Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Không phải cứ xin là được cứu trợ
Mạnh Bôn - 27/02/2017 07:43
 
Tết Nguyên đán vừa qua, tháng giáp hạt sắp đến, cũng như “thông lệ” hằng năm, các địa phương, kể cả tỉnh giàu cũng đua nhau lên Trung ương xin cứu trợ. “Có xin cũng không được”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính), ông Lê Văn Thời khẳng định.
TIN LIÊN QUAN

Có một thực tế là trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương, kể cả tỉnh có kết dư ngân sách, có điều tiết về ngân sách trung ương cũng đua nhau lên Trung ương xin cứu trợ. Ông bình luận gì về tình trạng này?

Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, chỉ những địa phương sử dụng hết nguồn dự phòng mà vẫn còn thiếu mới được Trung ương hỗ trợ dưới hình thức cấp phát gạo cho gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác chứ không phải cứ xin là được.

.
.

Quyết định cấp xuất gạo cho địa phương nào để trợ giúp hộ gia đình thiếu đói, học sinh phổ thông ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng chỉ quyết định trên cơ sở ý kiến thẩm định, đồng ý của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (xuất cấp trong thời gian giáp hạt, thiên tai, bão lũ, hạn hán, mất mùa, Tết Nguyên đán); Bộ Tài chính và Giáo dục và đào tạo (xuất cấp cho học sinh nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Sau khi nhận được đề nghị của các địa phương, Tổng cục Dự trữ nhà nước tiến hành rà soát, nếu đồng ý mới gửi Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) rà soát lần nữa xem địa phương đề nghị còn đủ nguồn dự phòng ngân sách để thực hiện nhiệm vụ hay không. Chỉ trong trường hợp địa phương đã sử dụng hết nguồn dự trữ, Bộ Tài chính mới đồng ý và cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Giáo dục và đào tạo đề nghị Thủ tướng ra quyết định xuất cấp.

Trong đợt Tết Đinh Dậu vừa qua, Trung ương đã xuất cấp hơn 14.114 tấn gạo cho người nghèo, đối tượng chính sách thuộc 17 tỉnh, thì đúng là có địa phương điều tiết về Trung ương, nhiều địa phương có số thu ngân sách rất cao, nhưng tất cả đều đúng đối tượng chứ không phải cứ xin là được.

Nhiều địa phương khi xin Trung ương cấp gạo trong dịp Tết Nguyên đán đã “tranh thủ” xin cấp gạo trong đợt giáp hạt sau Tết. Năm nay có tình trạng đó không, thưa ông?

Trong số 17 địa phương xin “cứu tế” trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cũng có một số địa phương đề nghị xuất cấp gạo cho người dân bị thiếu đói trong đợt giáp hạt tới đây (tháng 3 và tháng 4/2017), nhưng Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không đồng ý. Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại xem địa phương nào không còn đủ nguồn dự trữ, không thể tự trang trải được mới đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng xuất cấp cho địa phương nào, xuất cấp bao nhiêu, chứ không phải là xin là được.

Thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, hạn hán, nước biển dâng đang diễn ra trong diện rộng và ngày càng khốc liệt. Theo đó, số địa phương cần sự hỗ trợ từ Trung ương cũng nhiều lên. Trong trường hợp thiếu nguồn lương thực thì xử lý thế nào?

Khối lượng gạo dự trữ hàng năm bao nhiêu, từng thời điểm bao nhiêu đều được tính toán dựa trên Chiến lược Dự trữ quốc gia và dựa vào nhu cầu thực tế, nên khối lượng gạo, thóc dự trữ luôn luôn bảo đảm đủ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là trong mọi trường hợp không để người dân “đói cơm, đứt bữa, lạt muối”.

Hiện lượng gạo còn trong kho dự trữ của hệ thống dự trữ nhà nước đủ để xuất cấp cho hộ gia đình thiếu đói đợt giáp hạt tới đây, cũng như cho học sinh thuộc khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tuy nhiên đây thuộc bí mật nhà nước, nên tôi không thể công bố con số cụ thể.

Theo Luật Dự trữ quốc gia, sau khi xuất ra phải mua đầy đủ, kịp thời để dự trữ. Thưa ông, việc mua gạo dự trữ sau khi đã xuất 14.114 tấn gạo cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và hơn 36.533 tấn gạo cho học sinh nghèo trong học kỳ I năm học 2016-2017 đã được thực hiện đến đâu?

Mua hàng dự trữ quốc gia thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với một quy trình rất chặt chẽ nhưng luôn bảo đảm đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu cần thiết, cấp thiết trong mọi tình huống.

Đối với mặt hàng lương thực, chúng tôi thường mua vào ở thời điểm vụ thu hoạch, vì chất lượng gạo, thóc cao, thường mua được với giá thấp. Khi tiến hành mua dự trữ gạo, chúng tôi tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi, tất cả thương nhân đáp ứng đủ điều kiện đều được tham gia theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Còn đối với thóc, do người dân không hiểu quy trình đấu thầu, nên chúng tôi tổ chức mua rộng rãi tại cửa kho dự trữ. Để tránh tình trạng tiêu cực khi mua thóc dự trữ, cục dự trữ khu vực xây dựng phương án giá gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thẩm định trình Bộ Tài chính quyết định giá tối đa, trên cơ sở đó, căn cứ vào giá thị trường thời điểm mua vào, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước quyết định giá mua. Các cục dự trữ khu vực công khai giá mua thóc, chất lượng thóc dự trữ trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại cửa kho dự trữ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư