Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khủng hoảng năng lượng châu Âu có thể tồi tệ hơn
Lê Quân - 14/02/2022 08:19
 
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang, theo chuyên trang năng lượng Oil Price.
Dự án đường ống Nord Stream 2 đã không được bật đèn xanh để hoàn tất và đi vào hoạt động do bị chỉ trích gay gắt rằng Dự án sẽ đem lại quá nhiều quyền thương lượng cho phía Nga. Ảnh: AFP
Dự án đường ống Nord Stream 2 đã không được bật đèn xanh do bị chỉ trích gay gắt rằng dự án sẽ đem lại quá nhiều quyền thương lượng cho phía Nga. Ảnh: AFP

Nga và Ukraine vốn là hai mắt xích then chốt trong chuỗi năng lượng châu Âu. Trong đó, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của châu Âu còn Ukraine là một phần quan trọng của tuyến vận chuyển nhiên liệu đó từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU). Căng thẳng giữa hai mắt xích này là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của châu Âu.

Khi khủng hoảng năng lượng của châu Âu ngày càng trở nên tuyệt vọng, "lục địa già" cũng phụ thuộc nhiều hơn vào Điện Kremlin để mở thông các tuyến cung cấp năng lượng và tăng cường các chuyến hàng khí đốt tự nhiên. Chỉ trong năm ngoái, những trục trặc trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã khiến giá khí đốt trên khắp châu Âu tăng dựng đứng 330%.

Chính phủ các nước châu Âu đã phải triển khai các biện pháp tốn kém để chống đỡ suy thoái kinh tế do khủng hoảng năng lượng. Cho đến nay, hàng chục tỷ euro đã được chi ra để hỗ trợ người tiêu dùng trước cơn sốt giá năng lượng cao kỷ lục, theo Reuters.

Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực của EU, Nga không chỉ từ chối mở van các đường ống dẫn năng lượng đủ mức để dập tắt cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, mà còn cắt giảm xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu ngay lúc thị trường cần nhất.

Sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng Nga đã tạo thuận lợi để Moscow thúc đẩy một số lợi ích riêng, đáng chú ý nhất là dự án đường ống Nord Stream 2, cho phép Nga bơm LNG trực tiếp sang Đức (chiếm 50% lượng khí đốt tự nhiên chuyển từ Nga) bằng đường biển Baltic, bỏ qua hoàn toàn Ukraine.

Khi triển khai xây dựng, dự án Nord Stream 2 đã không được bật đèn xanh để hoàn tất và đi vào hoạt động do sự chỉ trích gay gắt rằng dự án sẽ đem lại quá nhiều quyền thương lượng cho Điện Kremlin, làm suy giảm thêm an ninh năng lượng và ổn định địa chính trị của châu Âu.

Thực tế, trong 20 năm qua, châu Âu đã dần dần bãi bỏ quy định trong lĩnh vực khí đốt và đầu tư mạnh vào việc mở rộng đường ống dẫn nhiên liệu và các dự án hạ tầng LNG với mong muốn tiếp cận thị trường tự do hơn.

Cụ thể, châu Âu đã xóa bỏ hệ thống ràng buộc giá khí đốt dài hạn trước đây đối với giá dầu và để cung và cầu điều tiết giá khí đốt. Năm 2021, mặc dù hệ thống này cho phép cắt giảm giá khí đốt trong ngắn hạn, nhưng châu Âu vẫn gặp phải cú sốc lớn do các kho dự trữ khí đốt bắt đầu cạn kiệt trong thời đại dịch.

"Đừng đổ lỗi cho ông Putin về cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu", tạp chí toàn cầu Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) nhận định. Còn ông Jason Bordoff, nhà đồng sáng lập Trường nghiên cứu khí hậu Columbia Climate School cho rằng: "Ngay cả khi nguồn cung khí đốt của Nga tiếp tục chảy, châu Âu sẽ ngày càng phải đối mặt với giá khí đốt nhập khẩu biến động trong những năm tới, trừ khi các nhà lãnh đạo của họ thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ tăng giá năng lượng và chuẩn bị cho những biến động không thể tránh khỏi và không thể đoán trước trong nguồn cung và tiêu thụ năng lượng".

Những biến động giá này dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị đáng kể ở châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đưa ra các giải pháp tháo gỡ, chẳng hạn bỏ thuế VAT đối với hóa đơn năng lượng gia đình và đưa hàng cứu trợ trực tiếp đến cho các hộ nghèo, cùng nhiều biện pháp khẩn cấp khác.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ để bảo vệ người tiêu dùng châu Âu và vấn đề có chiều hướng xấu đi. Tháng trước, hãng tin Reuters dẫn ước tính của BofA (Ngân hàng Bank of America - BTV) cho biết các hộ gia đình ở Tây Âu trung bình chi khoảng 1.200 euro (1.370 USD) cho khí đốt và điện trong năm 2020. Và dựa theo giá bán buôn hiện tại, mức chi trên sẽ tăng thêm 54% lên 1.850 euro.

Chắc chắn, những hành động gần đây của ông Putin đã không xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu và thậm chí căng thẳng quân sự ở biên giới Ukraine có thể khiến vấn đề năng lượng càng trở nên tồi tệ hơn. Thế nhưng, đó không phải là lỗi của Điện Kremlin bởi thị trường năng lượng châu Âu vốn dĩ dễ bị "tổn thương", tờ Oil Price bình luận.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cần phải ngừng đổ lỗi và đánh giá nghiêm túc các chính sách năng lượng của chính họ. Việc tạo ổn định giá cả và an ninh năng lượng sẽ trở nên cần thiết hơn trong những thập kỷ tới khi thế giới bắt đầu nghiêm túc thực hiện khử cacbon. Và tất nhiên cuộc cải cách năng lượng sâu rộng như vậy chắc chắn sẽ đưa đến nhiều thăng trầm hơn cho thị trường năng lượng.

Khủng hoảng nhiên liệu tại Anh: Gần 30% trạm xăng dầu đang trong tình trạng cạn kiệt
Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu của Anh (PRA) cho biết các trạm xăng vẫn đang trong tình trạng cạn kiệt nhiên liệu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư