Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Không hạn chế tỷ lệ vốn ngoại với đầu tư kinh doanh dịch vụ OTT viễn thông
Nguyễn Lê - 22/08/2023 15:37
 
Các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT viễn thông sẽ được "quản lý nhẹ", theo Luật Viễn thông (sửa đổi).
.
 Ảnh minh họa.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi (Dự thảo) đã được chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” đối với OTT viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.

Theo chương trình phiên họp thứ 25, sáng 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo.

Vấn đề lớn đầu tiên tại báo cáo phục vụ nội dung trên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật, là việc điều chỉnh và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.

Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới này.

Thường trực Ủy ban thẩm tra nêu rõ sự thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 3 dịch vụ này tại Dự thảo.

Bởi vì, hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin dẫn đến việc khó phân biệt ranh giới giữa hạ tầng viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin; xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng xử lý, lưu trữ, truy xuất thông tin và các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống trên hạ tầng viễn thông.

Các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp, vấn đề phát sinh giữa các doanh nghiệp cũng như bảo đảm quyền lợi của người sử dụng các loại hình dịch vụ này, thúc đẩy phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông theo chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thông.

Lý do thứ hai, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây ngày nay đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Một số nước trên thế giới  đã có quy định nhằm quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây với các mức độ khác nhau; quy định quyền, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Tại Việt Nam, Luật Đầu tư năm 2020 xác định kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề này. Vì vậy, việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây trong dự thảo Luật sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực này.

Thứ ba, dịch vụ OTT viễn thông là dịch vụ cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình) và được điều chỉnh trong Luật, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT viễn thông với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT viễn thông trong nước với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT viễn thông xuyên biên giới.

Trên thế giới, nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông, báo cáo nêu rõ.

Dự thảo mới nhất đã đã chỉnh lý, giải thích rõ hơn thuật ngữ của 3 dịch vụ này, đồng thời chỉnh lý, bố cục riêng một mục quy định các nội dung về quản lý đối với 3 dịch vụ nêu trên cho rõ ràng, tường minh để các đối tượng chịu sự tác động của Luật thuận lợi trong quá trình thực thi.

Tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu là cần phải có phương thức quản lý phù hợp đối với các dịch vụ mới, Dự thảo cũng đã được chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 loại dịch vụ nêu trên.

Cụ thể là không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam để thể hiện rõ chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu của khu vực.

Dự thảo cũng quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông, trong đó tập trung vào các vấn đề về bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống (như không quy định nghĩa vụ đóng góp Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, đóng phí quyền hoạt động viễn thông), không làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

“Quản lý nhẹ” còn được thể hiện ở việc Dự thảo chỉ quy định nguyên tắc về điều kiện hoạt động, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục dịch vụ viễn thông áp dụng hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông (trong đó gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông) và quy định thủ tục đăng ký, thông báo để bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với yêu cầu quản lý.

Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 3 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, cho đến nay, các dịch vụ này chưa được Việt Nam cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan. Do đó, Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có thể chủ động điều chỉnh quản lý phù hợp với chính sách thương mại quốc tế trong từng thời kỳ, Thường trực cơ quan thẩm tra lý giải.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư