Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Không nên phá giá VND để kiểm soát lạm phát
Nguyễn Lê - 11/10/2022 10:02
 
Đó là một trong những lưu ý của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong kế hoạch kinh tế, xã hội năm 2023.
.
Phiên họp sáng 11/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phục vụ phiên thảo luận sáng 11/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cho biết Kế hoạch kinh tế, xã hội năm sau có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Chính phủ xác định tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác, khai thác dư địa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để ứng phó kịp thời với biến động của tình hình thế giới, trong nước.

Duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ; kiểm soát các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thẩm tra, về các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5% (năm 2022 là 4%) trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như giai đoạn 2021-2025.

Bởi, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu “Đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố".

Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cơ quan của Quốc hội nhấn mạnh, cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp.

Vẫn theo Ủy ban Kinh tế, cần phân tích kỹ hơn nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát từ yếu tố tiền tệ để có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.

"Chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; nghiên cứu việc thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và các động lực chính sách giúp kiểm soát lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán; không nên phá giá VND để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính", báo cáo thẩm tra lưu ý.

Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng hơn đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại; đồng thời, nghiên cứu, xem xét việc mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ.

Nhấn mạnh tiếp theo từ cơ quan thẩm tra là duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, thị trường bất động sản.

Thận trọng rủi ro nợ xấu khi đã chấm dứt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng có giá trị gia tăng cao; tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, cơ quan thẩm tra lưu ý. 

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023?
Đang là thời điểm để Việt Nam chuẩn bị xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Vậy năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư