Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Khúc mắc trong triển khai Dự án KCN Hòa Tâm
Hoàng Thủy - 08/04/2013 08:37
 
Việc điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) Hòa Tâm (tỉnh Phú Yên) để giao trực tiếp cho Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là quyết định đúng đắn của UBND tỉnh Phú Yên, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
TIN LIÊN QUAN

>> Đằng sau cáo buộc tỉnh Phú Yên bội ước

Báo Đầu tư điện tử (www.baodautu.vn) ngày 3/4/2013 đã có bài phản ánh “Đằng sau cáo buộc tỉnh Phú Yên bội ước”, qua đó phân tích rõ những mâu thuẫn trong phát ngôn của lãnh đạo Công ty Hiệp Hòa Phát (HHP, có trụ sở tại TP.HCM) liên quan đến việc cáo buộc tỉnh Phú Yên gây trở ngại cho đơn vị này trong việc triển khai Dự án KCN Hòa Tâm.

Quy hoạch tổng thể KKT Nam Phú Yên

Để dư luận hiểu rõ hơn vấn đề này, cuối tuần qua, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp báo, công bố toàn bộ những thông tin xác thực nhất liên quan đến sự việc. Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Yên một lần nữa khẳng định, những quyết định liên quan đến Dự án KCN Hòa Tâm đều lấy lợi ích của địa phương nói riêng và lợi ích quốc gia làm trọng, đồng thời cân nhắc việc đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.

Tại cuộc họp báo, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, HHP tuy đã có nhiều cố gắng để triển khai Dự án KCN Hòa Tâm, nhưng thời gian hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 KCN Hòa Tâm và cảng Bãi Cốc chậm hơn 1 năm so với tiến độ cam kết tại giấy chứng nhận đầu tư và chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, do đó, chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, chưa thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng và ngoài việc nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, HHP cũng chưa đầu tư xây dựng bất kỳ công trình nào trong khu vực này.

Liên quan đến việc HHP đề nghị Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (VRP) là nhà đầu tư thứ cấp, UBND tỉnh cho rằng, việc này không phù hợp, bởi lẽ, Quy hoạch của KCN chưa được phê duyệt, nên HHP chưa được UBND tỉnh giao đất, do đó chưa thể cho thuê đất theo yêu cầu của VRP. Hơn nữa, HHP mới dừng lại việc nghiên cứu quy hoạch và chưa đầu tư bất cứ công trình kết cấu hạ tầng nào, thì lấy đâu ra hạ tầng để cho thuê? Đó là chưa kể, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô thuộc danh mục dự án đặc biệt, đã có chủ trương của Chính phủ khuyến khích đầu tư, nên được miễn 100% tiền thuê đất.

Trong khi đó, VRP đã thể hiện rõ tâm huyết triển khai dự án này, thông qua việc tự cấp kinh phí hỗ trợ địa phương trong công tác di dân, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, chuẩn bị xây dựng một số cơ sở hạ tầng.

Theo tính toán của các chuyên gia, đối với việc triển khai một dự án, việc chậm trễ thời gian 1 tháng của khâu này sẽ kéo theo khâu sau chậm 3 - 5 tháng. Thử hỏi, một dự án lớn, trọng điểm như Lọc dầu Vũng Rô sẽ như thế nào, nếu rơi vào tình trạng “chờ nhau” dây chuyền như vậy, trong khi kế hoạch khởi công triển khai dự án đã được VRP dự kiến triển khai trong năm nay.

Chính vì lý do đó, cùng với sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, việc quyết định xin chủ trương trực tiếp cấp đất để VRP chủ động triển khai dự án của UBND tỉnh Phú Yên là quyết định cần thiết, vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích chiến lược của địa phương.

Tại buổi làm việc gần đây với HHP, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã thông báo chi tiết chủ trương của Chính phủ (Thông báo số 52/TB-VPCP) về Dự án Lọc dầu Vũng Rô, trong đó có yêu cầu HHP giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch với diện tích 450 ha thuộc phía Đông Nam KCN Hòa Tâm và mặt bằng cảng Bãi Cốc để giao trực tiếp cho VRP thực hiện dự án.

Liên quan đến việc bồi thường cho HHP (nếu có), Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết, UBND tỉnh Phú Yên sẽ có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí trong quá trình khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, để có cở sở bồi thường, HHP phải có công văn đề xuất để UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Phó tổng giám đốc HHP lại yêu cầu VRP bồi thường trực tiếp cho HHP và việc bồi thường thiệt hại này thực hiện sau khi tỉnh Phú Yên phê duyệt quy hoạch chi tiết cả KCN.

Tuy nhiên, ông Trúc khẳng định, quyết định giao đất cho VRP là do UBND tỉnh quyết định, dựa trên yêu cầu chính đáng của VRP cũng như chỉ đạo của Chính phủ, vì vậy việc bồi hoàn chi phí cho HHP (nếu có) phải do UBND tỉnh Phú Yên trực tiếp giải quyết, không thuộc trách nhiệm của VRP.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao đối với một dự án được cấp phép từ rất lâu, như KCN Hòa Tâm, đến nay vẫn chỉ dừng lại việc nghiên cứu quy hoạch, tiến độ chậm so với cam kết, mà UBND tỉnh không thu hồi giấy phép, ông Trúc cho biết, UBND tỉnh luôn chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án, trong đó, HHP không phải là ngoại lệ.

“Tuy nhiên, nếu HHP vẫn kéo dài việc nghiên cứu quá lâu, hoặc nếu quy hoạch được phê duyệt và giao đất mà triển khai xây dựng hạ tầng theo giấy phép không đáp ứng được tiến độ cam kết, thì UBND tỉnh sẽ cân nhắc việc thu hồi”, ông Trúc nói.

Giữa UBND tỉnh Phú Yên và HHP vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, dưới góc độ đầu tư, việc HHP đòi quyền lợi của mình trên mảnh đất chưa sở hữu liệu có hợp lý? HHP nên tập trung vào việc đảm bảo tiến độ cam kết với địa phương về quy hoạch để sớm triển khai xây dựng hạ tầng theo đúng chức năng đầu tư hạ tầng của Giấy phép.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư