Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Không vì đầu tư trường chuyên mà lơ là giáo dục phổ thông
D.Ngân - 21/01/2022 17:29
 
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo lưu ý, đầu tư cho trường chuyên là cần thiết nhưng không vì thế mà lơ là giáo dục phổ thông.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 dù nêu bật những điểm mạnh của hệ thống trường chuyên hiện nay song lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không phủ nhận những hạn chế của hệ thống này.

Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo lưu ý, đầu tư cho trường chuyên là cần thiết nhưng không vì thế mà lơ là giáo dục phổ thông.

Theo đó, tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất. 

Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Việc xây dựng Kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi;

Trường chuyên cũng chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác.

Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn; 

Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Ngoài ra, quá trình liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng. 

Việc hợp tác giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài còn chưa có tính chủ động cao.

Trước thực tế nêu trên Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu cần phát triển trường chuyên không chạy theo thành tích. Và câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật - triển khai đầu tiên phải là ở các trường trung học phổ thông chuyên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng cho rằng, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu.

“Đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao”, người đứng đầu ngành Giáo dục yêu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay một số phụ huynh chưa có cái nhìn thấu đáo về trường chuyên, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp, học sinh khổ sở vì ngồi nhầm trường.

Về việc các địa phương đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên, Bộ trưởng lưu ý, đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế mà lơ là giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. 

“Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác dẫn tới sự chênh lệch”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.

Tư lệnh ngành Giáo dục cũng cho rằng, cần tính đến hệ thống tiêu chuẩn cơ sở vật chất riêng cho trường chuyên để mỗi trường có thể khác nhau, trong đó có thể xem xét có hệ thống chuẩn đa dạng, tôn trọng sự khác biệt trên một nền chung.

Để phát triển hệ thống trường chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022-2032”.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển hệ thống trường chuyên nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của Bộ, ngành, địa phương hằng năm và trong từng giai đoạn.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án mới, xây dựng các nội dung Đề án mới thành chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cơ chế;

Huy động, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Đề án; phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra việc chi kinh phí thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện việc ban hành các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường trung học phổ thông.

Phú Yên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên vừa công bố 6 giai đoạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó sẽ triển khai áp dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư