Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Tham nhũng - kẻ hủy diệt sự thịnh vượng
Không khoan nhượng tham nhũng
Huy Hào - 14/05/2018 08:28
 
Tham nhũng - một trong những “nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” vẫn đang diễn biến rất phức tạp và gây nhức nhối. Bởi ở bất cứ nền kinh tế nào, chế độ nào, tham nhũng luôn là kẻ hủy diệt sự thịnh vượng, cản trở mọi nỗ lực vươn tới phồn vinh. Do đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta phải thực sự là cuộc cách mạng của toàn dân chống lại “giặc nội xâm”.

Bài 3: Không khoan nhượng tham nhũng

Thành trì tham nhũng đang bị công phá mạnh mẽ bởi quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng, “không có vùng cấm” của Đảng, với sự tin tưởng, ủng hộ, kỳ vọng của nhân dân. Cuộc đấu tranh này thắng lợi không chỉ giúp sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực, tạo thêm động lực để xây dựng cuộc sống phồn thịnh, mà còn là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư khi bạn bè, đối tác thêm tin tưởng vào sự minh bạch, liêm chính của bộ máy công quyền.

Cuộc chiến không tiếng súng

Đất nước ta, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến đấu gian khổ, kiên cường, với nhiều mất mát, hy sinh to lớn để giành nền độc lập trước những kẻ xâm lược.

.
Nhiều người có thể vượt qua được hiểm nguy của bom đạn chiến trường, dao kiếm của tội phạm, nhưng lại gục ngã trước cám dỗ của vật chất, quyền lực.

Nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang đứng một cuộc chiến không tiếng súng, nhưng không kém phần khó khăn, khốc liệt - đó là cuộc chống “giặc nội xâm” tham nhũng.

Với giặc ngoại xâm, ta đối mặt với kẻ thù có khí tài hiện đại; một cuộc chiến nhận rõ địch - ta… Với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đó là cuộc chiến ở ngay trong mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức. Họ là đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội, nhưng từ lúc nào đó, họ bị quyền lực, tiền bạc mê hoặc dẫn đến biến chất, thoái hóa, phản bội lại lý tưởng, quay lưng với nhân dân. Chính vì thế, “cuộc chiến không tiếng súng” này không chỉ khó lường, khó nhận diện, mà còn rất khó khăn, đau đớn.

Nhưng PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, phải chấp nhận đau đớn để “tẩy trừ” (chữ dùng của Bác Hồ) những cán bộ hủ hóa, tha hóa dù họ từng được tin tưởng giao trọng trách thì  mới giữ được niềm tin của nhân dân với Đảng, giữ được vận mệnh nước nhà, như cách mà Bác Hồ đã làm để “chỉnh đốn Đảng”, là “thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.

Lăn lộn qua nhiều trận chiến ác liệt với kẻ thù xâm lược, chứng kiến bao mất mát, hy sinh của đồng đội và nhân dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ sự xót xa khi thấy nhiều người có thể vượt qua được hiểm nguy của bom đạn chiến trường, dao kiếm của tội phạm, nhưng lại gục ngã trước cám dỗ của vật chất, quyền lực.

“Phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến chống lại cái xấu trỗi dậy trong mỗi con người; với nhiều cái xấu liên kết, bắt  tay nhau trục lợi, làm cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan công quyền trở nên suy yếu. Nên dù vô cùng khó khăn, phải chấp nhận tổn thất, đau đớn, nhưng chúng ta phải kiên quyết làm để mỗi người, mỗi tổ chức và đất nước tốt lên, chứ không phải như những luận điệu nói đó là phe phái, đấu đá nội bộ nhằm gây hoang mang, lo ngại trong dư luận”, vị tướng ở tuổi 92 vẫn mạnh mẽ, tâm huyết.

Làm để đất nước tốt lên

“Làm để đất nước tốt lên” như lời tướng Thước là điều đã được minh chứng trên thực tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 đã nhận định, qua thanh tra, kiểm tra, các sai phạm đã được thẳng thắn chỉ ra, được khắc phục nhiều hơn và tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Với nỗ lực của cả hệ thống trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 lần đầu sau 10 năm đạt 7,38%. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được làm quyết liệt hơn nữa và “ai nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm”.

Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ, một trong những “điều lo lắng nhất” của người đứng đầu Chỉnh phủ là tệ tham nhũng, là “một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu”, “suy thoái ngày càng nguy hiểm hơn”, rất báo động.

“Chúng tôi cũng nói rằng, không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng”, Thủ tướng nói trước Quốc hội và cho rằng, phải xử lý nghiêm các vụ việc, đồng thời phải tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Thời gian qua, hàng trăm, hàng ngàn điều kiện kinh doanh, “giấy phép con” ràng buộc doanh nghiệp, nhà đầu tư được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, bãi bỏ phần nào đã nói lên nỗ lực đẩy lùi tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, xây dựng chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính mà người đứng đầu Chính phủ đã trăn trở.

“Điều đó cho thấy sự toàn diện, đồng bộ trong phòng, chống tham nhũng. Muốn tạo động lực cho phát triển thì không thể coi nhẹ xử lý nạn tham nhũng vặt còn rất phổ biến này”, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhận định.

Nhìn nhận những kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đó là tín hiệu tích cực về hình ảnh một đất nước liêm chính, minh bạch đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên, tại các diễn đàn, đối thoại chính sách với Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính, quản trị minh bạch và bộ máy liêm chính. Do đó, để hội nhập thì Việt Nam phải phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa.

Không khoan nhượng, không ngừng nghỉ

Phòng, chống tham nhũng không thể là cuộc đấu tranh ngắn hạn, nửa vời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, đây là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, “không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông”, mà “phải bằng luật pháp”, phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”.

Ở góc độ tổ chức, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng, với điều kiện thực tế ở Việt Nam, muốn để cán bộ “không dám” tham nhũng, cần nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ quan kiểm soát quyền lực và thi hành kỷ luật của Đảng.

“Nên chăng, xem xét có một ủy ban về kiểm tra và kỷ luật, do Đại hội Đảng toàn quốc bầu ra hoặc một cơ quan quyền lực đại diện cho quyền lợi của nhân dân, do Quốc hội thành lập theo luật, có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng như công an, kiểm sát, tòa án, ủy ban kiểm tra Đảng… điều tra  cá nhân sai phạm, kể cả người đương nhiệm. Phải có cơ chế đặc biệt và cơ quan đặc biệt khi điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng”, ông Hương nêu quan điểm.

Từ thực tiễn nghiên cứu kinh tế và chính sách công tại Singapore, PGS-TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore), cho hay, nhờ thượng tôn nguyên lý “không khoan nhượng tham nhũng” và bốn thiết chế thực hiện rất hiệu quả là luật pháp hiệu lực, tư pháp độc lập, thực thi sắc bén và bộ máy công quyền tốt mà Singapore phòng, chống tham nhũng rất hiệu quả, trở thành quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Trong đó, Cục Điều tra tham nhũng của Singapore rất độc lập, đặc biệt coi trọng giữ gìn uy tín, lòng tin của xã hội nên không dễ mua chuộc, chi phối được cơ quan này. 

Bộ máy công quyền tốt với hệ thống quy định chặt chẽ, minh bạch, cán bộ có mức thu nhập xứng đáng giúp giảm thiểu các kẽ hở về quản lý, hạn chế cơ hội cho tham nhũng.

Đáng chú ý, Singapore quy định, mọi khoản lợi có được từ tham nhũng đều bị tịch thu, sung công, trong khi kẻ tham nhũng có thể bị những người biếu xén, chạy chọt kiện để đòi lại tiền bạc. Do đó, tham nhũng là một hành vi có rủi ro rất cao và khả năng thu lợi rất thấp. Khi đã tham nhũng và bị xử lý thì chắc chắn “khuynh gia bại sản”, không có chuyện chấp nhận đánh đổi cho người thân hay thế hệ sau, như cách nói của người Việt Nam là “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. 

Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền... là giải pháp quan trọng ngăn chặn tha hóa quyền lực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 - Khóa XII

Theo PGS-TS Vũ Minh Khương, đó là những yếu tố có thể tham khảo, vận dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội và đặc biệt là bối cảnh công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Hơn nữa, công cuộc phòng, chống tham nhũng còn vừa được “tiếp lửa” khi tại Hội nghị Trung ương 7 vừa kết thúc, Trung ương đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng với sự phát triển của đất nước nói chung, với phòng, chống tham nhũng nói riêng. 

Đó là Nghị quyết về xây dựng một đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất gánh vác trọng trách của quốc gia. Đó là việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương, gắn với hiệu quả và trách nhiệm công việc, tinh giản bộ máy, nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức để bảo đảm sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ...

Bình luận về những quyết sách quan trọng của Hội nghị Trung ương 7, PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, đó là những quyết sách vừa rất căn bản, vừa rất cấp bách. Làm tốt công tác cán bộ là chăm lo được phần “gốc” của mọi công việc, của mọi thành bại như Bác Hồ đã nói. Cũng có nghĩa là, việc phòng, chống tham nhũng đã được coi trọng từ gốc.

Bày tỏ sự kỳ vọng vào các quyết sách của Hội nghị Trung ương 7, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra ngay sau đây ít ngày, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận, hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

“Bên cạnh những điểm đổi mới về kê khai, xử lý tài sản tham nhũng, tinh thần của Luật là nhấn mạnh tính thực tiễn, nâng cao hiệu quả thực thi. Cùng với việc hành lang pháp lý trong các lĩnh vực khác được dần hoàn thiện, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tạo nên sức mạnh tổng thể, tạo chuyển biến cho công cuộc phòng, chống tham nhũng”, bà Hải chia sẻ.

***

Pháo lệnh đã rền vang, sức nóng đang dâng trào để phá tan thành trì tham nhũng. Chúng ta tin tưởng rằng, cuộc chiến cam go, đầy thử thách này khi có sự gắn kết, hòa quyện ý Đảng, lòng dân, của sức mạnh chính nghĩa nhất định sẽ giành thắng lợi, đem lại cuộc sống phồn vinh cho nhân dân, sự thịnh vượng cho đất nước.

Nỗi đau đằng sau những đại án ngàn tỷ
Tham nhũng - một trong những “nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” vẫn đang diễn biến rất phức tạp và gây nhức nhối. Bởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư