Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Kiểm soát chặt hạn mức nợ công
Hà Tâm - 22/10/2014 09:04
 
Vấn đề nợ công lại tiếp tục được đề cập tại kỳ họp Quốc hội lần này. Giới chuyên gia kinh tế tỏ ra rất lo ngại với tốc độ tăng của nợ công hiện nay.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thách thức với mục tiêu GDP năm 2015 tăng 6,2%
Tham nhũng mấy năm nay "ổn định"
Không 'xẻ thịt' Tân Sơn Nhất để 'tiếp máu' cho Sân bay Long Thành
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ còn 4 món nợ lớn với cử tri
Nợ công của Việt Nam có an toàn không?
Nợ công: Ngưỡng an toàn và giới hạn đỏ

Nợ công tiếp tục tăng nhanh

Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đầu tuần này nêu rõ, nợ công đang tiếp tục tăng nhanh. Theo dự kiến của Chính phủ, đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% GDP (tăng 6,1%), dư nợ chính phủ 46,9%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP.

  Kiểm soát chặt hạn mức nợ công  
  Giới chuyên gia kinh tế tỏ ra rất lo ngại với tốc độ tăng của nợ công hiện nay (Ảnh minh họa)  

Cho dù nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn cho phép, song người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận, nợ công tăng nhanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014, nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại đã lên tới 26,2% GDP (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%).

Nhiều năm nay, nợ công là chủ đề nóng luôn được đặt ra. Về phía cơ quan quản lý nhà nước thì cho rằng, nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép. Thậm chí, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn cho rằng, nợ công Việt Nam hiện vẫn mức trung bình thấp so với các nước Đông Nam Á. Cụ thể, nợ công bình quân đầu người của Việt Nam đang xấp xỉ khoảng 914 USD/người, trong khi Indonesia là 1.069 USD/người, Thái Lan là 3.249 USD/người hay Malaysia là 7.260 USD/người.

Tuy vậy, PGS -TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nợ công của Việt Nam chỉ có thể nói là đang nằm trong ngưỡng cho phép, chứ không ai dám nói là an toàn. “Hơn nữa, dù vẫn trong ngưỡng, song nợ công đã ở mức cao, nên không thể chủ quan. Còn mức độ an toàn của nợ công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách…”, ông Ngân nhận định.

Con số nợ xấu còn đáng sợ hơn, nếu tính theo chuẩn quốc tế (tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước - DNNN). TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu áp dụng cách tính quốc tế (tính cả nợ của khối DNNN), thì nợ công của Việt Nam lên tới 100%.

Nợ công là chuyện đương nhiên của mỗi quốc gia, song có vay, có trả, vậy Việt Nam lấy nguồn trả nợ từ đâu? Với mức bội chi ngân sách lớn như nước ta, áp lực vay nợ để trả nợ là rất lớn, vì thế, nợ công sẽ ngày càng dày thêm, mà khó có khả năng giảm đi.

Tháng 6/2014, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ là tương đối lớn. Mỗi năm, Việt Nam phải dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. 

Chi chưa giảm, thu chưa tăng, vẫn phải vay để tiêu

Ông Trần Hoàng Ngân nhận xét, với tốc độ thu - chi như hiện nay, trong vòng 5-10 năm nữa, Việt Nam vẫn phải vay nước ngoài để chi tiêu công. Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nợ công sẽ trở thành gánh nặng nếu tình trạng chi thường xuyên lớn, chi đầu tư không hiệu quả… như hiện nay không được cải thiện. “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay để xử lý nợ công là, làm sao tăng trưởng cao, đảm bảo nguồn thu cho các khoản chi ngân sách và giảm chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách”, ông Ngân nói.

Đồng tình với ý kiến này, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các DNNN hiện quản lý gần 1 triệu tỷ đồng tài sản nhà nước, trong khi đóng góp cho ngân sách lại rất hạn chế. Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ khối này.

Bên cạnh đó, tình trạng chuyển giá của khối DN FDI hiện  chưa được kiểm soát hữu hiệu, nếu Bộ Tài chính quản chặt, ngân sách sẽ có thêm nguồn thu lớn. Một giải pháp nữa để giảm gánh nặng nợ công là phải tăng cường các giải pháp kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng: “Nếu kinh tế tăng trưởng thấp, nguồn thu tăng chậm, nguồn trả nợ sẽ khó khăn. Do đó, cần kiểm soát chặt hạn mức nợ công”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, cơ quan này đang đưa ra một loạt giải pháp để đảm bảo an toàn nợ công, như giảm quy mô đầu tư và tỷ trọng đầu tư công; tăng thu, tiết kiệm chi, tiến tới giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước xuống 4% GDP giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quy trình tái cơ cấu nợ theo huớng giảm dần nợ nước ngoài và tăng tỷ trọng nợ trong nước để Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư