Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vụ An Đông vào báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Nguyễn Lê - 11/10/2022 09:16
 
Có ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc để xảy ra các sự việc như An Đông.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận.  

Tiếp tục phiên họp thứ 16, sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Để tiết kiệm thời gian, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nghe các báo cáo thẩm tra trước khi tiến hành thảo luận.

Làm rõ nguyên nhân chậm hỗ trợ lãi suất

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh Kinh đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đó là, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm.

Gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp (tính đến hết tháng 8/2022 mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng/ gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022 của tổng 40 nghìn tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất), cần phải được báo cáo rõ nguyên nhân; đồng thời, có ý kiến cho rằng việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất như hiện nay thì việc hỗ trợ lãi suất 2% cũng không có nhiều tác dụng, Chủ  nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, với yêu cầu “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên”, đề nghị phân tích, đánh giá đầy đủ nguyên nhân lãi suất không giảm mà có xu hướng tăng, doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Có ý kiến cho rằng, bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 43, điều này cho thấy cần xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi, bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn, ông Thanh phản ánh.

Vấn đề nữa cần được quan tâm đánh giá kỹ, theo cơ quan của Quốc hội là kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Trong 9 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp/tháng).

"Doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với khó khăn về tài chính như thiếu vốn lưu động; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn vốn và chưa ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh", cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Làm rõ trách nhiệm để xảy ra các vụ việc như An Đông

Trong năm 2022, cơ quan thẩm tra đánh giá, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ song có nhiều biến động  và tiềm ẩn rủi ro.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn chưa cao; còn hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.

"Vừa qua vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán xảy ra trong năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc để xảy ra các sự việc như vậy, đồng thời đề nghị có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn", báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.

Có ý kiến cho rằng, việc điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn “chuyển trạng thái đột ngột”, đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư; đề nghị tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế, ông Thanh phản ánh. 

Công cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông là doanh nghiệp có liên quan đến vụ việc bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group), mới đây đã bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư