Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an  
  Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an  

Theo Luật Công an nhân dân, Giám đốc Công an Hà Nội và Giám đốc Công an TP.HCM được phong hàm cao nhất là trung tướng. Tại 2 địa phương này, cấp hàm thiếu tướng không quá 3 người. Còn tại tất cả các tỉnh, thành phố còn lại, giám đốc công an chỉ có quân hàm cao nhất là đại tá.

Vấn đề đặt ra hiện nay là hàng loạt tỉnh, chức vụ giám đốc công an đã được phong hàm thiếu tướng thì xử lý thế nào?

Trả lời câu hỏi này của các cơ quan thông tin đại chúng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết, Luật Công an nhân dân phải tới ngày 1/7/2015 mới có hiệu lực, tuy nhiên, các quy định về việc phong quân hàm cấp bậc tướng và quân hàm cao nhất đối với chức vụ sỹ quan Công an nhân dân phải thực hiện ngay kể từ khi Chủ tịch nước công bố Luật Công an nhân dân (ngày 11/12/2014).

Mặc dù vậy, ông Hiếu vẫn khẳng định, đối với cấp tướng là lãnh đạo công an các địa phương vẫn giữ nguyên quân hàm đã phong.

“Vì chúng ta thực hiện phong cấp tướng theo đúng luật, đúng quy trình, đúng đối tượng nên không có lý do gì để hạ quân hàm đối với các thiếu tướng là giám đốc công an tỉnh đã được phong trước đây. Nếu các đồng chí ấy (giám đốc công an tỉnh) vẫn xứng đáng, vẫn được Đảng và Nhân dân tin tưởng, giao phó nhiệm vụ thì vẫn tiếp tục làm giám đốc công an tỉnh”, ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, nếu giám đốc công an các tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội và TP.HCM) vẫn đeo quân hàm thiếu tướng thì vi phạm Điều 24 Luật Công an nhân dân, quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan Công an nhân dân.

Để xử lý vấn đề này, ông Hiếu cho biết, năm 2105 sẽ tổ chức bầu đại hội đảng các cấp và năm 2016 tiến hành bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, trong quá trình này, các thiếu tướng là giám đốc công an tỉnh, thành phố có thể được giới thiệu ứng cử các chức vụ trong đảng ở địa phương hoặc ứng cử vào các chức danh do dân cử để chuyển sang làm công việc khác.

“Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp đối với các thiếu tướng đang là giám đốc công an tỉnh, Bộ Công an còn có hướng xử lý nữa là điều chuyển về làm công tác khác vì theo Luật Công an nhân dân, thiếu tướng có thể đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cơ yếu, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Công an); cục trưởng các cục về tham mưu, chính trị, nghiệp vụ thuộc Tổng cục Tình báo; cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Cảnh sát…”, ông Hiếu cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn liên quan đến Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, ông Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

“Ngoài ra, việc lấy phiếu tín nhiệm còn giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đây cúng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ. Nhưng đây chỉ là một kênh trong nhiều kênh tham khảo để cơ quan có thẩm quyền đánh giá năng lực, thái độ, tác phong, lối sống… của cán bộ nhằm bố trí công việc hợp lý”, ông Thông cho biết.

Mặc dù chỉ là kênh thông tin có tính chất tham khảo trong việc đánh giá cán bộ, song theo ông Thông, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm nhận được quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp có thể xin từ chức; nếu có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì thì sẽ bị Quốc hội hoặc HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, nếu không đạt số phiếu tín nhiệm theo quy định thì có thể bị điều chuyển sang làm công việc khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư